Sắc màu Cuộc Sống

'Tiên dược' chốn trần gian: Còn lấp lửng lừa nhau đến bao giờ?

Chia sẻ

Thực phẩm chức năng, thứ 'tiên dược' chốn trần gian khi được quảng cáo chữa được cả những bệnh 'y học bó tay' như ung thư. Những quảng cáo lấp lửng trên khiến nhiều người đang bị lừa phỉnh một cách vui vẻ và tốn kém.

Đời thiệt rối trí, vì dường như, nhiều người trong chúng ta đang bị lừa phỉnh một cách vui vẻ và tốn kém.

1 (5)

Số người lầm tưởng “thực phẩm chức năng” (TPCN) là “dược phẩm chức năng” hoặc thuốc chữa bệnh chắc không ít, nên trên cõi Google mới xuất hiện vô vàn kết quả để khuyến cáo điều này. Trong hẻm nhà tôi có một người vừa qua đời cũng do lầm tưởng, đến khi phát hiện bệnh quá nặng (dù bệnh đó có thể chữa được), thì dược phẩm chức năng đã không kịp thay thế TPCN. 

Thử nhìn xung quanh mà xem, sẽ có rất nhiều người được bác sĩ yêu cầu ngưng dùng TPCN để dùng thuốc đặc trị của chính loại bệnh mà TPCN cho rằng mình có thể phòng được. Dù trước đó, trên các công cụ truyền thông, TPCN luôn được quảng cáo rầm rộ, với hình thù giống như thuốc chuyên trị, còn chức năng thì phóng đại đến cảm tưởng phòng chống và trị được bá bệnh. Khác nhau có chăng là ở giá bán, TPCN thường có giá bán trên đời, mà với nhiều người (đặc biệt phụ nữ - theo một nghiên cứu tại Trung Quốc), giá bán càng cao càng đáng tin, kiểu như hàng đa cấp.

1 (5)

Vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 21, lúc ấy có khoảng 13 sản phẩm, thì nay đã hơn 10.000 sản phẩm, với gần 3.000 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và sản xuất TPCN. Nhưng có điều đặc biệt nguy hiểm, TPCN không do Bộ Y tế quản lý, nên nở rộ đến mức nhiễu loạn. Vừa rồi nhiều đại biểu quốc hội muốn đưa TPCN vào Luật Dược (sửa đổi, bổ sung), nhưng Hiệp hội TPCN đã phản ứng gay gắt. Lý do thì cũng dễ hiểu mà thôi.

“Thua cuộc” ở nghị trường, Bộ Y tế đành phải ban hành Thông tư số 05, có hiệu lực từ ngày 1/5/2016, để quy định việc kê đơn/toa thuốc không được có TPCN trong đó. Bởi thời gian qua, cũng do quyền lợi, nhiều người trong ngành y tế đã “cho thêm” TPCN vào đơn/toa thuốc, cốt kiếm thêm thu nhập. Đã có rất nhiều trường hợp vì uống chung mà phải nhập viện cấp cứu, do dị ứng và sốc.

2

TPCN thực tế là một loại “thức ăn - nước uống” chuyên dụng mà thôi, nhưng điều phi lý ở chỗ nó thường được đặc chế với hình thù, bao bì giống như thuốc đặc trị. Vì bán giá cao nên lợi nhuận nhiều, vì thế có thể quảng cáo rầm rộ, người dân lầm tưởng cũng là dễ hiểu.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao TPCN cứ cố tình tạo hình giống với các loại thuốc đặc trị? Nhìn ra quan hệ đời sống mà xem, nếu chồng một người bán cá đến gặp bác sĩ để chữa bệnh, người đó sẽ không được quyền lựa thuốc và trả giá. Trong khi đó, vợ người bác sĩ kia đi mua cá thì lại được quyền lựa và trả giá tha hồ. Cái quan hệ có tính độc quyền, đặc thù và đặc lợi này (do từ xưa nghề y là hiếm hoi, là cứu người) đã khiến TPCN ngày nay lợi dụng và ăn theo. Chứ đã gọi là TPCN, không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế thì tại sao lại tạo hình và quảng cáo y như thuốc đặc trị?

1 (3)

Trong bộ Les Hommes en blanc (6 tập) của bác sĩ - nhà văn André Soubiran (1910-1999) có câu mà sau này trở thành chìa khóa tâm lý của nhiều y bác sĩ: “Khi Thượng đế phán sự dối trá là một tội lỗi, Người cũng đồng thời tạo ra một ngoại lệ với y bác sĩ. Các vị hãy tập nói dối đủ khéo léo để an ủi được khéo léo”. (Nguyên tác: “Lorsque Dieu fit du mensonge un péché, il créa aussitôt une exception pour les médecins. Apprenez à bien mentir pour mieux consoler”). Dường như TPCN cũng không xa lạ với danh ngôn này, nên đã tận dụng rất tốt để “nói dối đủ khéo léo mới bán hàng được khéo léo”.

Xu hướng thích sử dụng TPCN là có thật, nên sự ra đời và tồn tại của nó sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, làm sao để trả TPCN về lĩnh vực thực phẩm, quảng cáo như hàng ăn uống là việc làm cần thiết, sòng phẳng, dù biết rằng không dễ dàng gì. Bởi trong nhiều trường hợp đồng bạc đã đâm toạc tờ giấy.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất