Gần đây, tiếng Anh trở thành chủ đề được nhiều bạn sinh viên đặc biệt quan tâm khi liên tiếp có nhiều “biến cố” xảy đến với môn Ngoại ngữ này. Đầu tiên là việc hàng loạt trường ĐH nâng chuẩn đầu ra, yêu cầu điểm thi TOEIC cao hơn mức đã quy định. Tiếp theo là chuyện thay đổi cấu trúc đề thi TOEIC khiến nhiều người lo lắng. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc Việt Nam công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Những sinh viên tự tin về trình độ tiếng Anh thì không nói làm gì nhưng với những ai còn đang loay hoay trên con đường chinh phục môn ngoại ngữ này thì đây hẳn là những thông tin họ không mấy mong đợi.
Tuy nhiên, có lẽ bạn không nên quá lo lắng bởi tiếng Anh không phải một môn học khó. Để hiểu hơn về cách biến tiếng Anh trở thành một công cụ phục vụ đắc lực cho việc học tập, làm việc, giải trí… chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với Khánh Vy 7 thứ tiếng - cô nàng MC được biết đến là rất giỏi tiếng Anh và thường xuyên dẫn các chương trình nói bằng loại ngoại ngữ này.
Chào Vy, rất vui là bạn đã nhận lời chia sẻ với độc giả Saostar về phương pháp học tiếng Anh hiêu quả. Không biết Vy bắt đầu học tiếng Anh từ lúc nào? Điểm thi IELT của bạn ra sao?
Bình thường Vy cũng thường xuyên chia sẻ về cách học tiếng Anh qua Facebook. Vy rất thích môn ngoại ngữ này và bắt đầu học nó từ năm lớp 2. Điểm thi IELT hiện tại của mình là 8.0
Hồi học Phổ thông, Vy có học thêm tiếng Anh nhiều không? Nếu có thì vì sao vậy?
Hồi học cấp 1, năm lớp 3, Vy được mẹ đưa đến Trung tâm học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên từ cấp 2 đến cấp 3, vì Vy hướng theo trường chuyên Anh nên vừa học trên lớp vừa kết hợp học nâng cao với các thầy cô trong trường và không tới Trung tâm nữa.
Khi còn ở cấp phổ thông, lúc trường và ở nhà, Vy học tiếng Anh như thế nào?
Ở trường, hầu như thầy cô sẽ dạy theo SGK với chương trình cơ bản còn khi học nâng cao thì chủ yếu phát đề thi để học sinh làm. Sau khi tụi mình làm xong, thầy cô sẽ chữa lại.
Ở nhà, Vy dành thời gian đọc lại các đề thi đã làm trên lớp, viết lại tất cả các lỗi sai và kiến thức mới trong 1 cuốn sổ. Ở cuốn sổ đó sẽ bao gồm các từ mới, cấu trúc hay có thể áp dụng được trong cả văn nói và viết. Vy mang theo cuốn sổ đó bên mình và ngày nào cũng đọc đi đọc lại.
Vy cũng thường xuyên nghe nhạc tiếng Anh, xem các clip trên youtube. Đó là cách để vừa giải trí vừa rèn luyện tiếng Anh.
Theo Vy, đâu là yếu tố quan trọng nhất để học giỏi 1 loại ngoại ngữ?
Vy không có khái niệm giỏi hay không giỏi một loại ngoại ngữ nào đó mà chỉ muốn nói rằng có thể sử dụng được hay không mà thôi.
Vy nghĩ rằng, yếu tố quan trọng nhất để sử dụng thành thạo một loại ngoại ngữ chính là sự chăm chỉ và tự tin. Giống như tiếng Việt, chúng ta sử dụng nó từ khi sinh ra, qua quá trình thực hành, ứng dụng hàng ngày thì trình độ tự khắc được nâng cao. Và tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng vậy, càng dùng nhiều, càng nói nhiều thì sẽ càng “lên cơ”.
Yếu tố tự tin mà Vy muốn nói đến là thái độ không sợ sai. Nếu bạn sợ hãi, điều đó sẽ trở thành 1 rào cản khiến bạn không dám nói, viết và bộc lộ tư tưởng, suy nghĩ của mình thông qua ngoại ngữ đang học. Vy nghĩ rằng chỉ khi vượt qua được rào cản đó, việc học tiếng Anh mới có thể trở nên dễ dàng hơn.
Có người nói, học tiếng Anh quan trọng là phải giỏi bắt chước, Vy có đồng tình không? Vì sao?
Vy nghĩ nếu bắt chước được giọng điệu, ngữ điệu của người nước ngoài thì đó là điều rất tốt. Bạn có thể nói hay hơn, chuẩn hơn nhưng dù sao, đó cũng chỉ là một phần của việc học tiếng Anh mà thôi. Tiếng Anh còn có rất nhiều phần khác như tư duy viết luận, truyền tải suy nghĩ của mình bằng ngoại ngữ khác tiếng mẹ đẻ. Khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp cũng không thể giống với tiếng Việt 100% nên đòi hỏi mỗi người phải có tư duy của riêng mình.
Một bài viết khá dài của tác giả giỏi 5 ngoại ngữ đã chỉ ra rằng, khi học ngoại ngữ, không nên cố gắng hiểu chính xác nghĩa của 1 từ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Cô đã dùng tiếng Anh học tiếng Trung và cứ như thế giỏi nhiều ngoại ngữ. Người này cũng cho rằng giỏi tiếng Anh có thể giỏi rất nhiều ngôn ngữ, Vy nghĩ sao về quan điểm đó?
Vy có thể học nghĩa của 1 từ mới theo 2 cách, đó là hiểu bằng tiếng Việt hoặc hiểu bằng tiếng Anh. Nếu như bạn có thể hiểu nghĩa của 1 từ bằng cách dùng chính tiếng Anh để giải thích nó thì đó là điều rất tốt vì nó giúp bạn vừa hiểu ý nghĩa, vừa hiểu sắc thái từ.
Tuy nhiên, nếu hiểu từ mới tiếng Anh bằng tiếng Việt thì nó lại giúp bạn nhớ lâu hơn. Điều này rất phù hợp với các bài đọc hiểu. Khi ấy, bạn có thể đọc, dịch và hiểu bằng tiếng Việt. Cách học này giúp bạn hiểu văn bản ở mức độ khá sâu sắc và đây cũng là cách học mà thầy cô ở trường Vy thường áp dụng.
Mình nhận thấy, có rất nhiều bạn chỉ chăm chỉ học từ mới theo cách 1 nên đôi khi đứng trước 1 từ mới, họ không biết trong tiếng Việt có từ nào tương ứng để dịch lại nó. Vy nghĩ mỗi người có 1 cách học nhưng nếu có thể học tiếng Anh mà không quên tiếng mẹ đẻ, học tiếng Anh để làm giàu ngôn ngữ vốn có của mình thì là điều vô cùng tuyệt vời.
Nhiều người thường nhận định khi đã giỏi tiếng Anh thì có thể dễ dàng học các ngôn ngữ khác. Vy nghĩ rằng trên thế giới này có rất nhiều người làm được điều ấy nhưng không phải ai cũng như vậy. Điều đó suy cho cùng còn tùy vào trình độ và mức độ tập trung của mỗi người.
Vy thừa nhận, khi đã thành thạo tiếng Anh thì nó có thể bổ trợ cho rất nhiều cho việc học các ngoại ngữ khác. Giống như việc bạn đã giỏi đàn piano thì cũng có thể dễ dàng hơn khi học guitar vì bản chất ngoại ngữ tuy khác nhau nhưng tư duy ngoại ngữ thì ít nhiều đều có điểm chung. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi nhất để giỏi ngoại ngữ vẫn là việc phải rèn luyện nó thường xuyên.
Trước đây có một khoảng thời gian Vy bỏ học tiếng Anh để học tiếng Trung để rồi khi quay lại với tiếng Anh, Vy thấy khả năng của mình không còn như trước nữa. Ngoại ngữ dù đã sử dụng tốt vẫn phải rèn luyện, thực hành thường xuyên bởi nếu không làm như vậy, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng được thứ này, mất thứ khác.
Theo Vy, một người mới bắt đầu học tiếng Anh thì nên tuân theo chương trình học như thế nào, áp dụng cách gì để đạt hiệu quả cao nhất?
Khi bắt đầu học tiếng Anh, bạn nên vạch ra một mục tiêu rõ ràng: Học tiếng Anh để làm gì? Nếu học tiếng Anh chỉ để thi TOIEC thì bạn nên lập tức phải tìm kiếm các tài liệu bổ trợ cho nó. Nếu học tiếng Anh chỉ để làm hướng dẫn viên du lịch thì nên tập trung học các từ, cách nói phù hợp với lĩnh vực của mình…. Tuy nhiên, dù có học như thế nào, với mục đích gì thì một khi đã bắt đầu cũng nên học đủ 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Tại sao lại như vậy bởi vì có nhiều người khi bắt đầu chỉ tập trung học ngữ pháp, việc này có thể làm thui chột khả năng nói, nghe của họ.
Theo mình, các bạn mới bắt đầu nên đến Trung tâm để được cung cấp một cách học hệ thống và khoa học. Tuy nhiên, nếu không có đủ điều kiện, bạn có thể tìm một người hướng dẫn.
Trong quá trình học, hãy cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt! Có nhiều người vì bận đi làm, mỗi tuần họ chỉ tiếp xúc với tiếng Anh 2h thôi thì đương nhiên thời gian luyện sẽ lâu hơn và trình độ không được cải thiện nhiều. Một khi đã xác định học tiếng Anh, bạn phải tiếp xúc với nó hàng ngày. Hãy cứ xem phim, cứ nghe nhạc, nghe bản tin tiếng Anh… cho dù việc đó khiến bạn cảm thấy không hiểu gì, không học được gì. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra tất cả sự nỗ lực ấy sẽ ảnh hưởng tới khả năng ngoại ngữ của bạn một cách rất tự nhiên. Chưa kể là khi mình nghe được cách người nước ngoài nói, bạn có thể sẽ dần học theo và dần nuôi dưỡng tình yêu vô thức với tiếng Anh.
Điều trọng mà bất cứ ai khi học tiếng Anh cũng nên nhớ đó là bạn đừng tự ty cũng đừng sợ sai vì tiếng Anh thực ra không phải là cái gì đó cao siêu hay một môn nghệ thuật, nó đơn giản chỉ là một công cụ mà thôi.
Thống kê cho thấy có 90% sinh viên phải đi học thêm tiếng Anh ngoài trung tâm, họ cho rằng các trường ĐH đào tạo tiếng Anh thiếu hiệu quả. Vy nghĩ sao về ý kiến này? Ở Học viện Ngoại giao, việc học tiếng Anh diễn ra như thế nào?
Không biết đối với các trường ĐH khác thì như thế nào nhưng bắt đầu từ năm 2, tại Học viện Ngoại giao, Vy đã được học tiếng Anh chuyên ngành. Lúc này, tiếng Anh không còn là một môn học cao siêu nữa mà trở thành công cụ để mình học tập các kiến thức khác. Việc học tiếng Anh lúc này sẽ có những tiêu chuẩn khác hơn so với việc chỉ học tiếng Anh để giao tiếp.
Vy quan điểm đối với việc học tiếng Anh, chuyện lựa chọn người dạy, cách học sao cho phù hợp là điều rất quan trọng. Không quan trọng là luyện ở trung tâm hay học ở trường học, miễn sao mỗi người đều tìm được cách học tốt và luôn có ý thức tự nâng cao trình độ ngoại ngữ đã là điều đáng mừng rồi.
Nhiều trung tâm thường đưa ra lời quảng cáo xóa mù tiếng Anh, giỏi giao tiếp chỉ trong vòng 3 tháng. Vy nghĩ sao về quảng cáo đó, liệu có thể luyện tiếng Anh nhanh vậy không và nếu đúng thì phải luyện thế nào?
Vy chưa từng đi học ở các trung tâm ấy nên khó có thể đánh giá. Tuy nhiên mình nghĩ 3 tháng để xóa mù, để 1 người có hiểu biết căn bản về tiếng Anh là điều không khó. Song xét về khả năng giao tiếp giỏi thì chưa chắc vì điều này cần rất nhiều yếu tố.
Thực tế, kể cả giao tiếp bằng tiếng Việt, chúng ta cũng đã phải học từng ngày rồi nói chi đến tiếng Anh. Giao tiếp chỉ có thể tốt lên bằng cách thực hành thật nhiều, sai thật nhiều. Từ những cái sai đó, chúng ta mới biết mình thiếu cái gì để khắc phục và đó quả thực là một hành trình dài bất tận.
Nhiều người khi giao tiếp với người nước ngoài thường tập trung quá nhiều vào bản thân, họ sợ họ nó sai thì sẽ bị chê cười, bị đánh giá là dốt tiếng Anh. Theo mình, thay vì tập trung vào bản thân, bạn hãy tập trung vào người đối diện và nghĩ xem phải nói thế nào cho người kia hiểu. Hãy nói để cho họ hiểu chứ đừng bận tâm nói thế nào cho họ đánh giá là mình giỏi bởi vì mục đích tối thượng của một cuộc hội thoại là việc hiểu biết lẫn nhau thông qua việc nghe và nói.
Khi mới bắt đầu, hãy cố gắng hãy tìm cách nói sao cho thật dễ hiểu. Người mới học tiếng Anh có thể vốn từ vựng rất nhiều nhưng diễn đạt lại không trơn tru cho lắm. Để khắc phục điều này, hãy cố gắng coi người đối diện như 1 đứa trẻ để nói làm sao cho họ dễ hiểu nhất. Cố gắng sử dụng ngôn ngữ hình thể ở một mức vừa phải. Luyện tập nhiều sẽ giúp bạn giao tiếp tốt.
Trong việc thực hành giao tiếp, bạn cũng đừng nghĩ phải đợi có đối tác thì mới rèn rũa được. Trước kia, Vy thường luyện thói quen nói tiếng Anh một mình và cảm thấy đó là cách học rất hiệu quả.
Vy nhận thấy tiếng Anh đã làm cuộc sống của mình thay đổi như thế nào?
Thực tế Vy không phải là người giỏi tiếng Anh mà chỉ là một người có thể sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp với người nước ngoài, phục vụ việc học và làm việc. Dù vậy, Vy cũng thấy rằng khả năng ngoại ngữ đã đem đến cho mình rất nhiều cơ hội.
Đầu tiên là việc học, Vy được giải 3 học sinh giỏi quốc gia và từ đó, được tuyển thẳng vào ĐH. Vì biết tiếng Anh, Vy có thể đọc rất nhiều tài liệu gốc, mở mang kiến thức.
Về công việc, tiếng Anh đem đến cho Vy vô vàn cơ hội mà chính mình cũng không thể tưởng tượng nổi. Ví dụ như Vy được sang bên Nhật phỏng vấn sao Hollywood rồi phỏng vấn các đầu bếp trong liên hoan ẩm thực quốc tế, được dẫn rất nhiều chương trình tiếng Anh trên sóng truyền hình quốc gia…
Về mặt giải trí tiếng Anh cũng có tác dụng nữa. Ví dụ có thể xem phim không cần phụ đề rất vui hoặc đơn giản là đi ra đường, có thể giao tiếp với mọi người, giúp chỉ đường cho họ. Dù chỉ là việc nhỏ nhưng Vy thấy rất vui vì giúp đỡ người khác.
Ngoài ra, tiếng Anh cũng giúp Vy có thêm nhiều nhiều người bạn mới và tự Vy cảm thấy nó như 1 thứ gắn kết cả thế giới.
Tất cả đối với Vy mà nói đều giống như trải nghiệm tuyệt diệu. Vy rất vui vì đã có thể sử dụng tiếng Anh như 1 công cụ để học tập, làm việc. Bản thân Vy cũng chưa từng nghĩ sẽ phải học tiếng anh theo kiểu phải thật giỏi giống như phải đánh đàn giỏi, tập gym giỏi. Vy chỉ là luôn nghĩ cách biến tiếng Anh thành một công cụ tối ưu và khi đã làm được điều ấy, Vy ngày càng yêu mến công cụ mà mình đang có cũng như tích cực rèn rũa cho nó sắc bén hơn.
Vy nghĩ rằng, ai cũng có thể biến tiếng Anh thành công cụ bởi xã hội ngày càng hội nhập nên dù muốn dù không, dù ít hay nhiều tiếng Anh vẫn sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mọi người. Bản thân Vy thì đã trải nghiệm và thấy tiếng Anh rất đáng yêu. Chính nó đã khiến cuộc sống của mình trở nên muôn sắc, muôn màu và thú vị hơn rất nhiều.