Pledis Entertainment được sáng lập vào năm 2007, đó cũng là khoảng thời gian các ông lớn Big3 đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Tuy khởi sinh trong thời điểm khắc nghiệt, thế nhưng Pledis cũng dần len lỏi có chỗ đứng nhờ bản lĩnh và tài năng của hai thành viên sáng lập tương đối có tiếng trong giới giải trí xứ Kim Chi là Han Sung Soo và Park Kahi. Han Sung Soo trước khi tham gia thành lập Pledis thì ông từng có quãng thời gian dài giữ vai trò quản lí tại SM Entertainment thế nên chắc chắn ông cũng đã có không nhiều cũng ít một số kinh nghiệm cho việc đào tạo idol. Riêng với Park Kahi, cô nàng khởi nghiệp là một vũ công trong một nhóm nhảy. Với đam mê, tài năng, Kahi dần phát triển bản thân và từng có nhiều cơ hội làm việc với sao lớn lúc bấy giờ như BoA, Lexy, Chae Yeon, Eun Ji Won,… Kahi và Sung Soo đã song kiếm hợp bích để phát triển cùng nhau tạo nên cái tên Pledis Entertainment.
RẠNG DANH PLEDIS NHỜ DÀN IDOL XUẤT SẮC
Ngay từ nữ nghệ sĩ debut solo đầu tiên của công ty là Son Dam Bi, Pledis Entertainment đã gây được tiếng vang không hề nhỏ bởi khả năng đào tạo idol xuất sắc của mình. Thời điểm ấy, Son Dam Bi còn được ví von là phiên bản nữ của ca sĩ Bi Rain nhờ thế mạnh vũ đạo điêu luyện cùng bản lĩnh sân khấu vững vàng.
Cry Eye là MV debut của Son Dam Bi.
Tiếp theo đó là nhóm nhạc nữ After School do chính CEO của công ty là cô nàng Kahi đào tạo và tham gia dẫn dắt với vai trò trưởng nhóm. Năm 2009, After School tạo nên thành công lớn với ca khúc Because of You khi bản hit nhanh chóng dẫn đầu các BXH trong ngoài nước. Mặc cho thời điểm lúc bấy giờ, SNSD và 2NE1 đang không ngừng “làm mưa làm gió” khắp nơi thế nhưng After School vẫn dễ dàng ghi danh vào những nhóm nhạc nữ hàng đầu tại Hàn. Không chỉ vậy,ngay cả nhóm nhỏ Orange Caramel của After School cũng nhanh chóng dẫn đầu trào lưu tạo nhóm unit. Điều đó đồng nghĩa với việc cái tên Pledis Entertainment càng được củng cố vị thế và biết đến nhiều hơn nữa trong làng giải trí xứ Hàn.
After School debut với MV Ah.
Chưa dừng lại ở đó, với tính toán của các cổ đông sáng lập, Pledis Entertainment cần thay đổi thêm về bộ mặt của công ty khi không chỉ là “lò” đào tạo idol nữ. Cứ như thế, thành công tiếp tục gọi tên Pledis khi chính thức cho ra mắt lứa thực tập sinh nam đầu tiên với nhóm nhạc Nu’est. Ra mắt cùng năm với tân binh khủng long nhà SM là nhóm EXO, thế nhưng với chất nhạc mạnh mẽ hợp thời của ca khúc Face cùng tài năng vượt trội của 5 thành viên JR, Baekho, Ren, Aron nhanh chóng ghi điểm trong mắt khán giả. Các ca khúc của Nu’est phát hành đều đạt thứ hạng cao ở các BXH âm nhạc.
Đặc biệt hơn album của nhóm đã bán được lên đến con số khủng so với một tân binh như Nu’est lúc bấy giờ là 20.000 bản. Và tất nhiên, sau những thành tích ấy, Pledis càng tiến xa hơn trong lĩnh vực đào tạo nghệ sĩ. Giới giải trí và các fan dường như đều ngưỡng mộ khả năng vượt trội của nhà Pledis khi chỉ trong thời gian ngắn mà họ đã có thể giúp tên tuổi công ty vươn tầm lên đến một đỉnh cao mới, trở thành đối thủ đáng gờm của Big3 và những công ty giải trí khác.
Face là ca khúc Nu'est chính thức ra mắt khán giả.
ĐẾN NƯỚC CỜ “SAI MỘT LI ĐI MỘT DẶM”
Thành công trong nước vang dội chưa được bao lâu tại Hàn, Pledis Entertainment đã rục rịch cho “gà nhà” đem chuông đi đánh xứ người, tiêu biểu là thị trường Nhật Bản. Với dự tính thừa thắng xông lên, Pledis Entertainmnet mong muốn mang tên tuổi vương xa khi chính thức cho After School debut tại Nhật vào năm 2011 với loạt ca khúc nổi đình nổi đám có thể kể đến như Bang. Kể cả Nu’est cũng vậy, sau đĩa đơn Action, Pledis tập trung đẩy mạnh các hoạt động của nhóm tại Nhật Bản, Đông Nam Á,…
MV Bang phiên bản tiếng Nhật của After School.
Và dần dần chìm đắm trong tham vọng chinh phục và mở rộng thị trường hoạt động của các nghệ sĩ tại nước ngoài, Pledis gần như quên đi việc Hàn Quốc mới là nơi các idol cần được phát triển mạnh để làm chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động về sau. Pledis Entertainment gần như quên mất đi việc cùng cố fandom tại Hàn vững mạnh mà chỉ tập trung cho nghệ sĩ quảng bá tại các nước khác, đây chính là sai lầm lớn nhất mà Pledis mắc phải. Chính điều này đã dẫn Pledis Entertainment đến bờ vực phá sản.
Khi quay trở lại thị trường trong nước là xứ Kim Chi, hình ảnh của idol từ công ty Pledis trở nên mờ nhạt dần. After School sau thời gian dài quảng bá tại Nhật, khi comeback trở lại ở Hàn thì tên tuổi đã không còn được vang danh như xưa và bị các đối thủ đáng gờm bỏ xa. Cộng thêm vào đó là mô hình “tốt nghiệp” của nhóm, các thành viên nổi trội của After School cũng lần lượt rời nhóm và công ty khiến Pledis càng rơi vào thế “chao đảo”. Đỉnh điểm là khoảng thời gian “chị đại” của nhóm After School cũng là giám đốc đồng sáng lập Pledis Park Kahi tuyên bố rời nhóm và dừng hoạt động tại công ty khiến sự việc càng trở nên nghiêm trọng. Kahi là một trong những trụ cột của nhà Pledis, việc cô nàng rời đi không khỏi làm cho các fan tiếc nuối và quay mặt với Pledis.
Ngay cả khi Pledis Entertainment tính toán lại, “kéo” thêm Nu’est đang quảng bá tại nước ngoài quay trở lại thị trường Hàn Quốc để có thể vực lại công ty nhưng tất cả đều đã quá muộn. Liên tục những lần comeback của Nu’est như Hello, Love Paint,… đều không được hưởng ứng mạnh mẽ và cộng đồng fan cũng thưa thớt dần. Có thể nói, khoảng thời gian từ năm 2012, Pledis Entertainment rơi vào khủng hoảng kéo dài, danh tiếng giảm đáng kể chỉ vì nước cờ sai lầm này.
MV Hello của Nu'est.
VÁN BÀI ĐỊNH MỆNH MANG TÊN SEVENTEEN: ĐƯỢC ĂN CẢ, NGÃ VỀ KHÔNG
Đứng trước bờ vực phá sản bởi những khủng hoảng do sai lầm trong cách định hướng hoạt động nghệ sĩ, Pledis Entertainment quyết định chơi một “ván bài” lớn xem như cú chốt hạ cuối cùng. Pledis đã gom hết tất cả thực tập sinh hiện có trong thời điểm lúc bấy giờ của công ty và chính thức cho ra mắt nhóm nhạc nam thứ 2 của công ty mang tên Seventeen. Nhóm nhạc lần này sở hữu đông thành viên hơn trước, tổng cộng 13 người. Pledis gần như đã gom hết kì vọng của mình đặt vào nhóm Seventeen. Nếu như Seventeen thắng lớn, công ty chắc chắn sẽ thoát khỏi hoàn cảnh hiểm nghèo khó khan như hiện tại. Còn nếu như thiếu may mắn, phá sản chắc chắn sẽ là điều mà Pledis phải đối mặt. Không màng xui rủi, Pledis vẫn liều lĩnh thử một phen tâm huyết dành cho sự debut của Seventeen.
Seventeen debut vào năm 2015 với ca khúc Adore U đều được sản xuất bởi chính các thành viên của nhóm Seventeen mà không phải do một producer nào có tiếng đảm nhiệm, từ giai điệu cho đến vũ đạo. Có chăng cũng chỉ là sự hỗ trợ từ đội ngũ nhân viên ít ỏi còn lại trong công ty. Trang phục giản đơn, MV có phần “sơ sài” không quá nổi bật. Ấy thế nhưng, chính sự đơn giản ấy cùng tài năng toả sang, Seventeen đã thật sự mang đến kì tích cho Pledis Entertainment khi album bán được tận 20.000 bản trong tuần đầu phát hành. Thành công lại mỉm cười với Seventeen khi nhóm phát hành đĩa đơn thứ 2 có tên Boys Be. Album sau đó đã trở thành album tân binh bán chạy nhất trong năm 2015 với doanh số hơn 120 nghìn bản. Cuối năm ấy, Seventeen liên tiếp nhận giải tân binh tại các lễ trao giải dành tiếng, điều mà trước đây đàn anh Nu’est khó nhận được. Có thể nói, Pledis Entertainmnet đã thắng một ván cược định mệnh nhờ sự liều lĩnh dành cho Seventeen.
MV Adore U của Seventeen.
TRỞ LẠI ĐƯỜNG ĐUA VỚI TỪNG BƯỚC CHẬM MÀ CHẮC
Rút kinh nghiệm từ Nu’est và After School, Pledis được đánh giá cao khi không định hướng Seventeen phát triển tại nước ngoài mà tập trung mọi hoạt động của nhóm tại Hàn. Cũng chính vì thế, fandom tại Hàn của Seventeen ngày một lớn mạnh và càng được củng cố hơn. Đỉnh cao cho sự bùng nổ của Seventeen là khi nhóm comeback với ca khúc Don’t wanna cry. Ca khúc có tiết tấu mới lạ nhưng lại rất thu hút cùng vũ đạo điêu luyện, đã giúp nhóm trở thành 1 trong 10 nghệ sĩ có tốc độ tẩu tán album tuần đầu nhanh nhất. Một lần nữa, Pledis Entertainment có thể tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình nhờ những định hướng cho Seventeen.
MV Don't Wanna Cry của Seventeen.
Và cũng nhờ sự phát triển của Seventeen, công ty Pledis mới bắt đầu có tài lực trở lại mà đầu tư, xây dựng lại các nhóm nhạc khác. Trong số đó, có thể kể đến cú lội ngược dòng của Nu’est. Nhận thấy được cái tên Nu’est đã dần quá mờ nhạt với người hâm mộ KPop, Pledis đành để 4 “gà nhà” của mình đi tham dự chương trình sống còn Produce 101 cùng các thực tập sinh khác và đã gây được sự chú ý của công chúng. Mặc dù không may mắn như thành viên Minhyun được debut cùng Wanna One, thế nhưng 4 thành viên còn lại cũng nổi lên nhanh chóng khi tái xuất công chúng với tên nhóm là Nu’est W. Hiện tại, Minhyun đã quay trở về Nu’est và Pledis cũng không làm người hâm mộ thất vọng khi công ty đang dồn lực chuẩn bị cho màn comeback với đầy đủ đội hình 5 thành viên.
MV Help me của nhóm nhỏ Nu'est W.
Ngoài ra, tránh sự nhàm chán, Pledis Entertainment cũng cho ra mắt thêm một nhóm nữ khác mang tên Pristin. Album đầu tay Hi! Pristin của nhóm đã bán được hơn 23 nghìn bản trong tháng đầu tiên, một con số đáng nể đối với một girlgroup mới debut. Pristin còn thu hút được sự chú ý bởi 2 thành viên Nayoung và Kyulkyung của nhóm từng là 2 mẩu của nhóm nhạc đình đám I.O.I bước ra từ Produce 101 mùa 1.
MV We like của Pristin.
KẾT
Thời gian trở lại đây, người hâm mộ khá hài lòng với cách làm việc của Pledis Entertainmnet bởi sự đầu tư bài bản và phân đều cho các nghệ sĩ. Không chỉ vậy, Pledis Entertainment cũng nổi danh là một trong những công ty chia lợi nhuận với idol hợp lí và không có dấu hiệu bốc lột nghệ sĩ. Chính vì thế cái tên Pledis Entertainment ngày càng được tin tưởng hơn bao giờ hết. Tuy không phải thuộc hàng top đầu như Big3, thế nhưng, để người hâm mộ KPop biết và nhớ được tên giữa muôn trùng các công ty giải trí thì không phải ai cũng làm được như Pledis Entertainment.