Ngày 17/8, Ấn Độ tiêm hơn 8,81 triệu liều trong 24 giờ - mức tiêm hàng ngày cao nhất kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào tháng 1.
Nhưng chỉ có 13% dân số đủ điều kiện - tức gần một tỷ người- đã được tiêm chủng đầy đủ cho đến nay, khiến phần lớn người dân vẫn dễ bị tổn thương.
Với khoảng 32 triệu ca nhiễm Covid-19, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, quốc gia có hơn 35 triệu ca mắc. Ấn Độ cũng là quốc gia thứ ba trên thế giới ghi nhận hơn 400.000 trường hợp tử vong, sau Mỹ và Brazil.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào cuối năm nay. Mỗi ngày khoảng 5 triệu người được tiêm nhưng quốc gia này cần phải đẩy con số này lên khoảng 8-9 triệu mũi thì mới hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả người đủ điều kiện vào cuối năm 2021.
Hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, đã phải vật lộn để tiếp cận vaccine. Đây là một thách thức mà Ấn Độ, với tư cách là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, không mong đợi phải đối mặt.
Việc triển khai tiêm vaccine của Ấn Độ đang diễn ra như thế nào?
Kể từ ngày 16/1, Ấn Độ đã tiêm hơn 565 triệu liều vaccine Covid-19. Khoảng 440 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và khoảng 125 triệu người khác đã nhận được tiêm cả hai liều cho đến nay.
Hôm 19/8, Ấn Độ ghi nhận khoảng 36.400 ca Covid mới - chưa bằng 1/10 số ca nhiễm vào đợt cao điểm của làn sóng dịch thứ hai hồi đầu tháng 5. Nhưng các bác sĩ nói làn sóng dịch thứ ba là không thể tránh khỏi khi Ấn Độ hoàn toàn mở cửa trở lại ngay cả khi mối đe dọa của các biến thể mới xuất hiện mạnh mẽ hơn.
Trong khi xu hướng tiêm chủng đã đạt được đà tăng trưởng, các chuyên gia lo lắng về khoảng cách giới tính - dữ liệu của chính phủ cho thấy số phụ nữ tiêm vaccine ít hơn 6%. Điều này đặc biệt đúng ở vùng nông thôn Ấn Độ, nơi phụ nữ bị hạn chế truy cập Internet và do dự hoặc sợ hãi khi tiêm vaccine.
Dù số liều vaccine cao hơn đang được tiêm hàng ngày ở các vùng nông thôn, tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở khu vực thành thị vẫn lớn hơn.
Vào tháng 6, chính phủ Ấn Độ cho biết, sẽ cần khoảng 1,8 tỷ liều để tiêm chủng cho tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện ở Ấn Độ. Hiện nước này dự kiến sẽ có sẵn lượng vaccinenhư sau:
-500 triệu liều Covishield
-400 triệu liều Covaxin
-300 triệu liều từ công ty Biological E của Ấn Độ
-100 triệu liều từ Sputnik V
-50 triệu liều ZyCov-Di, được phát triển bởi Zydus-Cadila có trụ sở tại Ahmedabad
Ấn Độ đang sử dụng những loại vaccine nào?
Theo BBC, Ấn Độ đang sử dụng 3 loại vaccine làOxford-AstraZeneca, có tên địa phương là Covishield; Covaxin của công ty Bharat Biotech của Ấn Độ; và Sputnik V do Nga sản xuất.
Chính phủ cũng đã ủy quyền cho công ty dược phẩm Ấn Độ Cipla nhập khẩu vaccine của Moderna, loại vaccine này đã cho thấy gần 95% hiệu quả chống lại Covid-19. Nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu liều sẽ được cung cấp cho Ấn Độ.
Nhiều loại vaccine khác cũng đang chờ chính phủ phê duyệt trong các giai đoạn khác nhau.
Chính phủ Ấn Độ đang chi khoảng 5 tỷ USD để cung cấp vaccine miễn phí tại các bệnh viện nhà nước, trung tâm y tế công cộng. Nhưng mọi người cũng có thể tiêm vaccine ở các cơ sở tư nhân.
Tác dụng phụ sau khi tiêm
Mọi người có thể gặp các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine.
Ấn Độ có chương trình giám sát đã 34 năm qua nhằm theo dõi "các biến cố bất lợi" sau khi tiêm chủng. Các chuyên gia cho rằng việc không báo cáo minh bạch những vụ việc như vậy có thể dẫn đến nỗi sợ hãi về vaccine.
Ấn Độ đã báo cáo hơn 23.000 "tác dụng phụ" sau khi tiêm chủng tính đến ngày 17/5. Hầu hết trong số họ được phân loại là "nhẹ" - lo lắng, chóng mặt, chóng mặt, sốt và đau đớn.
Chương trình giám sát cũng ghi nhận 700 trường hợp "các tác dụng phụ nghiêm trọng" và báo cáo 488 trường hợp tử vong tính đến giữa tháng 6.
Nhưng Ấn Độ cho biết chưa thể kết luận các ca tử vong là do tiêm chủng, đồng thời nhấn mạnh "nguy cơ tử vong sau khi tiêm chủng là không đáng kể so với nguy cơ tử vong đã biết do Covid-19".