Một điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia (KNKT) cho biết chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Sriwijaya Air lao xuống biển Java với 62 người trên khoang vào cuối tuần qua có thể bị vỡ khi nó rơi xuống biển dựa trên các mảnh vỡ được tìm thấy cho đến nay.
"Chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng nếu chúng tôi nhìn vào các mảnh vỡ, chúng nằm rải rác trong một khu vực không quá rộng", Nurcahyo Utomo cho biết hôm 11/1. “Nó có thể bị vỡ khi rơi xuống biển vì nếu nó phát nổ giữa không trung, các mảnh vỡ sẽ phân tán rộng hơn".
Chuyến bay số hiệu 182 của hãng Sriwijaya Air đã cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta để thực hiện chuyến bay kéo dài 90 phút qua Biển Java với lộ trình từ Jakarta đến Pofntianak ở Tây Kalimantan. Nhưng lúc 14h40 - chỉ 4 phút sau khi cất cánh - chiếc Boeing B737-500 lao xuống hơn 3.000 mét trong chưa đầy 60 giây. Các nhân chứng nói họ nghe thấy hai tiếng nổ vang lên.
Soerjanto Tjahjanto, người đứng đầu cơ quan an toàn giao thông Indonesia, cho biết nhà chức trách đã tìm thấy hai hộp đen trên biển cùng các bộ phận thi thể người và mảnh vỡ máy bay.
Thông tin trên được đưa ra khi những dòng tin nhắn và ảnh chụp cuối cùng của hành khách trên máy bay Indonesia được tiết lộ.
Nữ hành khách Ratih Windania đăng một bức ảnh selfie với ba đứa con của cô đang cười khi cả gia đình lên máy bay. Cô viết: "Tạm biệt gia đình. Bây giờ chúng em đang về nhà đây". Tin nhắn được đăng ngay trước khi họ lên máy bay xuất phát từ thủ đô Indonesia. "Hãy cầu nguyện cho chúng tôi", anh trai cô Irfansyah Riyanto đăng trên Instagram một bức ảnh về gia đình. Anh cho biết ban đầu gia đình anh định đi một chuyến bay khác nhưng họ đã thay đổi vào phút cuối.
Giống như hàng chục người thân tuyệt vọng khác, Irfansyah vội vã đến sân bay Soekarno Hatta của Jakarta vào tối muộn ngày 9/1. Ngày 10/12, anh vẫn chờ đợi tin tức về em gái và 4 thành viên khác của gia đình cùng ở trên chuyến bay.
Irfansyah nói với các phóng viên: "Chúng tôi cảm thấy bất lực, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng sẽ sớm có thông tin". Irfansyah cho biết người thân của anh ban đầu định di chuyển trên một chuyến bay trước đó nhưng không rõ lý do tại sao họ lại đổi chuyến.
Em gái anh và hai đứa con của cô ấy vừa kết thúc kỳ nghỉ ba tuần và đang thực hiện chuyến đi dài 740 km (460 dặm) về nhà đến Pontianak trên đảo Tây Kalimantan.
Irfansyah cho biết: “Tôi là người đưa họ đến sân bay, giúp làm thủ tục và hành lý ... Tôi cảm thấy như mình vẫn không thể tin được. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Cảnh sát yêu cầu các gia đình cung cấp thông tin như hồ sơ nha khoa hay mẫu ADN để giúp họ xác định danh tính thi thể".
Tại bệnh viện cảnh sát, anh trai của phi công Diego Mamahit cho biết anh đã được yêu cầu lấy mẫu máu. Chris Mamahit nói: “Tôi tin em trai tôi sống sót, đây chỉ là thủ tục của cảnh sát. Diego là một người đàn ông tốt, chúng tôi vẫn tin rằng Diego còn sống".
Trên mạng LinkedIn, Mahamit viết: "Tôi thực sự thích bay". Anh và phi công Afwan đã có gần 20 năm kinh nghiệm điều khiển máy bay thương mại. Afwan trước đây là một phi công không quân. Một thành viên trong gia đình của Afwan cho biết gia đình vẫn đợi tin tốt lành.
Panca Widiya Nursanti, một giáo viên cấp hai ở Pontianak, đã trở về sau một kỳ nghỉ ở quê nhà Tegal ở Trung Java. Tại Pontianak, chồng cô Rafiq Yusuf Al Idrus kể lại lần liên lạc cuối cùng với vợ.
"Tôi đã nói đùa khi nói rằng khi cô ấy đến Pontianak, chúng tôi sẽ ăn sa tế cùng nhau", anh nói. "Cô ấy liên lạc với tôi qua Whatsapp lúc 2 giờ 55 phút và cười rất vui. Cô ấy đã lên máy bay và cô ấy nói rằng điều kiện thời tiết không tốt. Tôi nói hãy cầu nguyện thật nhiều vào".
Chiếc Boeing 737-500 chở theo 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, toàn bộ là công dân Indonesia, lao xuống biển khoảng 4 phút sau khi rời sân bay Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta, Indonesia chiều 9/1. Không có hy vọng tìm thấy người sống sót. Theo thông tin đăng kiểm, chiếc Boeing 737-500 gặp nạn đã 26 tuổi, nhưng vẫn trong tình trạng tốt.