Mới đây, trong chương trình thời sự VTV1 có đưa phóng sự một cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế” vừa được Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức. Cuộc hội thảo đem đến cho các tác giả viết sách giáo khoa những khái niệm bản chất nhất, quan trọng nhất về quy trình và cách thức phát triển sách giáo khoa, làm thế nào để định hướng phát triển năng lực? Hội thảo trên khằng định, sách giáo khoa mới sẽ rất khác so với cuốn sách truyền thống mà toàn bộ thế hệ học sinh được học lâu nay.
Nguồn: VTV.
Sách giáo khoa hiện tại quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, toàn bộ cấu trúc bài học xoay quanh mạch kiến thức. Ví dụ với một tiết dạy Toán, bài học đưa ra Định nghĩa, Chứng minh, Khái quát kiến thức và bài tập thực hành.
Cuốn sách Hướng dẫn học Khoa học Tự nhiên lớp 6 của dự án mô hình trường học mới của Việt Nam là cuốn sách giáo khoa đầu tiên viết theo hướng phát triển năng lực học sinh. Sau khi xác định mục tiêu cụ thể, bài học được thiết kế dựa trên các hoạt động học tập như khởi động để làm quen với nội dung bài học, hoạt động hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng và thực hành. Chủ thể của bài học hướng vào chuyển hóa kiến thức.
Giáo sư Bernd Meier, trường ĐH Potsdam, Đức cho biết: “Sách giáo khoa định hướng năng lực sẽ yêu cầu cao hơn, bên cạnh kiến thức chuyên môn cần ứng dụng chúng vào cuộc sống. Việc xây dựng sách giáo khoa mới sẽ giảm bớt kiến thức chết, kiến thức không cần thiết để tăng cường thời gian giúp học sinh giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống.”
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định, sách giáo khoa thay đổi thì quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh của giáo viên cũng cần được thay đổi.
Bà Eenariina Hamalainen, trường ĐH Timepere, Phần Lan, tác giả viết sách giáo khoa chia sẻ: “Công việc của giáo viên sẽ áp lực hơn trước rất nhiều. Cần tạo ra các thứ bên cạnh sách gồm có bảng biểu, biểu đồ, bảng thống kê hỗ trợ giáo viên để công việc của họ nhẹ nhàng hơn.”
Việc thiết kế sách giáo khoa theo hướng mới cũng đặt ra những thách thức với các nhà biên soạn sách giáo khoa của Việt Nam, từ việc thay đổi tư duy, quan niệm đến việc chuẩn bị các dữ liệu và thiết kế các phương pháp dạy học khác nhau để xây dựng từng bài học sao cho hấp dẫn, hiệu quả, hướng đến phát triển năng lực cho học sinh; tránh sự đơn điệu, khô cứng như hiện nay.