Có một ý kiến đang được dư luận trong thời gian gần đây quan tâm và tranh cãi, đó là việc ca khúc Destiny của Hồ Ngọc Hà và nhiều ca khúc Việt có tên tiếng Anh khác đừng nên “đua đòi” mà hãy chọn cho mình một cái tựa thuần Việt. Thực chất, vấn đề này mới mà không mới. Không mới bởi câu chuyện “sính ngoại ngữ” từ trước tới giờ luôn là một trận chiến chưa có hồi kết trên mọi mặt của đời sống xã hội giữa 2 phe: giới trẻ - nhạy bén với cái mới và thế hệ đi trước - những người luôn muốn đứng ra bảo vệ các giá trị truyền thống.
Nó chỉ mới ở chỗ, khoảng vài năm trở lại đây, làng giải trí rộ lên xu hướng đặt tên cho các ca khúc bằng tiếng Anh: Awakening, Follow Me, No Love No Life, Get On The Floor, Crying Over You, Forver Alone… Và gần đây là Loving You, Bad Boy, Destiny, What Is Love?, Say You Do, Hold Me Tonight, My Everything… Nhiều người bắt đầu có cái nhìn bi quan, họ cho rằng nền giải trí nước nhà đang đi xuống với những cái tên “nửa nạc nửa mỡ”. Tuy nhiên, nhìn sang các nền âm nhạc lớn mạnh và gần gũi với chúng ta như Hàn Quốc hay Trung Quốc, từ lâu chuyện này không còn là điều lạ lẫm.
Có thể thấy, các nghệ sĩ Hàn hay Trung trước nay đều chưa từng có trường hợp bị ném đá vì đặt tên tiếng Anh cho ca khúc của mình. Việc gọi tên bài hát là Hair Like Snow hay Tóc như tuyết, Faraway hay Thiên lý chi ngoại, Rice Field hay Hương lúa, Nocturne hay Dạ khúc không làm ảnh hướng đến độ thành công của Châu Kiệt Luân. Bằng chứng là các ca khúc vừa liệt kê ở trên đều được nhiều người yêu nhạc thuộc lòng và nó trở thành những bài hát phổ biến nhất của Châu Kiệt Luân.
Thêm một ví dụ khác, dạo một vòng quanh trang Weibo của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Hàn Canh (Hangeng), vào phần giới thiệu thông tin không khó để bắt gặp những tựa bài hát là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Anh lẫn lộn. Anh chàng cũng chưa bao giờ bị khán giả lên án phải đặt tựa 100% bằng tiếng Hoa hay không được “nửa nạc nửa mỡ”. May mắn thay, concert kỷ niệm 10 năm ra mắt của anh mới đây đã thành công tốt đẹp khi không có ai bảo anh phải… bảo vệ sự trong sáng của tiếng Hoa.
MV Hair Like Snow
MV Rice Field
Làn sóng Hallyu không tự nhiên được lan truyền một cách mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nó là cả một nền công nghiệp được “quy hoạch” rất bài bản kể từ khâu đầu vào (tuyển chọn, đào tạo kỹ năng) cho đến những khâu đầu ra (quảng bá). Tính chuyên nghiệp của họ thể hiện từ nghệ danh của các nghệ sĩ, tên ca khúc đến tên chương trình, sự kiện lớn nhỏ. Tất cả đều được đặt tên bằng tiếng Anh. Thử tưởng tượng, nếu đập vào mắt chúng ta là những ký tự Hangul loằng ngoằng (bảng chữ cái Triều Tiên) thì liệu chúng ta có thể tiếp cận các thần tượng Kpop được dễ dàng hay không, liệu làn sóng Hàn Quốc có thể tiến xa như ngày hôm nay được hay không?
Nếu chỉ đặt tựa bằng dòng Hangul thuần túy 강남스타일 thay vì cái tên Gangnam Style, chắc hẳn phải rất lâu nữa thế giới mới có được một MV ca nhạc hơn 2 tỷ lượt xem.
Nền âm nhạc của chúng ta tuy đã có nhiều bước chuyển mình trong những năm qua nhưng không thể phủ nhận tất cả các nghệ sĩ đều không có được định hướng chung. Mạnh ai người nấy chạy, tự tìm tòi, sáng tạo, làm mới mình, chạy theo các trào lưu. Như mảnh đất màu mỡ chưa có người khai thác, quy hoạch, tất yếu họ phải tự tìm cho mình hướng đi riêng. 365 là một trong những nghệ sĩ tiên phong “chuyên nghiệp hóa” mọi hoạt động trong chặng đường vươn tới đỉnh cao.
Học tập theo mô hình Kpop, các thành viên đều chọn nghệ danh là tên tiếng Anh, đặt tên hầu hết ca khúc bằng tiếng Anh. Công ty quản lý VAA cũng xây dựng chiến lược quảng bá bài bản trên youtube, giúp 5 chàng trai thu hút được nhiều sự chú ý của nhiều fan quốc tế. Nhóm xuất hiện liên tục trên các kênh truyền thông lớn trong khu vực như Asian Pop Australia, Pop Asia, SeedFM, Blastro.
365 xuất hiện trên Pop Asia.
Nhạc sĩ gạo cội Phạm Minh Thuận - tác giả của hơn 500 ca khúc trong đó có Ơn Người Hồ Chí Minh, Người đi tìm hình của nước, Thế kỷ tên Người Hồ Chí Minh, Chiếc áo khoác Người chưa cài cúc và đặc biệt là nhạc hiệu chính thức của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly - từng đưa ra một nhận định riêng về âm nhạc. Ông chia sẻ: “Chỉ cần 7 nốt nhạc nối tiếp nhau và khi âm thanh được vang lên, đã có rất nhiều những bài hát vượt không gian, thời gian và nó mang con người xích lại gần nhau hơn”. Cũng theo nhạc sĩ, âm nhạc cần phải qua 4 “cửa” để một tác phẩm trường tồn với thời gian: người sáng tác, người hòa âm phối khí, ca sĩ và cuối cùng là cảm nhận của công chúng. Vậy đấy, việc mang hình hài ca khúc đặt dưới cái tên, ngôn ngữ nào không thể làm ảnh hưởng tới ý nghĩa ban đầu hay thông điệp thuần túy của nó.
Trong một số trường hợp, chọn tên ca khúc bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ còn góp phần tạo thêm hiệu ứng thành công cho sản phẩm âm nhạc của người nghệ sĩ. Album gây sốt của G-Dragon mang cái tên chẳng phải tiếng Hàn, cũng không phải tiếng Anh như thông thường, mà là một từ tiếng Pháp: Coup D'etat (cuộc đảo chính) - cái tên gây tò mò ngay từ lần đầu nhìn thấy. Có thể kể thêm một số ca khúc hit Kpop khác từng làm mưa làm gió khắp các BXH với tên gọi “ngoại quốc”: Mamacita của Super Junior, Me Gustas Tu của G-Friend, Fiesta của Mighty Mouth, Traicion của Taecyeon (tiếng Tây Ban Nha) hay Amor Mio của Lee Hyori, Amor Fati của Epik High (tiếng Ý). Rõ ràng, các ca khúc này không hề làm hao hụt hay vấy bẩn lượng tiếng Hàn vốn có của người Hàn Quốc.
MV Mamacita.
MV Coup D'etat.
MV Me Gustas Tu.
MV Amor Mio.
Có một điều hiển nhiên, không phải quốc gia nào cũng nói tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ chung của toàn thế giới, việc nhiều nền âm nhạc hướng đến cái chung thông qua công cụ đơn giản: đặt tên bài hát bằng tiếng Anh âu cũng là điều dễ hiểu. Có nên vì những lý lẽ: “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “tôn trọng mọi đối tượng khán giả” mà chúng ta lại đứng ngoài vòng xoáy của sự giao thoa ấy? Để thấy được cái đẹp của ngôn từ, không nhất thiết phải bất chấp mọi thứ mà dịch sang tiếng mẹ đẻ. Có những từ, ta thấy nó đẹp nhất chỉ khi được giữ nguyên bản. Có những tựa bài hát, chỉ hợp lý và truyền tải thông điệp tốt nhất khi mang hình hài “ngoại bang” chính gốc.
Âm nhạc là một tài sản vô giá trong kho tàng tinh hoa nhân loại. Tất cả các dân tộc trên trái đất đều chơi nhạc. Và mọi nền văn hóa đều hiểu âm nhạc. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành mở nhạc phương Tây cho một bộ tộc châu Phi sống biệt lập. Bộ lạc này chưa từng tiếp xúc với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, họ vẫn biết đâu là nhạc vui, đâu là nhạc buồn. Khoa học chưa thể lý giải, nhưng điều đó đã chứng tỏ âm nhạc chính là một loại ngôn ngữ không biên giới. Và bằng cách nào đó chúng ta đều có khả năng cảm nhận nó một cách chính xác.
Phải chăng, đã đến lúc gạt bỏ những suy nghĩ rối rắm và lớn lao về ngôn ngữ? Vì âm nhạc, chính bản thân nó đã là thứ ngôn ngữ đẹp nhất rồi.