Thời trang

Dẹp bỏ nỗi khổ bệnh da mùa hè

Chia sẻ

PGS.TS.TTƯT. Nguyễn Duy Hưng – Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam về những bệnh da thường gặp trong mùa hè; cách chăm sóc, bảo vệ da thế nào cho đúng.

– Xin PGS cho biết những bệnh da thường gặp trong mùa hè? Và những bệnh nào thì thường hay xuất hiện ở trẻ em?

– Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, mùa hè khí hậu nóng ẩm cùng với sự ô nhiễm môi trường gia tăng. Tiết trời nóng bức làm mồ hôi tiết ra nhiều, bụi bẩn bám vào da chúng ta với rất nhiều vi sinh vật gây bệnh nên mùa hè thường là mùa hay bị các bệnh về da. Trong các bệnh da mùa hè thì viêm nang lông, mụn nhọt, bệnh chốc, các bệnh nhiễm nấm nông trên da như hắc lào, lang ben là hay gặp.

Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Khi nang lông bị áp-xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm hoặc viêm mô dưới da.

Mụn nhọt là nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Trẻ nhỏ, nam thanh thiếu niên hay bị mắc nhất. Nhọt có thể xảy ra ở mọi nơi trên cơ thể. Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng mặt quanh mũi miệng thường gọi là đinh râu. Đó là nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang rất nguy hiểm.

Có trường hợp nhọt tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng nên gọi là hậu bối, khi các nhọt này vỡ để lại các lỗ rò mủ như gương sen. Đây là một biểu hiện nặng của nhọt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và hay xảy ra ở những người bị bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể như lao, tiểu đường…

Ngoài ra, nhọt ổ gà là những nhọt xuất hiện ở nách. Đó là những cục nhọt cứng, thường nhiều nhọt và có thể loét lâu lành do vùng nách luôn ẩm ướt. Bệnh lại rất hay tái phát.

– Có nhiều người hiện nay vẫn cho rằng mụn nhọt, hay những vết chốc lở trên da thì không cần chữa, đến khi đi khám thì tình trạng viêm da đã nặng gây những biến chứng nguy hại. Một số khác lại tự ý dùng các thuốc bôi có chứa corticoid, thậm chí dùng cho cả trẻ nhỏ. Vậy lời khuyên của PGS cho những trường hợp này là gì?

– Lời khuyên đầu tiên là không tự ý bôi thuốc, đặc biệt các thuốc có corticoid có nhiều tác dụng phụ và làm cho các nhiễm khuẩn trở nên nặng hơn, nguy cơ lan rộng hơn. Các biến chứng tại chỗ là mụn nhọt viêm tấy to hơn, lan rộng ra và như tôi đã nói ở trên có thể gây viêm quầng, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp… Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị đúng đắn.

– Thời tiết khắc nghiệt như đợt nắng nóng vừa qua, lại có những đợt mưa dễ làm da bị thay đổi trạng thái đột ngột: có lúc da bị khô vì mất nước, có lúc lại bóng nhờn vì khí hậu ẩm bên ngoài. Vậy, trong mùa nóng cần chăm sóc da thế nào thưa PGS?

– Việc có thể và cần làm là bồi phụ nước, điện giải nếu mất nước bằng đường uống, ngày hè người lớn cần uống 2-3 lít nước, nếu có thể uống nước quả có đường và có thể pha ít muối ăn.

Nếu da mặt khô, bị bỏng rát có thể phun khoáng ngày nhiều lần cho da mát mẻ, chống lại cái nắng nóng và khô do mất nước. Luôn luôn cần vệ sinh thân thể, đặc biệt da mặt khi đi ngoài đường về, dù chỉ là rửa bằng nước mát. Khi da mặt bị bẩn, có mồ hôi có thể dùng sữa rửa mặt để rửa. Mỗi sáng, tối nên để ít phút massage da mặt để tập thể dục, làm cho các mạch máu dưới da và các tuyến hoạt động tốt, nuôi dưỡng da.

– Và một câu hỏi cuối, xin PGS cho lời khuyên làm thế nào để phòng tránh, hay nói cách khác là hạn chế thấp nhất bị viêm da vì nắng nóng?

– Nếu không có việc cần mọi người nên tránh ra ngoài vào những giờ nắng có cường độ tia tử ngoại mạnh: 10-15h. Khi ra ngoài phải dùng áo, mũ chống nắng và bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút. Vệ sinh da, làm mát da thường xuyên sẽ giúp cho da không bị viêm nhiễm, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Chia sẻ
Tin mới nhất