Gần đây, những ý kiến sôi nổi của dư luận về việc không nên giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh tạo nên áp lực không nhỏ cho nhiều nhà giáo.
"Giao bài tập thì cả trò và cô đều vất vả"
Mỗi dịp lễ, khái niệm "bài tập Tết" không chỉ khiến là sự "ám ảnh" cho học sinh mà còn cả sự trăn trở của giáo viên.
"Không giao thì bài mới hôm nay như gió thổi qua tai với học sinh, giao bài thêm cũng khiến giáo viên vất vả trong việc soạn bài, kiểm tra và chấm bài.
Không giao bài tập cho học sinh thì phụ huynh sẽ thắc mắc tại sao giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh.
Nhưng đến khi giao bài để học sinh về làm thì học sinh lại kêu than kiểu khác. Giao bài tập Tết thì vi phạm, không giao bài thì bị phụ huynh nói là vô tâm", cô V.H (giáo viên trường tiểu học ở Bắc Giang) bộc lộ rõ sự khó xử.
Cô H. bày tỏ thêm, việc giáo viên giao bài tập chỉ xuất phát từ nỗi lo sợ trò quên kiến thức, hay sâu xa hơn là nỗi lo học sinh không đáp ứng được với các kỳ thi quan trọng sau Tết.
Tuy nhiên, hầu hết hiện nay các trường học đều "thả lỏng" không giao bài tập Tết để học sinh có một kỳ nghỉ nhẹ nhàng, không bị áp lực bài vở. Đây cũng là lý do khiến cô giáo V.H quyết định không ra bài tập Tết.
Tán thành với chia sẻ trên, thầy D.P (giáo viên môn toán trường cấp 3 tại Nam Định) cho rằng việc giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên. Học sinh phải làm bài tập trong tâm lý phản kháng, làm kiểu chống đối thì cũng không có tác dụng.
"Bản thân tôi không giao bài tập Tết cho học sinh. Vì chính tôi cũng muốn nghỉ ngơi, không muốn ngồi mò mẫm hàng đêm mà làm từng đề ôn tập. Nhưng tôi không cho rằng việc giao bài tập Tết cho học sinh là xấu.
Việc giáo viên có giao bài tập cho học sinh như thế nào, thời điểm nào là tùy thuộc vào lực học, hoàn cảnh, khả năng của học sinh và ước vọng của giáo viên.
Tôi nghĩ không nên hạn chế việc giao bài tập. Như vậy tội cho giáo viên", thầy P. thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Không giao bài tập Tết, phụ huynh thấp thỏm
Thế nhưng, một số phụ huynh lại bày tỏ lo lắng khi vào dịp lễ nếu không có bài tập về nhà để "níu" con em mình thì các con sẽ sa vào thế giới của mạng xã hội và thiết bị điện tử.
"Phụ huynh học sinh lớp tôi toàn nhắn nhủ cô cho thêm bài. Tốt nhất là nhắn lên Zalo chi tiết bài X, trang YY để họ nhắc con họ làm.
Nếu không giao thì về học sinh mải chơi, thi thì cứ dựa vào điểm trên bài thi để đánh giá. Giáo viên như tôi cũng chỉ là người bị kẹp ở giữa. Trên đe dưới búa.
Thầy cô không giao mà học sinh thích học thì sách bài tập vẫn đầy cái để làm, chứ giao mà trò không làm, đầu năm đi học sợ phạt này phạt kia dễ ảnh hưởng tâm lý của học sinh", cô N.G.A (giáo viên môn toán tại một trường tiểu học tại TP.HCM) chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với cô G.A, cô P.H (giáo viên môn văn tại một trường cấp 2 ở Thái Bình) chia sẻ thường xuyên nhận được những được những tin nhắn, cuộc gọi "hỏi han", "trách khéo" của phụ huynh về việc lượng bài tập giao về nhà học sinh còn ít.
Cô H. cho rằng việc hoàn thành bài tập tùy vào ý thức, sở thích và khả năng của mỗi học sinh. Học sinh nào tự giác thì sẽ có tinh thần tự tìm tòi, học hỏi thêm.
Ngược lại nếu học sinh không muốn, ép quá chỉ phản tác dụng.
"Không cho bài về nhà thì sợ phụ huynh trách không quan tâm học sinh. Mà cho bài tập về nhà thì học sinh chăm thì sẽ làm, học sinh lười thì khó, bởi có giao bài về thì học sinh vẫn nói dối bố mẹ là không có bài về nhà", cô P.H chia sẻ.
Theo cô H. việc học nên được áp dụng đúng phương pháp, đúng thời điểm mới có thể đem lại hiệu quả tốt nhất.
Khi vào guồng quay học tập, chính học sinh sẽ tự điều chỉnh tinh thần và sự tập trung cho các kỳ đánh giá, nhưng lúc được nghỉ ngơi, người lớn nên để tâm trí con trẻ được thoải mái nhất có thể.