Đại sứ Thương hiệu (Brand Ambassador) luôn được xem là vị trí danh giá trong làng thời trang, bởi đây không đơn thuần chỉ là những "nàng thơ", "chàng thơ" ăn mặc đẹp mà còn là cầu nối để thương hiệu truyền tải tinh thần và thông điệp, tạo sức ảnh hưởng tới giới mộ điệu thời trang. Nếu những thập kỷ trước, các siêu sao Hollywood luôn thống trị lãnh địa thời trang cao cấp, thì những năm gần đây gương mặt Á Đông bắt đầu "chiếm sóng". Điều thú vị là lần lượt các Đại sứ Thương hiệu mới đều đến từ những "idol" xứ sở kim chi.
Mời bạn cùng SAOstar tìm hiểu tại sao các thương hiệu cao cấp lại ưu ái chọn sao Hàn làm Đại sứ Thương hiệu?
Tham vọng chinh phục Châu Á
Những năm qua, thị trường Châu Á bắt đầu nở rộ nhu cầu về mặt hàng xa xỉ với sức tiêu thụ cực kỳ lớn. Để mở rộng thị trường tiềm năng, các thương hiệu thời trang toàn cầu đã có nước đi sáng suốt khi quyết định sánh bước cùng ca sĩ, nhóm nhạc và diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc. Bởi ở Châu Á, sức ảnh hưởng của làn sóng hallyu là điều khó cưỡng. Những bộ phim, nhóm nhạc Hàn Quốc luôn biết cách tạo ra xu hướng nhanh nhất cho toàn khu vực.
Thương hiệu Chanel là nhà mốt xa xỉ nhạy bén đầu tiên khi bắt đầu mở rộng địa hạt thời trang bằng việc mời nam ca sĩ G-Dragon tham gia vai trò đại sứ thương hiệu. Phong cách cổ điển và thanh lịch đặc trưng của Chanel kết hợp với nét cá tính đậm chất đường phố của G-Dragon trở thành bản "hoà ca" không thể quên. Dĩ nhiên, với vị thế là biểu tượng âm nhạc lừng lẫy, có sức ảnh hưởng khắp Châu Á của G-Dragon, Chanel chính thức thâu tóm thị phần Châu Á một cách dễ dàng.
Tiếp nối thành công của G-Dragon, năm 2019 Jennie Kim được thương hiệu Chanel "chọn mặt gửi vàng" làm Đại sứ thương hiệu toàn cầu của Chanel khi sức nóng BLACKPINK và cô nàng ngày càng tăng. Cũng từ đây, Jennie trở thành tâm điểm truyền thông mỗi lần xuất hiện trong các trang phục đến từ Chanel.
Đến nay, nhóm nhạc K-pop thế hệ thứ 4 - NewJeans cũng sớm nắm giữ vai trò đại sứ của các nhà mốt xa xỉ. Dù debut chưa lâu, nhưng thành viên Hanni đã trở thành Đại sứ khu vực Hàn Quốc của Gucci, em út Hyein của nhóm cũng trở thành "bạn thân thương hiệu" của Louis Vuitton. Gần gây nhất, thành viên Danielle cùng khiến fan nhóm NewJeans nở mày nở mặt khi được Burberry "trao mặt gửi vàng".
"Con cưng" Châu Á
Ngoài ra, sức tiêu thụ hàng hiệu "khủng" của Hàn Quốc cũng giúp xứ sở kim chi được các nhà mốt cao cấp o bế và xem là con cưng. Theo báo cáo của hãng truyền thông CNBC, kể từ sau đại dịch Hàn Quốc là quốc gia có mức tiêu thụ hàng hiệu nhiều nhất trên toàn thế giới (nối tiếp là Mỹ và Trung Quốc). Việc mở rộng thị trường với đại sứ là những người nổi tiếng Hàn Quốc đã làm tăng đáng kể doanh số những món xa xỉ phẩm.
Thần thái đắt giá
Để trở thành đại sứ cho một thương hiệu, yếu tố tiên quyết chính là sự đồng điệu với nhãn hàng từ khí chất đến phong cách, tạo nên những hình ảnh đậm dấu ấn. Vì dù là thương hiệu cao cấp thì cũng dễ dàng bị đánh mất bản sắc nếu chọn gương mặt không phù hợp. Và thần thái đắt giá của sao Hàn, sự chỉn chu mỗi lần xuất hiện luôn đáp ứng được tiêu chí gắt gao của các thương hiệu cao cấp.
Được mệnh danh là "quốc bảo nhan sắc Hàn Quốc" - Song Hye Kyo sở hữu vẻ đẹp vượt thời gian, đường nét hoà hợp vừa mềm mại vừa hiện đại. Cô được nhiều nhà mốt xa xỉ săn đón mời làm đại sứ thương hiệu vì mỗi sự xuất hiện của Song Hye Kyo đều gắn liền với hình ảnh đẳng cấp và thượng lưu khó phai trong lòng công chúng.
Hiện tại, cơn sốt K-pop không chỉ dừng lại ở khu vực Châu Á mà đang dần "xuất khẩu" đi mọi nơi. Nắm bắt được độ nhận diện của các sao K-pop ngày càng lớn, cũng như xu hướng tôn vinh tính đa dạng văn hoá trong thời trang của thế giới, "cơn khát" tìm kiếm những người nổi tiếng Hàn Quốc làm đại sứ của các thương hiệu xa xỉ sẽ vẫn còn kéo dài. Có thể nói, đây sẽ là làn sóng "Hallyu thế hệ 2.0" của Hàn Quốc khi họ đã và đang len lỏi, tạo sức ảnh hưởng vào thời trang thế giới ngày càng mạnh mẽ.
Đọc thêm: 7 túi xách hiệu kinh điển được đặt tên theo những nàng thơ nổi tiếng