8x Việt thoát chết ở Nepal: 'Đeo khẩu trang khi trekking dễ gặp Tử thần'

Chia sẻ

"Nếu bạn đi leo núi chỉ để chinh phục thử thách, rèn luyện sức chịu đựng của bản thân, bạn nên cầm cuốc đi ra vườn làm cỏ hay xuống phố nhặt rác trên đường..."

Võ Thị Mỹ Linh, cô gái Việt sống sót ở Nepal sau vụ bão tuyết hồi tháng 10/2014, khi đang leo núi (trekking), mới đây đã mở tour leo núi giá rẻ ở Nepal dành riêng cho người Việt. Sau một năm ấp ủ, dự án kinh doanh của cô gái Việt nổi tiếng đã chính thức được khởi động.

Cô thiết kế tour trekking Nepal này với 4 hành trình khác nhau, các điểm trekking gồm Poonhill (3.180 m), Annapurna Base Camp (4.170 m), Annapurna Circuit (5.416 m) và Everest Base Camp (5.555 m) với các mức giá dao động trong khoảng 500 - 1.500 USD/người/tour, bao gồm chi phí đưa đón sân bay, ăn ở, hướng dẫn viên, khuân vác đi cùng trong hành trình leo núi.

Nepal

1 năm sau trải nghiệm kinh hoàng: sống sót qua bão tuyết ở Nepal, Võ Thị Mỹ Linh mở tour leo núi Nepal cho người Việt.

Mỹ Linh tuyên bố trên trang cá nhân, dự án này của cô là để giúp đỡ người Nepal sau vụ động đất kinh hoàng vừa qua hơn là một dự án kinh doanh thu lời. Cô chia sẻ, mình lãi được 25 USD/người nếu tour được thực hiện thành công. 

- Chào Mỹ Linh. Bạn đã ấp ủ ý tưởng mở tour này 1 năm trước. Khi bắt đầu hiện thực hóa nó, bạn có gặp khó khăn gì không?

- Tôi có mối quan hệ khá rộng ở Nepal vì tôi ở đó suốt 3 tháng và mỗi ngày tôi đều tiếp xúc với một người mới để chọn ra ai là đối tác tốt nhất. Thực ra tôi thấy bản thân tôi may mắn vì gặp được những người tốt ở đó. Với việc vận hành dự án này, tôi không thấy mình có khó khăn gì vì Babu, người giúp tôi vận hành tour ở Nepal là một anh chàng tử tế và như là anh trai ruột của tôi vậy.

- Linh chia sẻ, mục đích chính của việc bạn mở tour này là muốn giúp người Nepal cải thiện thu nhập sau động đất. Bạn ước tính bạn sẽ đem lại cho họ bao nhiêu tiền/tour, trong khi bạn chỉ lời 25$/người/tour?

Người Nepal rất nghèo, họ chỉ có trồng gạo cho đủ ăn và nguồn thu nhập chính dựa vào kinh doanh leo núi. Tôi không nghĩ mình đem lại nguồn thu nhập quá nhiều cho họ.

Nepal

Mỹ Linh kỳ vọng, cũng như cô, những người Việt tham gia tour leo núi ở Nepal sẽ tìm thấy bản thân mình sau hành trình thử thách ấy.

Trung bình mỗi năm chắc chỉ có khoảng 50 - 100 khách Việt Nam qua Nepal leo núi và trong số ấy không biết được bao nhiêu người book tour của tôi. Tuy nhiên, khi tôi và các bạn bè ở Nepal làm điều này, chúng tôi thấy vui vì có cái gì đó để gắn kết với nhau. Chúng tôi làm cùng nhau vì muốn duy trì tình bạn hơn là mong chờ kiếm lợi nhuận từ công việc này.

- Để có thể tham gia tour leo núi ở Nepal, ngoài sự yêu thích mạo hiểm, theo Linh còn cần những gì? Một người “tay mơ” rất dễ gặp nguy hiểm trong quá trình du lịch mạo hiểm (trong đó có trekking). Làm thế nào để hạn chế chuyện đó?

- Trước khi đến Nepal và gặp bão tuyết, tôi cũng hoàn tàn không biết tí kiến thức gì về leo núi cả. Đó chính là lý do khiến mắt tôi bị mù tạm thời, mặt bị bỏng vì nóng và tay, chân tôi bỏng vì lạnh. Nhưng sau khi trở về qua cơn bão tuyết, tôi biết được lý do vì sao tôi sống sót.

Những người xác định sẽ tham gia du lịch mạo hiểm cần sự bình tĩnh và khả năng chịu đựng gian khổ. Môn thể thao này chỉ dành cho những người có khả năng thích nghi cao với hoàn cảnh khắc nghiệt. Thí dụ, khi đi leo núi, bạn không thể tắm, phải ở bẩn suốt 10 ngày vì nhiệt độ trên cao rất lạnh; thậm chí, bạn không có giấy vệ sinh để xài khi đi vệ sinh.

Vừa rồi, tôi có tham gia leo một ngọn núi nhỏ với một số bạn Việt Nam, tôi ngạc nhiên thấy có nhiều bạn gái leo núi mà sợ… đen da nên đeo khẩu trang. Những người phương Tây không ai làm điều đó, thậm chí họ cởi trần để leo núi, vì họ biết rằng, leo lên núi để đón ánh nắng mặt trời, để hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải leo lên núi để tránh nắng. 

Và nếu bạn muốn chinh phục một ngọn núi cao, các bạn phải biết rằng, càng lên cao, oxy càng loãng, nếu bạn sợ đen da mà đeo khẩu trang thì đồng nghĩa với việc bạn vô tình mời gọi Thần Chết đến với các bạn. 

Nepal

Theo Mỹ Linh, trekking là môn thể thao dành cho những người có khả năng thích nghi tốt.

- Trekking, theo như những chia sẻ của Linh, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với những người non kinh nghiệm. Các khách hàng có cần phải chứng minh có đủ năng lực tham gia tour của bạn không?

- Việc kiểm tra sức khỏe là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngoại trừ tour leo núi chinh phục đỉnh Everest ra, các tour khác khách hàng không bị bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe. Trong trường hợp khách đi leo núi được mà sức khỏe yếu, tour guide sẽ là người quyết định nên cho khách về hay đi tiếp. Và dĩ nhiên, hơn ai hết, khách hàng hiểu rõ họ có nên đùa với tính mạng của họ hay không.

- Rõ ràng, việc mở tour leo núi ở Nepal là một ý tưởng hay và được các bạn trẻ ủng hộ. Nhưng trên thực tế, đã có bao nhiêu người chính thức đăng ký tour của Linh?

- Tính đến bây giờ thì chưa có bạn nào (cười lớn). Như tôi đã nói, tôi không kỳ vọng rằng đây sẽ là dự án kinh doanh để nuôi sống bản thân. Nó chỉ là việc, tôi duy trì sự kết nối với các bạn bè ở Nepal. Tôi không muốn phung phí đi mối quan hệ của mình.

Một vấn đề khác đó là đa số các bạn thích leo núi là những bạn trẻ mà các bạn trẻ thì thường không có tiền. Chỉ tính riêng phí vé máy bay hai chiều sang Nepal đã mất 500 USD rồi. Tôi biết có những bạn rất khao khát leo núi, nhưng với mức thu nhập thấp như Việt Nam thì rất khó để chi trả cho những chuyến đi mang tính thám hiểm thế này.

- Linh có vẻ thường thích “tuyên ngôn” cho những gì mình làm, cấp cho nó một ý nghĩa đặc biệt nào đó. “Tuyên ngôn” của bạn với dự án này là gì?

Tôi đã có một chia sẻ với các khách hàng rằng, nếu họ đi leo núi chỉ để chinh phục thử thách, rèn luyện sức chịu đựng của bản thân, họ nên cầm cuốc đi ra vườn làm cỏ hay xuống phố nhặt rác trên đường phụ các cô chú lao công. Thế cũng đã là một thử thách to lớn rồi, lại không phải tốn tiền như leo núi.

Nếu họ leo núi để học được những bài học lớn lao hơn, thì tài sản họ mang về không nên là câu chuyện độ cao của những đỉnh núi, mà nên là câu chuyện về những người phu khuân vác, về người phụ nữ bán hàng lưu niệm trên đỉnh núi, đã có không biết bao nhiêu chàng trai đi qua cuộc đời họ, mà rồi vẫn bị kẹt lại ở đó… Để thấy rằng, ở mỗi nơi chúng ta đi qua, đều cho ta hiểu thêm về giá trị sống.

Nepal

“Nếu bạn muốn leo núi chỉ để chinh phục thử thách, rèn luyện sức chịu đựng của bản thân, bạn nên cầm cuốc đi ra vườn làm cỏ hay xuống phố nhặt rác trên đường phụ các cô chú lao công”.

- Bạn kén chọn khách hàng và thẳng thừng từ chối những người muốn đến với tour của bạn để rèn luyện sức chịu đựng, điều đó có vẻ không phù hợp lắm với việc kinh doanh nhỉ?

- Nếu tôi phù hợp với kinh doanh, chắc tôi hẳn đã giàu. Tôi không phải là người vì lợi nhuận mà lôi kéo khách hàng bằng mọi cách. Tôi sống theo cách mà tôi cho là thoải mái nhất. Tôi quan niệm mình không bán tour leo núi, mà đang đi rao bán đi giá trị sống. Để kinh doanh một sản phẩm không khó, để kinh doanh một sản phẩm chứa đựng giá trị sống, tôi nghĩ đó mới là điều tôi muốn chinh phục.

- Bạn kỳ vọng gì ở những người mua tour của mình? Hay nói cách khác, bạn muốn đem đến điều gì cho họ trong trải nghiệm trekking ở Nepal? 

- Không thể phủ nhận rằng, trekking là một môn thể thao hấp dẫn với những người ưa thích khám phá, thử thách. Nó rèn luyện sức chịu đựng của bạn. Nó rèn luyện tính thích nghi của bạn. Nó rèn luyện cả sự kiên nhẫn, cách giải quyết vấn đề và giúp bạn nhận ra bản thân bạn là ai khi đối phó với những vấn đề đó. Và trên hết, nó cung cấp cho bạn những góc nhìn đẹp mà chỉ đi qua những chặng đường đó bạn mới thấy được.

Như tôi vẫn thường hay nói, vì cuộc sống này có quá nhiều thứ xấu xa, nên đôi lúc chúng ta phải tìm cách leo lên đỉnh núi, ngắm nhìn một bông hoa nở trên đá để thấy rằng mọi thứ vẫn tuyệt vời. Tôi kỳ vọng họ cũng như tôi, tìm thấy bản thân mình là ai sau hành trình thử thách ấy.

Nepal

“Với tôi, cuộc đời sẽ đáng sống nếu ta có nhiều trải nghiệm hơn là việc có nhiều tiền”.

- Ngoài việc mở tour này, hiện tại Linh đang điều hành những dự án nào khác? Có cái nào trong số đó kiếm ra tiền cho bạn không?

Dĩ nhiên tôi có nhiều dự án và những dự án này hầu hết không mang lại tiền. Tôi không quan trọng việc kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi quan trọng việc tôi làm được những gì bằng tuổi trẻ của mình. Vì bạn có cả cuộc đời để kiếm tiền, nhưng bạn chỉ có một thời gian ngắn của tuổi trẻ để thử sức ở những lĩnh vực mà bạn yêu thích.

Công việc đầu tiên của tôi là bán truyện ngắn để kiếm tiền, trở thành tác giả trẻ, sau đó là phóng viên, rồi chuyên viên ngân hàng, từng thử sức mở một công ty kinh doanh rau sạch, từng bỏ việc đi du lịch, từng là người leo núi, rồi trở thành người sáng lập và điều hành dự án Volunteer House Vietnam, từng làm CEO cho một dự án được 10 ngày thì ngưng, và bây giờ là người vận hành tour leo núi. 

Tôi vẫn còn một danh sách dài những công việc đang ấp ủ. Với tôi, cuộc đời sẽ đáng sống nếu ta có nhiều trải nghiệm hơn là việc có nhiều tiền.

Cảm ơn Linh. Chúc bạn thành công với dự án mới của mình!

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất