Thời trang

Hội thảo nghề người mẫu: Cột mốc của sự nghiêm túc và chuyên nghiệp

Chia sẻ

Buổi hội thảo ngày 23/12 mang đến cho người dự khán một cái nhìn bao quát về nghề người mẫu hiện tại, từ đó đưa ra những đề xuất hứa hẹn sẽ giúp ngành nghề này quy củ hơn trong tương lai gần.

Nghề người mẫu ở Việt Nam những năm qua đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của xã hội. Trong đó bao gồm việc quảng bá sản phẩm, các lĩnh vực hoạt động như thiết kế trang phục và trang sức, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ thương mại, bất động sản, du lịch và lưu trú, di sản văn hóa dân tộc…

Đến nay, đã có những câu lạc bộ, công ty đào tạo và quản lý người mẫu hoạt động rải rác khắp nơi trong cả nước với quy mô khác nhau, có những đóng góp nhất định cho nghề người mẫu. Bên cạnh đó, nhiều người mẫu nổi tiếng được khán giả mến mộ như Bình Minh, Thanh Hằng, Xuân Lan, Anh Thư, Lan Khuê, Minh Tú, Minh Triệu… cũng góp phần hình thành thành lực lượng người mẫu có trình độ về chuyên môn.

Thế nhưng, có lẽ vì sự hoạt động riêng lẻ của các người mẫu hay những hội người mẫu tự phát triển nên ngành nghề này chưa được đánh giá cao về chuyên môn, ảnh hưởng đến việc xây dựng nghề mẫu thành một nghề chuyên nghiệp.

hoithaonguoimau (11)

Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội người mẫu Việt Nam.

hoithaonguoimau (9)

Bà Nguyễn Thế Thanh- Phó chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam.

Tại buổi Hội thảo Nghề người mẫu tại Việt Nam: Thực trạng và Đề Xuất, ông Nguyễn Quang Minh (Chủ tịch Hội người mẫu Việt Nam) cho biết, hiện tại Hội người mẫu vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa thực hiện được, bao gồm:

- Hội chưa phối hợp được với các đơn vị liên quan để hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo người mẫu, lấy đó làm căn cứ tổ chức đào tạo ngành người mẫu chính quy theo quy định của pháp luật. 

- Hội chưa xây dựng được bộ tiêu chí nghề nghiệp, trong đó có quy tắc ứng xử và đạo đức của nghề người mẫu để làm căn cứ đề xuất, phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và xã hội đưa lao động Người mẫu vào danh mục ngành nghề lao động chính thức của nước ta. 

- Hội cũng chưa xúc tiến được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức người mẫu nước ngoài đi trước Việt Nam về hoạt động người mẫu nhằm học tập kinh nghiệm cho hoạt động người mẫu trong nước.

Ba nội dung trên là những điều thiết thực cần được giải quyết để Hội người mẫu và nghề người mẫu ở Việt được chuyên nghiệp hóa hơn. Đó chính là lý do buổi Hội thảo Nghề người mẫu tại Việt Nam: Thực trạng và Đề xuất được tổ chức vào ngày 23/12.

Cũng trong hội thảo, ông Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh: “Hội người mẫu rất khuyến khích người mẫu tìm đến và gia nhập vào Hội, đưa Hội phát triển và trở thành nghề danh giá. Sẽ tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm người mẫu hơn nữa so với thời điểm hiện tại khi đã có 3 chương trình trong năm. Đặc biệt, Hội sẽ tổ chức thường niên việc bình chọn người mẫu của năm với tiêu chí đủ đức và tài”.

hoithaonguoimau (5)

Toàn cảnh buổi hội thảo tọa đàm Nghề người mẫu tại Việt Nam: Thực trạng và đề xuất.

Trong phần tham luận của mình, PGS. TS Phan Thị Bích Hà đã nêu ra ý kiến nhận được sự đồng tình của khá nhiều đại biểu: “Thực ra, nghề người mẫu là một hình thức lao động yêu cầu một số tiêu chuẩn, kỹ năng, tố chất, sự khổ luyện… Ngoài sự chuẩn mực của hình thể, thì một người mẫu còn cần phải có khả năng diễn xuất, sự biểu cảm trên nét mặt, kết hợp với ngôn ngữ thể hình khi tạo dáng, khả năng thẩm âm và năng lực về nhịp điệu, với những yêu cầu khí chất đặc trưng của một người mẫu, nét cá tính độc đáo riêng cùng những kiến thức về lịch sử văn hóa trang phục và văn hóa ứng xử v. v…

Công việc của người mẫu trên sàn diễn thời trang cũng có nét tương đồng với một diễn viên, một vũ công, họ phải biết cách làm chủ không gian sàn diễn, có bản lĩnh sân khấu. Vì vậy, trong chương trình đào tạo người mẫu yêu cầu các bộ môn như diễn xuất, biểu cảm, múa ballet, stylist, phương cách phối trang phục, tạo dáng chụp hình, tạo dáng sân khấu, bước đi trên sàn diễn; môn hóa trang; lịch sử trang phục; nghệ thuật nhiếp ảnh, thẩm âm và cảm thụ âm nhạc; văn hóa ứng xử, nâng cao khí chất…

Ngoài ra, một người mẫu chuyên nghiệp còn cần ý chí và bản lĩnh để luôn giữ sắc dáng chuẩn mực: cần một chế độ tập luyện và ăn uống khắt khe, chịu áp lực vô cùng khắc nghiệt; đồng thời phải có sự nhạy bén và tinh tế trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân và đạo đức người mẫu. Đằng sau ánh hào quang của nghề người mẫu là một cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt cùng sự nghiệt ngã của quy luật đào thải.

Nhưng tất cả những yếu tố trên, thiết nghĩ, sẽ được giải quyết bởi một chương trình đào tạo bài bản, hợp lý cho nghề người mẫu”.

hoithaonguoimau (28)

Việc chuyên nghiệp hóa nghề người mẫu đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ví dụ như ở Pháp, hoạt động này đã được triển khai với các tiêu chuẩn như chiều cao hay số đo 3 vòng là bao nhiêu thì sẽ được cấp thẻ người mẫu. Gần hơn, trong địa phận của các nước châu Á như Hàn Quốc, Ông Kim Sung Pil (Đại diện marketing của Hiệp hội Người mẫu Châu Á - AMA) cho biết: “Ở Hàn Quốc, nghề người mẫu đã có mã số riêng và được công nhận là một nghề danh giá và người mẫu phải nộp thuế hàng tháng. Vì vậy cần có giáo trình người mẫu với trình độ cơ cấp, trung cấp hay đại học để biến sự chuyên nghiệp ấy không còn là lý thuyết suông”.

Cũng trong hội thảo này, Ông Kim Sung Pil đã chia sẻ với các đại biểu về mô hình và hệ thống đào tạo người mẫu ở Hàn Quốc. Cụ thể như sau:

- Ngành đào tạo người mẫu chính quy có tại hơn 10 trường đại học với hạn khoá đào tạo 2 năm và 4 năm, được Bộ Giáo dục cấp bằng chứng nhận và sau khi tốt nghiệp cử nhân cũng có khoá đào tạo sau đại học trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Thường thì, người mẫu sẽ có lợi thế hơn nếu đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành như ngành biểu diễn truyền hình, ngành diễn viên. 

- Cũng có chương trình đào tạo theo kiểu Huấn luyện nghề ngắn hạn: Có thể được đào tạo để trở thành người mẫu ở các trường người mẫu, học viện người mẫu hay trường học charming school (tạm dịch: trường dạy kỹ năng làm đẹp). 

- Sau khi học chuyên ngành người mẫu ra, có thể làm việc như: người mẫu thời trang, đạo diễn thời trang, người đào tạo người mẫu, diễn viên/truyền hình (diễn viên kịch, ca sĩ, MC, biên đạo múa…).

Trong khi đó, ở góc nhìn của một nhà kinh doanh, ông Huỳnh Văn Tẩn - Giám đốc Truyền thông Công ty PNJ, nghề người mẫu cũng có sứ mệnh rất quan trọng vì giữ vai trò truyền tải thông điệp, hình ảnh, ý nghĩa của mỗi doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Do đó, mỗi khi lựa chọn người mẫu để hợp tác làm việc, các công ty thường cân nhắc rất kỹ về trình độ, tính cách cũng như sự chuyên nghiệp của các người mẫu. Đồng thời, nếu người mẫu là người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội thì mối quan hệ hợp tác lại càng khắng khít hơn.

Cũng trong hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Minh Hoà - Trưởng Khoa Đô thị học và Quản lý đô thị trường Đại học KHXH & NV TP HCM đã mang đến những góc nhìn rất chính xác về nghề người mẫu. Bà khẳng định: “Đã đến lúc nhà nước cần phải công nhận người mẫu là một nghề mưu sinh, ban hành mã số, thẻ hành nghề. Và người mẫu phải có bằng cấp có giá trị pháp lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm. Khi người mẫu có bằng cấp, được đào tạo tốt thì sau khi họ không còn đứng trên sàn diễn, họ vẫn có thể mưu sinh trong vai trò nhà tổ chức, đào tạo, truyền thông. Nên nhớ tuổi đời của nghề người mẫu rất ngắn, có khi còn ngắn hơn cả cầu thủ”.

Bên cạnh đó, vấn đề cấp thẻ người mẫu cũng được nhắc tới nhiều trong buổi tọa đàm. Việc cấp thẻ sẽ được thực hiện nhiều đợt trong năm để tạo điều kiện cho những gương mặt mẫu trẻ và mới. Ngược lại, khi tham gia vào Hội, những hội viên sẽ nhận lại quyền lợi mà họ được hưởng nhưng phải hoạt động dựa trên quy tắc Hội đề ra. Sẽ có những mức phạt tương ứng cho những hành vi vi phạm khác nhau của hội viên, mức phạt nặng nhất là khai trừ khỏi hội.

hoithaonguoimau (20)

Cặp đôi Siêu mẫu Lan Khuê và Ngọc Tình rạng rỡ tham dự buổi hội thảo.

hoithaonguoimau (3)

Các thí sinh Siêu mẫu 2o15 cũng có mặt tại sự kiện này.

Giải vàng Siêu mẫu 2013 - Lan Khuê, đại diện cho những người mẫu có mặt nói lên quan điểm, băn khoăn cũng như tán thành với giải pháp chung đưa nghề mẫu trở thành một nghề chuyên nghiệp và danh giá.

Sau buổi hội thảo, tất cả đại biểu đều đồng tình với những nhận định và nhu cầu rất thiết thực nói trên. Mỗi cá nhân những người tham gia ngành nghề này đều phải có sự đóng góp chung với tập thể và đồng lòng khắc phục những thiếu sót hiện tại để hướng đến sự chuyên nghiệp cho nghề người mẫu, giúp mọi thứ được vận hành suôn sẻ, tốt đẹp hơn.

hoithaonguoimau (2)

Siêu mẫu Minh Triệu.

hoithaonguoimau (1)

Người mẫu Trang Khiếu.

hoithaonguoimau (17)

Thí sinh Siêu mẫu Hà Giang.

hoithaonguoimau (16)

Buổi tọa đàm giúp các thí sinh Siêu mẫu được mở rộng tầm nhìn cũng như hiểu hơn về nghề người mẫu.

Chia sẻ
Tin mới nhất