Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Người mẫu - Hoa hậu

Thi nhan sắc: ‘Cuộc chiến' giữa tiền, sắc đẹp và tri thức

Đi thi Hoa hậu, ai cũng mong được giải. Mà đã là cuộc thi, hiển nhiên sẽ có sự cạnh tranh. Nhưng thời nay, thi Hoa hậu không hẳn chỉ là cuộc tranh đua về sắc đẹp trời cho...

Ngày xưa, các cuộc thi sắc đẹp thường không nhiều thị phi, bởi các cô gái coi cuộc thi như một sân chơi, thành ra họ rất thoải mái, vô tư. Bây giờ thì khác. Rất nhiều cô xác định đi thi là để “đổi đời”, vì thế, mọi thứ đều cần được đầu tư, mà đầu tư thì cần tiền, mà tiền, thì không phải cô nào cũng có sẵn.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Và thế là, câu chuyện lấy tiền ở đâu, bản thân nó đã là một thị phi, cho bất cứ cô gái nào đi thi Hoa hậu mà… bỗng dưng có tiền.

Tiền ở đâu? Chắc là có đại gia tài trợ rồi! - Đó là câu hỏi và cũng kèm theo câu trả lời của rất nhiều “bà tám”. Mà chỉ cần một lời khẳng định, câu chuyện sẽ được lan truyền và trở thành đề tài bàn tán trên mạng. Kể ra cũng không hẳn là sai, vì thực tế, đã có những trường hợp như vậy.

Ví như cô gái kia, đi thi Hoa khôi cấp tỉnh, đoạt giải. Khi cô ấy vô danh, các “anh hùng hảo hán” chả quan tâm, vì họ - là những người có tiền, họ chỉ “hái” những bông hoa nổi bật. Còn khi bông hoa ấy dù có rực rỡ đến mấy đi chăng nữa mà ở bụi rậm, thì các “đại gia” cũng chả thèm ngó ngàng. Thế nên, chỉ cần đăng quang, “đùng một cái”, các “đại gia” ngay lập tức xúm vào. Tân hoa khôi, từ một bông hoa trong vườn nhà lặng lẽ toả hương, giờ thành “nữ hoàng sắc đẹp” có quyền lựa chọn người đàn ông cho mình. Và khi đã có “đại gia” hậu thuẫn, cô gái ấy có đủ “lực” để đầu tư cho cuộc thi nhan sắc lớn hơn. Và so với dàn thí sinh là sinh viên, học sinh,… thì cô sẽ trở nên nổi bật, bởi quần áo, váy vóc, giày dép hàng hiệu,… Thị phi, lúc ấy, dù “phong long” nhưng cũng chẳng sai.

Thế nhưng, không phải cô gái nào “có tiền”cũng là do “đại gia” chống lưng. Nhiều gia đình khá giả, có “nhõn” một cô con gái, nên họ chả tiếc tiền đầu tư. Và điều đó chẳng có gì sai. Ở đây, họ đầu tư cho con gái từ trang phục đến trau dồi tri thức, tập luyện tài năng, rèn rũa kỹ năng trình diễn,… những thứ rất cần trong một cuộc thi Hoa hậu. Tuy nhiên, đôi khi dư luận không thể hiểu tường tận vấn đề, thậm chí là “chả thích hiểu”, nhất là những người luôn có sẵn trong đầu sự “dị ứng” với những cô gái chân dài. Thế là họ đồn đại, và thị phi lại bủa vây lấy cô gái vô tội đang hí hửng với sân chơi nhan sắc.

Tóm lại, kiểu gì thì cũng có thị phi!

Khi có tiền, các cô gái được đầu tư để tân trang, bồi dưỡng từ ngoại hình đến tri thức, tâm hồn. Điều đó tốt! Đó chính là hành trang để các cô gái trở nên đẹp hơn khi đến với những cuộc thi sắc đẹp. Tất nhiên, ở đây chỉ nói đến những cô gái “có tiền”. Còn trên thực tế, nhiều cô nhà nghèo, mà vẫn đẹp long lanh huyền diệu đó thôi. Thậm chí, càng nghèo thì lại học càng giỏi, càng nhiều trải nghiệm sống, càng hiểu được giá trị của đồng tiền, và họ luôn có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, kể cả mục tiêu đoạt vương miện trong cuộc thi sắc đẹp.

Vậy là trong cuộc thi, sẽ diễn ra cuộc tranh đua “ngầm” giữa các cô có tiền và các cô không có tiền. Điều này những người gần gũi với các cô là biết rõ nhất, ví dụ các chuyên gia make up chẳng hạn. Muốn xem cô nào cặp với ai, giàu hay nghèo, cứ các vị ấy mà hỏi, ra hết! Vì cạnh tranh, nên cô nào đi thi cũng thuê chuyên gia riêng. Nhiều tiền thì thuê chuyên gia nổi tiếng, ít tiền thì thuê người ở tầm “thấp” hơn. Còn những thí sinh không có tiền, thì chỉ biết dựa vào Ban tổ chức, và đương nhiên, họ được đáp ứng một cách đầy đủ nhưng chắc chắn sẽ không phải là những chuyên gia hàng đầu. Vì thế, dễ nhận thấy sự khác biệt trong trang phục và trang điểm của các người đẹp, khi họ xuất hiện trên “sàn đấu”. Và cũng vì thế, chuyên gia make up gần gũi, thân cận như “ăn nằm” cùng thí sinh nên họ hiểu từng chân tơ kẽ tóc các người đẹp.

Ấy thế nhưng, thi sắc đẹp cũng giống như kinh doanh, đôi khi đầu tư lớn chưa chắc đã sinh lời. Thực tế cho thấy, nhiều cô được đầu tư vô cùng lớn bằng những bộ trang phục của các nhà thiết kế hàng đầu, chuyên gia trang điểm hàng đầu,… mà vẫn cứ trượt như thường. Thậm chí chẳng lọt nổi top 10 chứ đừng nói là đoạt được giải này giải khác. Lúc đó, nhiều người sẽ “chửi bới” ầm ĩ, rằng thì là mà cô ấy đẹp thế, cô ấy diễn hay thế, cô ấy nổi bật thế,… tại sao lại không lọt top nọ top kia, nhất định là có tiêu cực. Thế là họ suy diễn, và mũi dùi lại nhắm vào những thí sinh đoạt giải. Thật khổ! Thường khi thất bại, họ ít khi nhìn lại chính mình, mà hay đổ lỗi cho người khác. Đặc biệt, mình lại đầu tư lớn, nổi bần bật mà vẫn trượt, thì rõ ràng lỗi không phải ở mình rồi. Đương nhiên chứ, ơ kìa!

Nghe ra thì có vẻ hợp lý, khi cho rằng đầu tư lớn, nổi bần bật mà vẫn trượt, thì chỉ có tiêu cực ở đấy. Nhưng, xét một cách công tâm và khách quan, một cô gái đi thi Hoa hậu, không chỉ ở hình thức bên ngoài, khả năng trình diễn, tài năng,… mà còn là sự tổng hoà của rất nhiều thứ, như tri thức, tâm hồn, nhân cách, vân vân… Mà những thứ đó thì không thể chỉ đầu tư bằng tiền, và không phải ai cũng nhìn thấy được. Vậy nên người ta mới cần có một ban giám khảo để chấm.

Ấy thế nên, cứ sau mỗi cuộc thi, người ta lại ầm ĩ lên chuyện nọ chuyện kia phía sau hậu trường. Có người tuyên bố “từ mặt”, bỏ cuộc. Có người lại khảng khái khẳng định sẽ đầu tư “ác liệt” hơn để sang năm thi tiếp. Bởi thế, cuộc chiến giữa tiền - sắc đẹp - tri thức, và thậm chí cả thị phi sẽ chẳng bao giờ dừng lại, khi luôn có những cô gái xác định thi nhan sắc là để “đổi đời”.

Chấp nhận vậy thôi!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mắt Kiếng

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơn giận của HLV Park Hang Seo