Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã về với “cát bụi” tròn 15 năm. Trong suốt cuộc đời mình, ông viết nhiều nhạc phẩm về tình yêu, về mẹ và những người phụ nữ, về thân phận con người hay sự mâu thuẫn và giằng xé trong cái vô thường ở kiếp nhân gian. Dù viết ở góc độ nào, nhạc của Trịnh vẫn rất đỗi nhân văn, nhẹ nhàng và thấm đẫm triết lý.
Đến thời điểm này số ca sĩ “được chấp nhận” khi hát nhạc Trịnh thực sự đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh Khánh Ly, Hồng Nhung thì Ánh Tuyết cũng là ca sĩ thể hiện khá thành công nhạc phẩm của Trịnh. Năm 2011, Ánh Tuyết phát hành album Ánh Tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn, hoàn thành lời hứa năm xưa với Trịnh. Sắp tới, cô cùng với danh ca Khánh Ly và diva Hồng Nhung sẽ có đêm nhạc chung, hát những ca khúc của Trịnh.
Trong ngày tưởng nhớ đến vị nhạc sĩ tài hoa này, nữ danh ca đã dành cho Saostar.vn một cuộc trò chuyện với những chia sẻ chân thành.
- Âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất lạ đời, có khi hân hoan với niềm vui, cũng có khi là nỗi đau tột cùng của sự mất mát, phải trải đời lắm mới thể hiện hay và ra chất, hồi còn trẻ, chị có khó khăn gì khi thể hiện những ca khúc của Trịnh?
- Những ca khúc của Trịnh Công Sơn đúng là như vậy. Nếu để hát nhạc Trịnh thì ai cũng có thể hát được nhưng muốn hát hay và thể hiện đúng thông điệp tác giả muốn gửi gắm nỗi niềm trong lòng thì hoàn toàn không dễ.
Đôi khi, cái hay đơn giản là đừng cường điệu hóa nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng ta hát dung dị, nhẹ nhàng, hát một cách rất đời, cảm nhận được và hiểu biết được mới ra chất được ca khúc của Trịnh. Còn nếu chúng ta hát cường điệu hóa, thể hiện quá nhiều kỹ thuật trường lớp sẽ làm xa lạ âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Đối với tôi, khi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống thì việc thể hiện những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không phải là vấn đề khó khăn, còn hay hay dở là do khán giả cảm nhận.
- Khi hát nhạc Trịnh, Ánh Tuyết được nhiều người nhớ đến với những phần trình diễn rất ngọt, mang theo trong đó những hoài niệm cũ thổn thức, có kỷ niệm nào đáng nhớ giữa chị với Trịnh và nhạc Trịnh không?
- Với Trịnh Công Sơn chỉ cần gặp qua một lần cũng đáng nhớ. Bởi lẽ, khi đã thần tượng một người nghệ sĩ nào đó thì ta luôn ghi nhớ những giây phút rất quan trọng của người ấy với bạn, dù chỉ là thoáng qua. Tôi có may mắn khi được làm việc với Trịnh Công Sơn trong một thời gian dài và có nhiều kỷ niệm với anh.
Có một lần tôi hát ca khúc “Đường xa vạn dặm”, anh ấy khóc và nói rất xúc động với phần thể hiện này. Sau đó, Trịnh muốn tôi làm album nhưng tôi chần chừ vì nghĩ rằng, nhạc của anh đã có những chiếc bóng quá lớn.
Thời điểm đó, tôi hứa suông với anh vậy thôi, nhưng đến năm 1997 anh trở bệnh nặng và bảo Bửu Ý - người dạy guitar ở Nhạc viện TP HCM qua nhà “ép” tôi làm album. Lúc ấy, tôi chọn được 5 ca khúc, nhưng rồi lại bỏ dở, không hoàn thành được ước muốn của anh.
Khi Trịnh mất, tôi có viết trong nhật ký: “Vậy là anh đã đi. Em nói hoàn mà vẫn chưa thực hiện được album. Em hứa sẽ làm album nhạc của anh. Nhưng anh đi rồi đâu còn ai nghe em hát nữa”, và phải 10 năm sau (năm 2011 - PV) tôi mới phát hành album “Ánh Tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn”.
- Trịnh Công Sơn có nhiều những ca khúc về mẹ và người phụ nữ, vậy khi thể hiện những ca khúc này, chị có cảm xúc như thế nào?
- Trịnh Công Sơn là người yêu mẹ vô cùng, trong nhiều nhạc phẩm của Trịnh luôn có bóng dáng của bà ấy. Ca khúc “Đường xa vạn dặm” là minh chứng rõ nhất. Ca khúc này được Trịnh viết vào đúng ngày mẹ mất. Muốn gửi tặng mẹ, anh mang ra mộ phần của bà để đốt, nhưng được gia đình ca ngăn nên giữ lại tác phẩm này.
- Giới trẻ ngày nay hát nhạc Trịnh nhiều nhưng thường chọn lọc để hát và hầu như không có ai chọn nhạc Trịnh để làm con đường thành danh của mình, ý kiến của chị như thế nào?
- Như tôi đã nói, nhạc của Trịnh ai cũng có thể hát được, rất dễ hát nhưng để hát cho hay và thẩm thấu được ý đồ tác giả muốn nói thì lại không dễ. Cho nên, các bạn trẻ hát nhạc Trịnh nghe tưởng dễ tính nhưng thực chất không dễ tính chút nào.
Tôi cho rằng, mỗi một thời kỳ, mỗi một giai đoạn sẽ có sự sáng tạo riêng, phù hợp với thời đại mới và suy nghĩ mới của lớp trẻ. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào, sáng tạo cái mới ra sao cũng không thể xa rời cái cốt ý, thông điệp mà Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm.
- Trong số những ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh, chị ấn tượng với giọng hát nào?
- Tôi là người rất khó tính trong âm nhạc, cho nên ở thời điểm hiện tại tôi chưa có ấn tượng nhiều với các ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh. Tuy nhiên, nếu bạn nào hát nhạc Trịnh bằng đam mê, bằng trái tim sẽ chạm được đến cảm xúc của khán giả.
- Sắp tới Ánh Tuyết, Khánh Ly và Hồng Nhung sẽ đứng chung sân khâu thể hiện những ca khúc của Trịnh, chị đến với đêm nhạc với tâm thế như thế nào?
- Tôi rất háo hức! Phải nói rằng, mỗi người có một cái hay riêng, cách thể hiện riêng và sự cảm nhận hay dở tùy thuộc vào khán giả chứ không phải từ người ca sĩ. Tôi nghĩ, chị Khánh Ly là người đã định hình được nhạc của Trịnh từ thủa xa xưa rồi, còn Hồng Nhung thì cũng có một chất riêng của cô ấy, tôi cũng có một cõi cho riêng cho mình. Không nên quá quan trọng về vấn đề này.
- Trong ngày khán giả yêu nhạc Trịnh tưởng nhớ Trịnh, chị thường làm gì?
- Sự tôn trọng Trịnh và cách để tưởng nhớ Trịnh quan trọng nhất là phải tập trung vào các khúc và thể thiện đúng thông điệp mà anh gửi gắm.
- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!