Làng tranh Đông Hồ có nguy cơ trở thành làng hàng mã

Chia sẻ

Làng Đông Hồ hiện nay chỉ còn duy nhất 2 hộ gia đình còn làm nghề. Hầu hết các gia đình ở đây đều chuyển sang nghề làm đồ gõ, nhuộm giấy... đặc biệt là làm hàng mã.

Tranh Đông Hồ là một loại tranh phản ảnh những câu chuyện đời sống chân thực, mang nhiều giá trị ý nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc ta. Hiện nay các hộ gia đình trong làng đã chuyển sang làm hàng mã. Tuy vậy làng vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề, vẫn vươn mình ra để bảo vệ và khôi phục lại cái nghề truyền thống mang lại những thành tựu như ngày nay.

Giờ đây những nghệ nhân nổi tiếng như: Nguyễn Đăng Khiêm, Vương Chí Hổ, Nguyễn Nhân Nghiễm, Trần Nhật Tấn đều mất, chỉ còn hai cụ Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế tuổi đã ngoài 80. Hai cụ vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật, tinh thần đầy mạnh mẽ và quyết tâm để vật lộn với thị trường khắc nghiệt.

lang Dong Ho

Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian do nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thành lập để bảo tồn và giữ gìn nghề làm tranh truyền thống của gia đình. Đây cũng là nơi tham quan dành cho khách du lịch muốn tìm hiểu về tranh Đông Hồ.

Thế mạnh của tranh dân gian Đông Hồ là “nghệ thuật thủ công”. Các công đoạn từ khâu chế biến giấy, chế biến màu, khắc ván, in tranh,… đều phải làm tay, không chạy máy. Du khách tới đây sẽ được tham quan một quy trình cho ra đời một bức tranh hoàn thiện. 

Tranh được làm từ giấy dó, đây là một loại giấy làm từ vỏ cây dó trong rừng. Trước khi bắt đầu vẽ, người làm sẽ phết lên một lớp điệp (bột được tán của một loại vỏ sò). Sau đó, giấy được đem phơi trong nhà hoặc bóng râm. Nếu phơi dưới ánh nắng trực tiếp, giấy sẽ hư.

Khi lớp điệp khô, giấy không rách sẽ được mang đi vẽ. Tranh có bao nhiêu sắc thì có bấy nhiêu bản ván màu. Mỗi ngày người nghệ nhân sẽ tô một mảng màu lên tranh, sau đó đem phơi. Hôm sau, công việc lại tiếp tục với mảng màu khác. Cứ như thế, có những tranh phải đặt lên xuống 7 đến 8 lần mới hoàn thiện. Chính vì nhiều công đoạn như vậy, người làm tranh phải kiên trì và thực sự khéo léo.

Với hơn 20 đời “sát cánh” với nghề, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hiện là một trong hai hộ còn lại của làng lưu giữ những kỹ thuật làm tranh truyền thống. Theo cô Dung, con dâu lớn của cụ Chế, đã chơi tranh rồi thì phải hiểu được cái hay và ý nghĩa nó mang lại mới thấy giá trị. Người làm phải duy trì tình yêu nghề, vì “nó còn mang nét văn hóa của người Việt mình”.

Cô Dung đang ngồi in ván màu cho tranh. Đây được xem là công đoạn cuối cùng của quy trình làm tranh.

Cô Dung đang ngồi in ván màu cho tranh. Đây được xem là công đoạn cuối cùng của quy trình làm tranh.

 “Nghề làm tranh này có nhiều cái khó lắm, duy nhất có một cái khó mà người dân ở đây ít ai vượt qua được đó chính là tìm nguồn tiêu thụ cho tranh” – nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam chia sẻ. Theo thời gian, việc sản xuất tranh hiện nay chủ yếu cho những ai yêu thích tranh, đa số họ đều tự tìm đến mua. Du khách đến đây sẽ choáng ngợp bởi không gian tranh triển lãm cũng như những mặt hàng tranh Đông Hồ tại 2 gia đình này.

Dong Ho 3

Một gian phòng trưng bày tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Du khách có thể tham quan và mua tranh trực tiếp tại đây với giá trung bình cho một bức tranh chưa khung là 15.000 đồng và khoảng 100.000 đồng với bức đã đóng khung.

Làng Đông Hồ nhỏ nhưng dễ tìm, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Bắc, Trước khi vào làng, bạn sẽ đi qua một con phố mới sầm uất được tạo dựng gọi là phố Hồ. Qua phố này lên con đê đi khoảng vài trăm mét, rẽ trái xuống là làng Hồ.

Một ngày đến đây, bạn sẽ cảm nhận được những màu sắc của thiên nhiên, của sỏi son, lá tràm, hoa hòe, gỗ vang và cả than lá tre,… tất cả đều về đây hội tụ trên tờ giấy điệp. Qua đầu óc tài hoa của người vùng đất này, nó đã thăng hoa thành nghệ thuật độc đáo trong kho tàng mỹ thuật dân tộc.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất