Đừng tự 'trói' mình vào 'xiềng xích' 12 cung Hoàng đạo!

Chia sẻ

Bạn có đọc 12 cung Hoàng đạo mỗi ngày? Nếu vậy, bạn không chỉ lãng phí thời gian mà còn lãng phí cả tế bào não nữa.

Thành thật mà nói, bạn tin rằng 1/12 dân số thế giới có cùng cung Hoàng đạo cũng sẽ trải qua một ngày, một tuần, thậm chí là tháng, năm y như bạn sao?

Dưới đây là những lí do cho thấy Horoscope không đáng tin như bạn vẫn tưởng:

1. 12 cung Hoàng đạo khiến bạn tin mình có tính cách nào đó, dù sự thật chưa hẳn đã như vậy

Năm 1948, nhà Tâm lí học Bertram R. Forer đã thực hiện một thí nghiệm thú vị với các sinh viên của mình. Bertram đã cho sinh viên làm một bài trắc nghiệm tính cách với nhiều lựa chọn, nhưng chỉ có duy nhất một kết quả (tổng hợp từ bài phân tích tính cách 12 cung Hoàng đạo nổi tiếng lúc bấy giờ) như sau:

“Bạn có nhu cầu được mọi người yêu thích và ngưỡng mộ, vì vậy, đôi khi bạn hơi khắt khe với bản thân. Bạn có rất nhiều lợi thế tiềm ẩn mà chưa được sử dụng. Mặc dù mang vẻ ngoài lạnh lùng, kiêu hãnh nhưng thực ra bạn có nội tâm mong manh, dễ xúc động. Đôi khi bạn sẽ thấy rất hoang mang khi phải đưa ra quyết định. Bạn thích cuộc sống có nhiều màu sắc và sẽ nhanh chóng thấy khó chịu trong không gian tù túng và những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại. Bạn là người có lập trường riêng và không dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác, trừ khi người đó có bằng chứng vững chắc. Bạn rất giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Khi cần, bạn biết cách tỏ ra hoạt bát, niềm nở, hòa đồng. Nhưng nhìn chung, bạn vẫn là người hướng nội, cảnh giác và dè dặt. Đôi khi bạn có những nguyện vọng không thực tế”.

Các sinh viên được yêu cầu đánh giá độ chính xác của kết quả trên với bản thân, dựa vào thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất). Số điểm trung bình lên tới 4,26 đã khiến chính tác giả cuộc nghiên cứu cũng phải bất ngờ. Số điểm này cho thấy một sự thật khó tin: phần lớn sinh viên đánh giá kết quả duy nhất của cuộc trắc nghiệm là chính xác với họ.

Nhà Tâm lí học Bertram R. Forer (Ảnh: Internet)

Nghiên cứu của Bertram R. Forer (hay còn được biết đến như Forer Effect -Hiệu ứng Forer) là một “đòn” giáng mạnh vào niềm tin dành cho 12 cung Hoàng đạo của người Mĩ. Nếu những khác biệt của tính cách 12 cung Hoàng đạo theo Horoscope là chính xác, tại sao hầu hết các sinh viên của Bertram lại cho rằng kết quả duy nhất của bài trắc nghiệm đã mô tả đúng con người họ?

2. 12 cung Hoàng đạo có thể khiến bạn nảy sinh tâm lí xác nhận chủ quan

Niềm tin vào cung Hoàng đạo thường sẽ tăng tỉ lệ thuận với tần suất những lần bạn đọc được thông tin “tình cờ” chính xác. Tuy nhiên, sự tin tưởng ấy rất có thể chỉ là kết quả của một hiện tượng tâm lí mang tên: xác nhận chủ quan – Bạn sẽ chỉ chú ý tới những thông tin trùng hợp ngẫu nhiên chứ không quan tâm tới thông tin sai lệch. Hiện tượng này sẽ xảy ra nhiều hơn nếu thông tin cung Hoàng đạo cung cấp lại là về cá nhân bạn (chuyện công việc, mối quan hệ mỗi ngày).

Hãy hiểu đơn giản thế này: mỗi ngày nhà mạng đều chỉ gửi 3 tin nhắn quảng cáo cho bạn, nhưng vì đã liên tiếp 3 lần “mừng hụt” khi kiểm tra tin nhắn, bạn sẽ có xu hướng cho rằng mình đã bị nhà mạng “tra tấn” cả ngày (nhiều hơn 3 lần). Bạn sẽ không còn nhớ đến những khoảng thời gian không bị làm phiền khác nữa. 

(Ảnh: Internet)

 

3. Thông tin cung Hoàng đạo đưa ra thường mơ hồ và chung chung

Nếu là một độc giả trung thành của mục Horoscope, hẳn bạn không còn lạ gì những câu như: “Tuần này tình hình tài chính của bạn sẽ không được như ý”; “Bạn có thể sẽ bối rối vì một câu hỏi đã từ lâu mà không có lời giải đáp”; “Khoảng giữa tháng, công việc của bạn có thể sẽ bận rộn hơn”;…

Hãy đọc kĩ lại những lời “chiêm tinh” trên, có phải đó đều là chuyện có thể xảy ra với bất kì ai và vào bất kì lúc nào không? Những từ như “có thể”; “khoảng”; “một chút”;… đều mang ý nghĩa mơ hồ và cảm tính. Đến đây, chúng ta cần quay lại với hiện tượng xác nhận chủ quan đã đề cập phía trên. Khi nhận được thông tin không đủ chi tiết thực tế mà đánh vào cảm nhận nhiều hơn, bạn sẽ dễ nảy sinh thiên kiến.

4. Đừng tự cởi “trói” mình vào “xiềng xích” 12 cung Hoàng đạo 

Vấn đề lớn nhất mà cung Hoàng đạo có thể gây ra là nó sẽ giới hạn cách tư duy/cách nhìn nhận cuộc sống của người đặt niềm tin vào nó. Ví dụ: nếu cung Hoàng đạo cho biết tuần này bạn sẽ sa sút tài chính, bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng và trở nên dè xẻn quá mức cần thiết; ngược lại, nếu nó “dự báo” bạn sẽ rủng rỉnh hầu bao và tậu được một món hời, có thể bạn sẽ phung phí tiền bạc vì chắc mẩm mình đã gặp vận may.

Ngoài ra, bạn có thể còn tự áp đặt bản thân vào những nét cá tính mà cung Hoàng đạo đã “quy định” cho cung của bạn. Ví dụ: vì bạn sinh ra trong cung Nhân Mã và cung Hoàng đạo nói rằng Nhân Mã thường ham chơi, bốc đồng, khảng khái… bạn sẽ tưởng rằng mình có tính cách đó thật. Đây chính là một biểu hiện của hiện tượng tâm lí tự kỉ ám thị. Đây không hề là vấn nhỏ, đặc biệt là khi các nét tính cách mà cung Hoàng đạo “quy định” lại là tiêu cực. Người tin vào 12 cung Hoàng đạo sẽ cho rằng mình đã được “trời định” cho những tính xấu đó rồi, vậy nên không việc gì phải thay đổi.

Hãy tự “cởi trói” mình khỏi “xiềng xích” 12 cung Hoàng đạo. (Ảnh: Internet)

Đã là con người thì ai cũng có những ưu, nhược điểm riêng, nhưng đó không phải là sự thật bất biến. Không phải vì cung Hoàng đạo nói bạn là người nhút nhát mà cả đời bạn không bao giờ dám tự tin đứng trước đám đông. Nếu bạn thực sự ý thức được về những vấn đề của bản thân và nỗ lực thay đổi chúng, bạn chắc chắn sẽ thành công. Vậy nên thay vì đặt trọn niềm tin vào cung Hoàng đạo, bạn hãy dành thời gian để đọc những thông tin có căn cứ khoa học rõ ràng và hữu ích hơn cho cuộc sống. Cung Hoàng đạo chỉ nên được coi như hoạt động giải trí đơn thuần, như là đọc truyện cười vậy thôi.

(Bài viết có tham khảo thông tin từ Wikipedia, Dumb Little Man).

 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất