Vòng quanh Thế giới

Quốc gia từng 'vỡ trận' vì Covid-19 giờ học cách sống chung như thế nào?

Phương An
Chia sẻ

Không áp dụng phong tỏa và sống chung với dịch Covid-19, nước này đã làm như thế nào và cuộc sống của họ đã thay đổi ra sao?

Italia là quốc gia phương Tây đầu tiên phải hứng chịu cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Vào đầu năm 2020, virus như một “cơn bão” lớn càn quét khắp nơi khiến quốc gia này rơi vào cảnh tê liệt. Một năm rưỡi sau đó, dấu ấn của bệnh tật vẫn còn tồn tại tuy nhiên nước này đã rút ra được bài học khi đối mặt với dịch bệnh. 

Trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành, Italia đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ. Người dân tại đây cũng đang dần quen với việc sống chung với Covid-19 mà không cần phong tỏa. Để làm được việc đó, Italia đã làm như thế nào?

Người dân đi bộ trên phố Via del Corso (Rome, Italia) giữa đại dịch Covid-19 vào ngày 24/4/2021. 

Áp dụng thẻ xanh

Kể từ ngày 6/8, chính phủ Italia yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ xanh (hay còn gọi là chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số do Liên minh châu Âu triển khai) để tham dự các sự kiện lớn, ăn uống trong không gian trong nhà, đến phòng tập gym và nhiều hoạt động khác.

Nói chung, thẻ xanh chính là giấy thông hành. Loại thẻ này được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử, xác nhận người đó đã tiêm chủng đầy đủ, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48h hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh. 

Theo một khảo sát do SWG Research thực hiện, hơn 50% dân số Italia ủng hộ việc sử dụng thẻ xanh để điều chỉnh hoạt động đi lại cũng như nhiều hoạt động khác. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp xem thẻ xanh như một công cụ để tránh thắt chặt các biện pháp hạn chế cũng như phong tỏa khi biến thể Delta đang lan rộng trên toàn cầu. 

Chính phủ Italia yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ xanh để tham dự các sự kiện lớn, ăn uống trong không gian trong nhà, đến phòng tập gym và nhiều hoạt động khác.

Hơn nữa, thẻ xanh như một “đòn bẩy” khiến số người đi tiêm vaccine tại nước này tăng lên. Cụ thể, vào ngày 22/7, khi Thủ tướng Mario Draghi công bố yêu cầu về thể xanh, một số khu vực đã ghi nhận số người đăng ký tiêm cao ở mức kỷ lục, chẳng hạn như Abbruzzo, Lazio, Lombardia, Piemonte và Toscana.

Tính đến ngày 4/8, tỷ lệ tiêm chủng tại Italia đã cao hơn Mỹ với 53% số người đủ điều kiện được tiêm chủng và 64% đã tiêm mũi đầu tiên. Trong khi đó, cũng quãng thời gian, con số này tại Mỹ lần lượt là 50% và 58%.

Ông Francesco Paolo Figliuolo, người phụ trách chiến dịch phòng chống Covid-19 của Italia, đã đặt mục tiêu ít nhất 80% dân số được tiêm vaccine cho tới cuối tháng 9. Tiến sĩ Giovanni Rezza, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Italia cho rằng, việc tiêm chủng sẽ cho phép nước này sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào đầu năm 2022. 

Một nhân viên y tế đang tiêm một liều vaccine Pfizer-Biotech cho một cụ già hơn 80 tuổi tại bệnh viện Santa Maria della Pieta ở Rome ngày 8/2.(Ảnh AP/Alessandra Tarantino)

Xây dựng hệ thống mã màu để theo dõi dịch bệnh

Căn cứ vào số ca mắc Covid-19 của từng khu vực, Bộ Y tế Italia đã thiết lập hệ thống mã màu để đánh giá tình hình dịch bệnh. Trong hơn một năm qua, nước này đã áp dụng hệ thống mã màu: trắng, vàng, cam, đỏ, trong đó khu vực màu đỏ là nơi áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhất. 

Kể từ ngày 22/7, màu sắc trên bản đồ dịch của nước này đã thay đổi dựa trên tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 người. Một khu vực được đánh giá là vùng đỏ khi tỷ lệ lây nhiễm trong tuần cao hơn 150/100.000 người, tỷ lệ nhập viện là 40% và tỷ lệ bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt là 30%.

Việc này được các quan chức địa phương tại nhiều khu vực ủng hộ mạnh mẽ, vì việc này sẽ cho thấy mức độ nghiêm trọng chung của đại dịch trong khu vực đó. 

Một điểm tiêm chủng tại Rome. 

Đeo khẩu trang và giãn cách xã hội

Ngoài yêu cầu thẻ xanh, Italia vẫn duy trì một số biện pháp phòng chống dịch khác như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Đeo khẩu trang ngoài trời được yêu cầu trong các trường hợp không thể thực hiện giãn cách, như tham gia sự kiện thể thao, xếp hàng vào viện bảo tàng. 

Tuy nhiên, có lẽ do đã trải qua giai đoạn khó khăn của bệnh dịch nên hầu hết người dân tại nước này đều đeo khẩu trang khi ra đường cũng như ở trong nhà ngay cả khi không bắt buộc. Vẫn có những trường hợp ngoại lệ, đó là trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật và những người chăm sóc người khuyết tật, vì đeo khẩu trang có thể gây cản trở tới việc giao tiếp hoặc chăm sóc.

Người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. 

Mùa hè năm nay, các điểm du lịch biển nổi tiếng ở Italia sẽ được mở cửa. Các khu nghỉ mát ven biển, nhà hàng, quán bar cũng phải yêu cầu khách du lịch giữ khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang khi cần thiết hoặc buộc phải thực hiện theo quy định của chính phủ. 

Du khách nước ngoài khi tới Italia phải xuất trình các loại giấy tờ như giấy chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của EU, thẻ tiêm phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận phục hồi sau khi mắc Covid-19.

Điều chỉnh công việc và học tập

Hiện các văn phòng vẫn cho nhân viên làm việc từ xa, đặc biệt là những người có nguy cơ rủi ro cao. Nếu nhân viên không thuộc nhóm rủi ro cao, họ có thể quay trở lại làm việc nhưng được sắp xếp luân phiên nhằm hạn chế số lượng người trong văn phòng.

Vào ngày 13/9, Italia chính thức bắt đầu năm học mới, nhưng chính phủ nước này vẫn đang cân nhắc trước khi ban hành chính sách mở cửa trường học trở lại. Nguyên nhân là do việc này còn liên quan tới nhiều yếu tố, chẳng hạn như tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 19 tuổi. 

Hơn nữa, không phải trường học nào cũng đủ không gian để thực hiện giãn cách (2m giữa học sinh và giáo viên, 1m giữa các học sinh). Tuy nhiên, hệ thống chứng minh đã tiêm chủng vẫn đang được triển khai trong ngành giáo dục. Theo quy định của Italia, bắt đầu từ tháng 9 này, giáo viên, nhân viên nhà trường và sinh viên các trường đại học sẽ phải xuất trình thẻ xanh hoặc phải thường xuyên làm xét nghiệm Covid-19.

Xem thêm: Biến thể Mu là gì và vì sao nó lại được quan tâm?

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất