Âm Nhạc

Ca sĩ thính phòng Nhật Huyền: ‘Ai dám nói âm nhạc của Tuấn Ngọc hay Khánh Hà là nhạc thấp cấp?'

T.H
Chia sẻ

Một giọng ca luôn được gắn liền dòng nhạc thính phòng hàn lâm như Nhật Huyền với sự trở lại với những ca khúc trữ tình nổi tiếng, khiến cho công chúng không khỏi đặt câu hỏi, liệu đây có phải cái “bắt tay” với thị trường của cô?

Khi dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình đang làm nên một trào lưu trong giới nghệ sỹ, từ những ca sĩ dòng nhạc cách mạng, dân ca, thính phòng cũng chuyển sang hát nhạc xưa, nhạc bolero. Thì một giọng ca luôn được gắn liền dòng nhạc thính phòng hàn lâm như Nhật Huyền với sự trở lại với những ca khúc trữ tình nổi tiếng, khiến cho công chúng không khỏi đặt câu hỏi, liệu đây có phải cái “bắt tay” với thị trường của cô?

Không có nhạc sang hay nhạc sến

Sau những nỗ lực không mệt mỏi với cổ điển và bán cổ điển, ca sĩ Nhật Huyền cho ra mắt album nhạc trữ tình đầu tiên trong sự nghiệp ca hát có tên gọi “Buồn”, gồm những tình khúc của Anh Bằng, Ngô Thụy Miên, Y Vân… Nếu như hai sản phẩm trước của Nhật Huyền là Ave Maria và Cô gái đại dương đều mang chất liệu cổ điển, thính phòng, thì album “Buồn” lại đậm đặc chất trữ tình, không hề phô trương kĩ thuật hay thể hiện độ khó của âm thanh mà đi sâu vào cảm xúc.

Khi được hỏi liệu đây có phải một “bước lùi” của một giọng ca cổ điển như Nhật Huyền, để đến gần với thị trường hơn, cô nói rằng: “Tôi yêu nhạc trữ tình từ khi còn học trong trường, chỉ sau dòng nhạc cổ điển, và vẫn hát song song hai thể loại, với tôi, nhạc trữ tình là âm nhạc của cảm xúc con người, mà cảm xúc thì là điều không thể thiếu, tại sao phải chối bỏ”.

Trước một số ý kiến cho rằng, đây dường như chỉ là việc chạy theo âm nhạc thị trường, bởi những năm gần đây dòng nhạc này trở nên “hot” với khán giả Việt. Ca sĩ Nhật Huyền cũng thẳng thắn chia sẻ: Với tôi không có nhạc sang hay nhạc sến, cao cấp hay thấp cấp, âm nhạc khi hát ra mà đạt đến độ người nghe cảm thấy yêu, trân trọng, chìm đắm vào ca khúc đó, chuyển tải được một phần nào đó cảm xúc của cả người hát, lẫn người nghe, thì đã là sang trọng rồi. Có bao giờ bạn thấy ai nói âm nhạc của Tuấn Ngọc hay Khánh Hà là nhạc “thấp cấp” không?”.

Khác với những phần trình diễn đã quá nổi tiếng trước đây của các danh ca thế hệ trước, 5 ca khúc trữ tình trong Album Buồn được nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn hòa âm phối khí lại với phong cách tinh tế và nhẹ nhàng với sự tiết chế vừa đủ, không gian tĩnh lặng của âm nhạc làm giọng ca của Nhật Huyền trở nên tròn đầy cảm xúc hơn bao giờ hết. Cả album Buồn như một câu chuyện tình buồn được kể lại lại chầm chậm và bình thản.

Dù là được đào tạo về thính phòng, nhưng khi chuyển sang nhạc trữ tình, Nhật Huyền có sự mềm mại, uyển chuyển mà không phải ca sĩ thính phòng nào cũng có được. Điều đặc biệt hơn nữa là cô có quãng giọng trung, trầm rất đẹp và sang trọng,

Ca sĩ Nhật Huyền cũng chia sẻ thêm, cô thu âm 5 ca khúc này trong giai đoạn gần như buồn nhất của cuộc đời, với những buồn thương, thất vọng mang nặng trong trái tim. Và những ca khúc ấy thực sự giúp cô đi qua quãng thời gian đen tối đó, giúp cô nói ra những nỗi niềm sâu kín nhất, và xoa dịu cô lúc tâm hồn cô đơn.

Nhạc cổ điển vẫn là con đường duy nhất là tôi nguyện gắn bó suốt đời

Nhắc đến Nhật Huyền, người ta nghĩ ngay đến chất giọng Mezzo Sopran rất đặc biệt của cô với quãng cao nhẹ bẫng và thanh thoát, nhưng quãng âm trung về trầm của Nhật Huyền thì đặc biệt dầy, vang, sáng và đầy cảm xúc, đó là điều mà hiếm giọng nữ nào của Việt Nam có được.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, Nhật Huyền đã phải trải qua những ngày tháng rèn luyện cực khổ, gian nan vô cùng.

Không giống những ca sĩ có nền tảng thiên bẩm, quãng giọng thuận lợi, Nhật Huyền vốn khi chập chững bước vào nghề không có giọng chuyển đẹp, chỉ lên đến những note Si, Đô là bị vỡ và rất khó nghe. Nhắc đến chuyện này, nữ ca sĩ đã từng bật khóc: “Học kì đầu tiên học ở trường được có 7đ rưỡi môn hát, ngày đấy mình là kém nhất lớp, thực ra việc kém ở đây không phải mình kém ở năng lực, mà do mình không nhìn thấy thế mạnh của mình là gì để phát huy, thành ra mất một thời gian dài tôi bị hoang mang và mông lung không biết phải đi theo con đường nào”.

Nhật Huyền chia sẻ thêm: “Ngày mới đi học, giọng mình như con mèo hen, rất khổ sở, cứ phải lê la các lớp thanh nhạc khác để học, giờ các thầy cô luyện thanh giúp. Ngày ấy, thấy bác Quý Dương chăm chút từng note nhạc cho Phạm Phương Thảo, thì rất khát khao, vì thấy sao Phương Thảo hát giọng chuyển hay thế, mềm thế, dễ dàng thế mà mình chưa làm được, thì cũng rất buồn.

Nhưng nhất định không chịu khuất phục và cố gắng. Hồi ấy mình nhớ nhất câu nói của cô Thanh Hà, “Sao mày hèn thế, người khác làm được thì mày cũng phải làm được”. Đấy thực sự là những động lực để mình vượt lên những rào cản của chính mình và có được những thành quả như bây giờ”.

Với Nhật Huyền, âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển ngấm vào máu, như là chính con người cô vậy. Cô kể, dù rất nhiếu khó khăn, vất vả, nhưng cô chưa bao giờ bị mất nhiệt huyết với dòng nhạc cổ điển mình theo đuổi. “Từ thời đi học, tôi đã hát rất nhiều thể loại, dân ca, cách mạng, đương đại, cả trữ tình, chứ không phải đến giờ mới hát, nhưng nhạc cổ điển vẫn là con đường duy nhất là tôi nguyện gắn bó suốt đời, dù nhiều chông gai và mệt mỏi”.

Được hỏi về người đã giúp Nhật Huyền tìm ra con đường âm nhạc của mình, Nhật Huyền xúc động chia sẻ: “Nói đến điều này, người tôi cần cảm ơn nhiều nhất là NSUT Hà Phạm Thăng Long, cô Long đã giúp Huyền tìm ra được rất nhiều những thế mạnh của mình, và cho mình thêm tự tin vào những gì mình đang có, vào con đường mình chọn. Tuy nhiên cũng phải cảm ơn tất cả những người thầy, người cô đáng quý mà mình đã từng học, đã trau dồi và rèn luyện để Huyền có một nền tảng âm nhạc như hôm nay”.

Cùng với những chia sẻ chân thành của mình, Nhật Huyền cũng gửi những lời khuyên đến các lớp học sinh, những thế hệ đi sau còn đang trăn trở trong con đường ca hát: “Qua chính con đường học tập mình, mình cũng rút ra bài học, ai cũng có những thế mạnh của mình, chỉ là mình có tìm tòi, khám phá ra hay không thôi. Chứ đừng nản lòng, như Huyền giờ đã 35 tuổi, Huyền mới dám làm cái điều mà mình muốn, thực ra cũng là muộn nhưng mình nghĩ thà muộn còn hơn mình không làm được.”

[CD Buồn của ca sĩ Nhật Huyền hiện đang có mặt trên thị trường. Để nhận được bản tặng có chữ kí tay của Nhât Huyền, độc giả vui lòng gọi về số hotline: 0974 363 123, hoặc gửi tin nhắn đăng kí đến Fanpage Nhật Huyền Singer để được nhận đĩa free. Chương trình áp dụng hết 30/4/2019]

Chia sẻ

Bài viết

T.H

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất