Nghiên cứu khoa học hăng say, thành công sẽ đến
“Xây dựng mô hình đánh giá sinh viên tự động nhằm hỗ trợ phương pháp dạy học Kiến tạo xã hội”, “App di động và hệ thống smartcampus với nhiều tính năng”, “Phân tích khuôn mặt cùng fuzzy logic, tư vấn ngành học phù hợp”, có gen Z nào cảm thấy “chút choáng váng nhẹ” trước loạt đề tài nghe vừa hay ho vừa... khó này không? Những đề tài ấy được chính các bạn gen Z sinh viên ĐH FPT nghiên cứu và phát triển thành công, đem đi thi thố tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học FPT Edu hẳn hoi.
Đồng hành cùng các học trò gen Z trên hành trình khám phá khoa học là thầy Nguyễn Gia Trí (Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin, ĐH FPT campus Đà Nẵng). Với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu của mình, thầy Trí đã truyền đạt kiến thức, kỹ năng và tinh thần say mê ấy đến nhiều sinh viên ĐH FPT. Chuyện cùng nhau lập team, “nát óc” nghĩ đề tài, “toát mồ hôi hột” trong quá trình làm việc cùng mentor là thầy Trí đã trở thành những trải nghiệm khó quên của nhiều sinh viên.
“Có nhóm cực kỳ xuất sắc, nhóm khác lại rất nỗ lực, còn có nhóm luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong mỗi làm việc. Hành trình thực hiện đề tài của mỗi nhóm đều khiến mình ấn tượng về kiến thức, năng lực, kỹ năng làm việc tập thể của các bạn”, thầy Trí chia sẻ về trải nghiệm nghiên cứu khoa học cùng sinh viên.
Theo thầy Trí, với những đặc trưng trong môi trường đào tạo tại ĐH FPT như sinh viên được học theo phương pháp Kiến tạo xã hội, tiếp cận miễn phí nhiều khóa học online trên những nền tảng uy tín thế giới đã giúp các bạn rèn luyện ý thức tự học, nâng cao kỹ năng, tự khám phá năng lực bản thân... “Trang bị cho sinh viên kiến thức về công nghệ, kỹ năng nghiên cứu là yếu tố nền tảng giúp các em thực hiện các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tự kiến tạo thành công trong tương lai”, thầy Trí chia sẻ.
Suýt là phi công, “quay xe” thành thầy giáo “chất lừ”
Thầy Nguyễn Phúc Thịnh luôn tự mình đặt ra những câu hỏi: “làm sao để sinh viên không chán học?”, “sinh viên cần gì ở mỗi giờ học?”, “các bạn ấy thích gì?”. Đi tìm câu trả lời qua những lý thuyết về giáo dục nổi tiếng thế giới, cùng trải nghiệm làm việc thực tế, tiếp xúc với sinh viên ĐH FPT, thầy Thịnh ứng dụng phương pháp “trò chơi hóa hoạt động dạy học”. “Mình tìm hiểu về tác dụng của các trò chơi lên tâm lý người học, tìm tòi, nghiên cứu những trò chơi giúp các bạn hào hứng học tập, từ đó cải thiện trải nghiệm và kết quả học tập tiếng Anh cho sinh viên”, thầy Thịnh cho biết.
Luôn mong muốn truyền tải vẻ đẹp của ngôn ngữ tới học trò, thầy Thịnh thể hiện sự hấp dẫn của tiếng Anh qua cách phân tích bài, tương tác với sinh viên, kết hợp trò chơi, câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp. “Mình không bắt các bạn phải thích tiếng Anh ‘dữ dội’ hay phải đạt trình độ cực xịn nhưng đừng ghét bỏ, sợ hãi tiếng Anh. Bởi, ngoại ngữ đem đến nhiều lợi ích cho các bạn, là lợi thế cạnh tranh rất lớn khi bước ra toàn cầu trong xã hội 4.0”, giảng viên ĐH FPT chia sẻ.
Học cùng thầy Thịnh cực hay, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng thầy còn “chất lừ” nữa. Ngày xưa từng học phi công, có lẽ vì thế mà tư duy khoáng đạt, cởi mở khiến thầy Thịnh luôn sẵn sàng trải nghiệm cùng sinh viên trong các hoạt động. Thầy còn đồng hành cùng hẳn một đội core team: người thì thiết kế đồ họa, người làm đối ngoại, bạn khác quản lý đội nhóm lên tới 40 người, thường xuyên có mặt trong các sự kiện do ĐH FPT tổ chức. Tích cực trải nghiệm hoạt động ngoại khóa, sinh viên ĐH FPT bộc lộ những tố chất mình có và học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới: “Ra trường, đi làm, điều mà nhà tuyển dụng mong muốn thấy ở các bạn cử nhân là sự trưởng thành từ những kinh nghiệm có được qua các hoạt động này, bên cạnh kiến thức chuyên môn”, thầy chia sẻ.
Được học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng những giảng viên này, sinh viên ĐH FPT có môi trường trải nghiệm “real hơn cả tô bún riêu” để tích lũy kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng cho những thay đổi để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.