Ngược về 20 năm trước, băng cát-sét hay đĩa CD là một trong những món hàng được người người nhà nhà săn đón. Thời điểm này, công nghệ internet vẫn là một thứ xa xỉ đối với đại đa số người dùng, thế nên những cuộn băng cát-sét hay đĩa CD được xem là phương thức giải trí tuyệt vời mà ai cũng mong muốn được sở hữu.
Theo chia sẻ của một "ông trùm" băng đĩa tại Việt Nam, lúc bấy giờ có đến hơn 20 đơn vị sản xuất và hàng trăm ngàn cửa hàng phân phối. Đầu ra của thị trường băng đĩa chạm tới con số hàng trăm nghìn bản (từ một CD gốc) để phục vụ nhu cầu của khán giả.
Thế nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn. Thời điểm công nghệ internet bùng nổ với các khái niệm như Youtube, Spotify, Apple Music,... cũng chính là lúc ngành kinh doanh băng đãi rơi vào thế lao đao. Những "ông buôn" trong thị trường này cũng buộc lòng phải chạy theo thời cuộc để đáp ứng được xu hướng đương thời của khán giả. Số ít vẫn bám trụ nghề bán băng đĩa, song chỉ là sự luyến tiếc về một thời kỳ rực rỡ chứ không còn là công việc kiếm cơm.
Vì sao băng đĩa không còn được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam?
Theo một thống kê của tạp chí Billboard, 46% doanh thu hiện nay của một ca sĩ đến từ các website nghe nhạc trực tuyến, 6% từ YouTube, 38% từ việc khán giả tải xuống các ca khúc và chỉ có 9% từ doanh thu bán đĩa. Điều này cho thấy, xu hướng sử dụng âm nhạc của khán giả rõ ràng đã có sự biến chuyển lớn và số đông đều lựa chọn nghe nhạc trên các nền tảng số vì tính di động và tiện lợi mà nó đem lại.
Những cái tên như Adele, Taylor Swift, Ariana Grande, BTS,... được mệnh danh là những "bà trùm", "ông trùm" bán đĩa của thế giới cũng không để mình nằm ngoài cuộc vận hành mới của thị trường âm nhạc. Nếu để ý những album gần đây của Taylor Swift hay Ariana Grande, dễ dàng nhận thấy những nữ ca sĩ này phát hành các track nhạc có thời lượng khá ngắn, dao động từ 2 cho đến 3 phút hơn. Việc các ca khúc có thời lượng ngắn sẽ thuận lợi hơn trong việc để người hâm mộ stream nhạc trên các ứng dụng số. Bù lại, những MV với thời lượng dài hơn sẽ được phát hành trên Youtube.
Tại Việt Nam, đây cũng là xu hướng mới đang có tác động lớn đến nghệ sĩ trong việc ra mắt sản phẩm lẫn người tiêu dùng. Trong các chiến dịch quảng bá âm nhạc của các nghệ sĩ tại Việt Nam, hầu như chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các số liệu thống kê về nhạc số, lượt xem MV chứ hiếm khi nào có số liệu chi tiết về doanh số album.
Là một ca sĩ có nhiều bản hit, Văn Mai Hương cũng thừa nhận rằng streaming đang là xu hướng trong ngành âm nhạc. Thậm chí có nhiều nghệ sĩ không quá đình đám trên truyền thông, nhưng vẫn làm mưa làm gió trên các nền tảng số nhờ lượt stream khủng hàng tháng, điển hình có thể kể đến là Grey D.
Những nghệ sĩ lớn tại Vpop như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên,... là những người đã có địa vị và tiềm lực kinh tế mạnh trong ngành giải trí. Việc phát hành các sản phẩm âm nhạc dưới dạng album vật lý dù có gây sốt hay không không phải là vấn đề quá lớn lao đối với những tên tuổi này. Tuy nhiên, khi nhìn vào mặt bằng chung thì đây lại là một bài toán khá nan giải đối với các nghệ sĩ trẻ vì vốn dĩ băng đĩa CD dù đã qua thời kỳ vàng son nhưng lại là món đồ mang ý nghĩa lớn đối với hoạt động nghệ thuật.
Là một trong những nghệ sĩ trẻ hiếm hoi theo đuổi cuộc chơi đĩa vật lý, Phùng Khánh Linh cho biết: "Việc phát hành đĩa vật lý thật sự rất khó khăn và cũng có nhiều rủi ro. Nhưng bản thân tôi chỉ muốn sau này mình sẽ có những cái để tự hào khi nhìn lại hành trình âm nhạc của mình thông qua những chiếc CD này".
Có thể thấy được rằng, việc các nghệ sĩ Việt phát hành album ngày nay đã không còn xuất phát từ kỳ vọng kiếm lợi nhuận mà quan trọng hơn chính là việc củng cố chất lượng cho tên tuổi của mình dù phải chấp nhận đánh đổi với nhiều sự rủi ro.
Những tín hiệu đáng mừng từ nghệ sĩ trẻ
Trong năm 2023, thị trường băng đĩa Việt Nam bỗng dưng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Chỉ trong một thời gian ngắn, khán giả đã liên tục được thưởng thức những ấn phẩm đình đám có thể kể đến như LoiChoi - Wren Evans, Vũ trụ cò bay - Phương Mỹ Chi, ái - tlinh, Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó - HIEUTHUHAI, 99% - MCK, Cam’on - Orange,... Những album kể trên đều được phát hành dưới dạng album vật lý, tạo ra những tác động khả quan đến thị trường băng đĩa Việt Nam thời điểm hiện tại.
Tham khảo trên một số cửa hàng băng đĩa lớn tại TP.HCM, những album này được bán với mức giá khá cao, dao động từ 300 nghìn cho đến dưới 800 nghìn. Mức giá này hoàn toàn có thể đem ra so sánh với những album đến từ các nghệ sĩ Hàn Quốc và Âu Mỹ. Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi rằng liệu có khán giả nào sẵn tay xuống tiền để sở hữu những album với mức giá khá cao đến từ những nghệ sĩ Việt Nam?
Câu trả lời chắc chắn là có. Bởi đây hầu hết là những nghệ sĩ có sức ảnh hướng lớn đến bộ phận khán giả trẻ. Sức mua album tất nhiên sẽ không thể lên đến những con số khổng lồ, nhưng đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng từ những nghệ sĩ trẻ đến một thị trường kinh doanh tưởng chừng không còn được quan tâm.
Những album của Phương Mỹ Chi, Wren Evans, tlinh,... được đầu tư rất cao về mặt thiết kế, thẩm mỹ không hề thua kém bất kỳ một sản phẩm quốc tế nào. Không chỉ gây ấn tượng về mặt hình thức, mà giá trị âm nhạc nó đem lại thật sự khiến những ai bỏ tiền ra sở hữu đều cảm thấy xứng đáng. Không phải tự nhiên mà tại các lễ trao giải lớn gần đây, các nghệ sĩ trẻ này đều góp mặt ở các hạng mục quan trọng nhờ album của mình.
Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi thật sự là một album vật lý đáng để sở hữu khi nó tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Dưới góc nhìn của một Gen Z, Phương Mỹ Chi đã xuất sắc trong việc truyền bá những nét đẹp đậm chất Việt Nam đến các bạn trẻ bằng âm nhạc, ca từ và hình ảnh.
Trong khi đó, LoiChoi của Wren Evans, Cam’on của Orange và ái của tlinh lại là những đại diện cho thế hệ người trẻ có góc nhìn hiện đại, dám tiếp cận với những trào lưu thịnh hành trên thế giới. Chính sự cập nhật một cách có chọn lọc và thẩm mỹ đã cho ra đời những album chất lượng, ngoài sự kỳ vọng của khán giả. Thậm chí, album ái của tlinh còn xuất sắc góp mặt trong top những album hay nhất Châu Á năm 2023.
MCK, LOW G, HIEUTHUHAI,... là những gương mặt tiêu biểu của thế hệ rapper trẻ tại Việt Nam. Những năm gần đây, cơn sốt nhạc rap đang chiếm thị phần không nhỏ trong Vpop, thế nên những album có sự đầu tư ở dòng nhạc này hiển nhiên tạo ra một góc nhìn khác có thiện cảm hơn ở khán giả.
Nhìn sang thị trường âm nhạc Âu Mỹ và Hàn Quốc, những sản phẩm được ra mắt dưới dạng băng đĩa vẫn là món hàng được hàng triệu khán giả sẵn tay chi tiền để sở hữu. Việc ra mắt các sản phẩm âm nhạc dưới dạng vật lý không chỉ khẳng định được sự nghiêm túc trong việc làm nghề mà còn tạo ra những tác động tích cực đến các dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực giải trí âm nhạc. Thế nên vào giai đoạn thị trường băng đĩa tại Việt Nam chùn mình, nhiều “ông buôn” ngậm ngùi rời khỏi cuộc chơi dù đây đã từng là thị phần kiếm được rất nhiều tiền những năm trước.
Những ấn phẩm vật lý của Phương Mỹ Chi, Wren Evans, HIEUTHUHAI, tlinh,... dĩ nhiên chỉ là những tia sáng nhỏ trong chặng đường vực dậy thị trường băng đĩa tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự dấn thân của những nghệ sĩ trẻ vào con đường này lại rất đáng để tôn vinh. Bởi đã rất lâu, thị trường băng đĩa tại Việt Nam buồn tẻ vì thiếu vắng đi những album chất lượng, những ấn phẩm đầy tâm huyết trên các kệ trưng bày.
Phát triển và duy trì sự sôi động của thị trường băng đĩa dĩ nhiên là vấn đề lâu dài và cần sự chung tay của nhiều nghệ sĩ. Tất nhiên không thể kỳ vọng chỉ với những album nói trên có thể làm thay đổi bộ mặt của ngành kinh doanh này, nhưng ít nhiều đã cho thấy được sự cầu thị và khát khao cống hiến của những nghệ sĩ rất trẻ, rất tài năng. Tin rằng với những giá trị âm nhạc tuyệt vời mà các nghệ sĩ trẻ mang lại, khán giả sẽ đón nhận nồng nhiệt hơn nữa những sản phẩm tinh thần dưới dạng băng đĩa để từ đó góp phần tạo nên một thị trường Vpop ngày càng hoàn thiện.