Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện cảm động phía sau những lá đơn hiến thi thể

Chia sẻ

Những câu chuyện cảm động về những người hiến thi thể vẫn được các giảng viên và sinh viên Đại học Y Hà Nội nhắc đến như một lời tri ân sâu sắc với công lao của họ.

Họ đều là những người bình thường, khoẻ mạnh, tự nguyện hiến thi thể của mình sau khi mất. Họ mong mỏi cống hiến cho nền Y học nước nhà mà không có bất cứ một đòi hỏi nào cho lợi ích cá nhân.

Những câu chuyện cảm động về những người hiến thi thể vẫn được các giảng viên và sinh viên trường Đại học Y Hà Nội nhắc đến như một lời tri ân sâu sắc với công lao của họ.

Trong câu chuyện với những giảng viên Bộ môn Giải phẫu, chúng tôi phần nào hiểu được tấm lòng cao cả của những người tình nguyện hiến thi thể và cả những khó khăn, vất vả mà các giảng viên, kỹ thuật viên Bộ môn Giải phẫu phải đối mặt trong quá trình tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản thi thể người hiến để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Những tấm gương đáng khâm phục

Trong căn phòng rộng gần 200 m², một nhóm học viên cao học đang miệt mài thực tập trên một thi thể. Xung quanh còn nhiều thi thể mới qua đời, được bảo quản cẩn thận để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu của thầy trò Đại học Y.

Không hề lạnh lẽo, âm u như những gì người ta vẫn tưởng tượng về một nhà xác ở bệnh viện, trái lại, bước chân vào đây ta có cảm giác ấm cúng, bởi mỗi sinh viên, giảng viên ở bộ môn Giải phẫu này đều coi những người nằm đó như người thân trong gia đình.

“Trước khi cho học viên thực tập, chúng tôi luôn có những bài học tâm lý dành cho các em. Rằng những thi thể nằm kia không hề đáng sợ, bởi họ đang giúp chúng ta làm nhiệm vụ cao cả là nghiên cứu khoa học. Nếu chúng ta không học tập, nghiên cứu tốt, chúng ta đã phụ tấm lòng hi sinh của họ. Nên giờ thực hành, học viên tập trung rất đông. Có khi chưa đến lượt nhưng các em đã quây kín chăm chú nghe giảng”, Thạc sỹ Vũ Thành Trung, giảng viên Bộ môn Giải phẫu cho biết.

hien-tang-1

“Những thi thể nằm đây không hề đáng sợ, bởi họ đang giúp chúng ta làm nhiệm vụ cao cả là nghiên cứu khoa học”.

Hiện Đại học Y Hà Nội có 20 thi thể người hiến tặng, trong đó có 10 thi thể còn “mới”. Mỗi thi thể nằm đây đều mang một câu chuyện cảm động về số phận và tấm lòng của người hiến xác.

Là người trực tiếp phụ trách công tác hiến thi thể, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu - Đại học Y Hà Nội đã chứng kiến nhiều câu chuyện đẫm nước mắt. Điển hình như trường hợp của anh Phạm Văn Duy là một tấm gương sáng để thế hệ trẻ học hỏi.

Duy là con trai duy nhất của một gia đình công chức ở một huyện nghèo của tỉnh Nam Định. Trong khi nhiều người là con một, được gia đình chiều chuộng mà chơi bời, học kém, thì ngược lại, Duy học rất giỏi. Khi còn là học sinh phổ thông, Duy đã tự tìm tòi, học hỏi và giành được một suất học bổng du học toàn phần tại Mỹ.

Thế nhưng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn với gia đình anh và cả những người dân nghèo nơi anh sống khi lần đầu tiên có một học sinh được đi du học nước ngoài thì bất hạnh ập đến. Duy mắc một căn bệnh hiểm nghèo khi bước chân vào đại học.

Trước khi mất, Duy đã bày tỏ với bố mẹ tâm nguyện hiến thi thể cho khoa học. Dù phản đối, nhưng trước tình cảm chân thành và những lời thuyết phục của Duy, cha mẹ anh đã đồng ý.

Ngày thi thể anh được chuyển về Việt Nam thực sự là một ngày đáng nhớ và đầy xúc động với gia đình và thầy trò Đại học Y Hà Nội. Anh trở thành một “người thầy thầm lặng” của hàng nghìn sinh viên trường Y. Cùng với nhiều người khác, Phạm Văn Duy đã được Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

hien-tang-2

Các sinh viên học môn giải phẫu trên mô hình.

Hay như trường hợp một võ sư, tiến sĩ mỹ thuật tự nguyện hiến thi thể cũng khiến các giảng viên Bộ môn Giải phẫu cảm phục. Gia đình ông vốn là một gia đình trí thức. Khi viết di chúc hiến xác cho khoa học, ông đã thuyết phục được gia đình làm theo ý nguyện của mình.

May mắn thay, các con ông đều là những người thành đạt, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tư tưởng rất tiến bộ nên ngày ông mất, họ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại học Y đưa thi thể cha mình về nơi bảo quản.

Ngày rằm, mùng 1 hay giỗ chạp, lễ tết, các con ông đều đến Đại học Y thắp hương cho cha. Đặc biệt, trong mỗi dịp lễ tri ân được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm của trường, con trai ông lại lên hát một ca khúc rất cảm động để bày tỏ lòng biết ơn cha mình và những người tự nguyện hiến thi thể cho khoa học.

Một người đàn ông vô gia cư trước khi mất cũng tự nguyện viết đơn hiến xác cho khoa học. Khi thi thể ông được đưa về Đại học Y, một người phụ nữ tự nhận mình là vợ ông cứ ngày rằm, mùng 1 lại đến hương khói cho chồng. Có người bảo bà chỉ là vợ “hờ”, nhưng cái nghĩa cái tình với người đã khuất khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt.

Nguyện vọng của bà là sau một thời gian sẽ được nhận xác ông về chôn cất nơi quê nhà. Các giảng viên, học viên Đại học Y đã tích cực học tập, nghiên cứu và sớm bàn giao lại thi thể ông theo nguyện vọng của bà.
Khó khăn của những người trong nghề

Mỗi con người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng họ đều mong muốn được cống hiến cho khoa học. Thế nhưng, theo những giảng viên Bộ môn Giải phẫu, không phải lá đơn nào cũng được tiến hành thuận lợi.

Có khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật, nhân lực, vật lực, nhưng xuống đến nơi, người trong gia đình lại phản đối không cho mang thi thể người thân đi. Nhiều trường hợp đến nơi mới biết người viết đơn hiến xác vẫn còn sống. Anh em kỹ thuật viên đi hàng trăm cây số đành trở về tay không.

Theo quan niệm của người phương Đông, chết là phải được chôn nguyên vẹn phần xác, nên nhiều gia đình không muốn người thân hiến thi thể. Nhưng trên thực tế, với những thi thể tự nguyện hiến cho khoa học ở Đại học Y, nếu gia đình có mong muốn được nhận xác về chôn hoặc hoả thiêu, các bác sĩ, giảng viên, học viên sẽ đẩy nhanh quá trình học tập, nghiên cứu để sớm bàn giao lại cho gia đình.

Nếu muốn gặp người thân, gia đình chỉ cần thông báo trước cho Bộ môn một vài ngày là được đáp ứng nguyện vọng. Vào ngày mất của họ, nhà trường tổ chức lễ truy điệu long trọng. Hằng tháng, hằng năm đều lo cúng giỗ, thắp hương đầy đủ.

Lễ tri ân vào rằm tháng 7 hằng năm có sự tham gia của hàng trăm sinh viên, giảng viên trong cả trường và đích thân thầy hiệu trưởng chủ trì buổi lễ một cách trang trọng nhất.

Nhà trường còn dành hẳn một khu nghĩa trang khang trang ở Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội, thậm chí một công viên nghĩa trang ở Quảng Ninh còn tặng một khu đất đẹp nhất làm nơi yên nghỉ cho những con người có công lớn cho khoa học.

Hiện nay các nước trên thế giới dù có nền y học hiện đại, phát triển nhưng họ vẫn học tập, nghiên cứu trên thi thể người hiến tặng. Đó được coi là chìa khóa để giúp sinh viên nắm vững về cấu trúc cơ thể. Thế nhưng, do ở Việt Nam vẫn còn nặng quan điểm “chết toàn thây” nên số lượng người hiến thi thể ở Đại học Y là rất ít.

“Số lượng các thi thể hiện nay không có nhiều khiến sinh viên không được trực tiếp phẫu tích, mà chỉ được học trên một số ít các thi thể đã được phẫu tích sẵn, việc giảng dạy và học tập vì thế bị hạn chế khá nhiều. Đây là khó khăn lớn nhất mà các trường y đang gặp phải và đang cố gắng tìm phương hướng giải quyết”, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.

hien-tang-3

Các tiêu bản là phương tiện giảng dạy hữu ích nhưng bị hạn chế về tầm nhìn.

Nếu như ở Đại học Y dược TP HCM có đội chuyên trách việc tiếp nhận đơn, tư vấn cho người nhà người hiến thi thể, trực 24/24 giờ khi có bất kì trường hợp xấu xảy ra, được trang bị xe chuyên dụng để chở thi thể, có tủ ướp lạnh -30 độ đảm bảo thi thể được lưu giữ tốt nhất thì ở ngoài Bắc hoàn toàn không có, nên khó khăn cho các kỹ thuật viên trong quá trình vận chuyển, lưu giữ và bảo quản thi thể.

Các giảng viên, kỹ thuật viên thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất bảo quản độc hại, công việc vất vả nhưng chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng. Các bác sĩ sau khi ra trường ít người theo nghề này cũng là một khó khăn về nhân lực cho Bộ môn Giải phẫu.

May mắn thay, đội ngũ giảng viên chuyên ngành Giải phẫu hiện tại ở các trường y đều là những người thực sự có tâm huyết, say mê với nghề và rất dũng cảm.

Họ làm việc hết mình không kể ngày nghỉ hay ngày lễ tết mà không đòi hỏi một ưu đãi nào. Tuy nhiên, mong muốn của những người trong nghề vẫn là làm sao để công tác hiến thi thể được triển khai rộng và hiệu quả, tạo được môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi cho các sinh viên, học viên Đại học Y Hà Nội, thu hút nguồn nhân lực, làm cơ sở nền tảng phát triển nền y học đất nước lớn mạnh trong tương lai.
Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất