Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt?

Từ lâu, thị trường băng đĩa Việt Nam đang nằm trên "bờ vực" giữa bùng nổ về khái niệm streaming.

Hơn 20 năm trước, thị trường băng đĩa Việt Nam được coi là một trong những mảnh đất màu mỡ, nơi sở hữu tiềm năng kinh tế tuyệt vời. 

Theo chia sẻ của một "ông trùm" băng đĩa tại Việt Nam, lúc bấy giờ có đến hơn 20 đơn vị sản xuất và hàng trăm ngàn cửa hàng phân phối. Đầu ra của thị trường băng đĩa chạm tới con số hàng trăm nghìn bản (từ một CD gốc) để phục vụ nhu cầu của khán giả.

Tuy nhiên, đó chỉ là những con số dĩ vãng ở thời hoàng kim của thị trường băng đĩa Việt Nam những năm 2000. Bà Thu Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội ghi âm Việt Nam từng công bố: "Khoảng năm 2005, dù bị ảnh hưởng bởi internet, doanh thu của ngành vẫn đạt hơn 20 tỷ đồng, nhưng đến 2016 chỉ còn 9 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 chỉ kỳ vọng đạt 7 tỷ đồng".

Những "ông buôn" trong thị trường này cũng buộc lòng phải chạy theo thời cuộc để đáp ứng được xu hướng đương thời của khán giả. Số ít vẫn bám trụ nghề bán băng đĩa, song chỉ là sự luyến tiếc về một thời kỳ rực rỡ chứ không còn là công việc kiếm cơm.

Bùng phát khái niệm streaming, nghệ sĩ thức thời để tồn tại

Theo một thống kê của tạp chí Billboard, 46% doanh thu hiện nay của một ca sĩ đến từ các website nghe nhạc trực tuyến, 6% từ YouTube, 38% từ việc khán giả tải xuống các ca khúc và chỉ có 9% từ doanh thu bán đĩa.

Mặc dù vậy, nhưng những nghệ sĩ có tên tuổi đình đám trên toàn thế giới vẫn nằm trong vòng an toàn của "cuộc chơi" băng đĩa. Không phải tự nhiên những cái tên như Adele, Taylor Swift, Ariana Grande, BTS,... được mệnh danh là những "bà trùm", "ông trùm" bán đĩa dù thời điểm hiện tại, làng nhạc thế giới đã và đang chịu sự thống trị của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 1
Adele được mệnh danh là "bà trùm" bán đĩa của thế giới.

Dẫu vậy, các ca sĩ quốc tế cũng không thể mạo hiểm để mình nằm ngoài cuộc đua streaming. Nếu để ý những album gần đây của Taylor Swift hay Ariana Grande, dễ dàng nhận thấy những nữ ca sĩ này phát hành các track nhạc có thời lượng khá ngắn, dao động từ 2 cho đến 3 phút hơn. Việc các ca khúc có thời lượng ngắn sẽ thuận lợi hơn trong việc để người hâm mộ stream nhạc trên các ứng dụng. Bù lại, những MV với thời lượng dài hơn sẽ được phát hành trên Youtube.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 2
Ariana Grande là một trong những "nữ hoàng streaming" của thời điểm hiện tại với hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Tại Việt Nam, những nghệ sĩ có tiềm lực kinh tế và vị trí "cứng" mới dám đu theo cuộc chơi này. Album Tâm 9 của Mỹ Tâm từng tạo nên cơn sốt bán đĩa tại Việt Nam, Love Songs của Hà Hồ cũng khá "ăn nên làm ra", Lệ Quyên cũng không kém cạnh với các CD nhạc xưa được rất nhiều khán giả yêu mến,...

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 3
Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 4
Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 5

Trong khi đó, một số nghệ sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh, Văn Mai Hương, K-ICM, Phùng Khánh Linh,... cũng tham gia vào cuộc đua này. Tuy nhiên, số lượng album bán ra của những nghệ sĩ này chỉ dừng ở mức phục vụ cho một lượng khán giả nhất định và chỉ phát hành thêm nếu số lượng pre-order đạt con số kha khá.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 6

Thời gian gần đây, ca sĩ Việt Nam cũng dần mang hết các sản phẩm âm nhạc của mình lên những nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Itunes,... Số lượng nghệ sĩ dám công khai doanh số bán album hầu như rất ít, nếu có cũng chỉ qua loa trong thông báo "sold out".

Băng đĩa giờ chỉ gói gọn trong 2 từ "kỷ niệm"

Mặc dù vẫn còn sự tồn tại của những nhà sản xuất cũng như phân phối, nhưng rõ ràng hoạt động của thị trường băng đĩa Việt Nam đang ở trạng thái cầm chừng. Và đối tượng phục vụ có lẽ cũng chỉ nằm ở những người muốn sưu tầm hay những dịch vụ kinh doanh cà phê, nhà hàng muốn mang đến âm nhạc qua những chiếc CD cho khách hàng.

Dạo quanh một vòng Hãng đĩa T.D - Một cửa hàng kinh doanh băng đĩa lớn của TP HCM ở thời điểm hiện tại, số lượng album nước ngoài hầu như chiếm đa số vị trí trên kệ. Trong khi đó, những album của các nghệ sĩ Việt Nam lại khá ít ỏi và thiếu sự đa dạng. Chủ cửa hàng cũng cho biết đa số đối tượng khách hàng mua đĩa ở đây đều là những bạn trẻ yêu nhạc nước ngoài, số lượng đĩa nhạc Việt bán ra chỉ ở mức tạm được.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 7

Một số nghệ sĩ cũng phát hành nhiều định dạng như: băng cassette, đĩa than, đĩa vật lý,... tuy nhiên họ luôn nhấn mạnh rằng đây là những sản phẩm nằm trong đợt phát hành giới hạn. 

Là một trong những nghệ sĩ trẻ hiếm hoi theo đuổi cuộc chơi đĩa vật lý, Phùng Khánh Linh cho biết: "Việc phát hành đĩa vật lý thật sự rất khó khăn và cũng có nhiều rủi ro. Nhưng bản thân tôi chỉ muốn sau này mình sẽ có những cái để tự hào khi nhìn lại hành trình âm nhạc của mình thông qua những chiếc CD này".

Có thể thấy được rằng, việc các nghệ sĩ Việt phát hành album ngày nay đã không còn xuất phát từ kỳ vọng kiếm lợi nhuận mà quan trọng hơn chính là việc củng cố chất lượng cho tên tuổi của mình.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 8
Album yesteryear của Phùng Khánh Linh.

Với sự phát triển quá nhanh quá nguy hiểm của thời đại công nghệ, cuộc sống của con người cũng phải thay đổi để phù hợp với dòng chảy đó. Sẽ thật bất tiện nếu muốn nghe nhạc phải cần có những chiếc máy nghe nhạc, máy cassette cồng kềnh. Thay vào đó, sự ra đời của các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến là giải pháp hữu hiệu khi có thể nghe ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào mà không cần quá nhiều công đoạn. 

Chưa kể, nắm được tâm lý của người nghe nhạc nên những năm gần đây, các nhà phát hành đã cung cấp nhiều định dạng âm thanh từ trung bình cho đến siêu cao cấp (lossless) để đáp ứng nhu cầu về mặt chất lượng cho người dùng.

Còn không cơ hội vực dậy thị trường băng đĩa Việt? Ảnh 9

Vẫn rất hoan nghênh những nghệ sĩ đã và đang góp phần duy trì thị trường băng đĩa Việt Nam dù việc vực dậy ngành kinh doanh này hầu như không khả thi. Có lẽ giờ đây, những chiếc băng đĩa đã sẵn sàng nhường chỗ cho các phương tiện nghe nhạc hiện đại và sẽ phù hợp hơn khi chúng trở thành các món đồ mang tính chất kỷ niệm với khán giả yêu nhạc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Quân

Được quan tâm

Tin mới nhất