Nhiều nguồn thực phẩm, trong đó có một số lượng lớn rau muống mà chúng ta sử dụng hàng ngày có nguồn gốc ở những vùng đất bị ô nhiễm nặng. Tìm về Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), một trong những địa điểm cung cấp rau xanh cho Hà Nội, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng canh tác rau mà có lẽ bất kỳ ai trông thấy cũng không khỏi rùng mình.
Nằm sát ngay bên cạnh KCN Thăng Long, có lẽ cùng lắm chỉ cách chục mét được ngăn bởi con đường dân sinh, khu ruộng chuyên canh rau muống hiện ra xanh ngút tầm mắt và non mơn mởn. Cách đó không xa, những miệng cống xả thải của các nhà máy với đầy đủ các chất thải đen, vàng, trắng đục… xối xả tuôn bọt xuống kênh, mương đen ngòm, đục ngầu.
Khi được tưới bằng thứ nước bẩn này, lúc cây chưa chuyển hóa hết các chất hữu cơ, rau dễ bị nhiễm các chất kim loại nặng và nitrat. Theo tìm hiểu, sự dư thừa các chất này không những có hại cho cây mà còn gây nguy cơ ung thư cho người ăn rất cao.
Tương tự, tại Thanh Trì-một vựa ra cũng khá nổi tiếng ở Hà Nội-cảnh tượng trồng rau muống ở đây còn khiến người ta hãi hùng hơn. Những bãi rau muống tốt um, xanh mướt mọc ngay bên bờ những dòng kênh, mương bẩn thỉu ngập ngụa rác và chất thải.
Nước ở những kênh, mương này bẩn tới mức dường như không có loại sinh vật nào tồn tại dưới đó được, thế mà nó lại được tận dụng để…tưới cho rau. Theo tìm hiểu, nguồn nước tại đây chính là nước thải qua hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ nên mới ô nhiễm như vậy.
Không chỉ “nuôi” rau bằng rãnh nước đen kịt, xám ngắt, lềnh bềnh nổi vô số cặn váng không thể bẩn hơn, người nông dân ở những khu vực này còn lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại.
Chị Thảo-công nhân KCN Thăng Long, người thuê trọ ở khu vực thôn Mai Châu, xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) tiết lộ: “Rau muống ở đây người ta toàn phun thuốc, hết thuốc sâu trừ sâu rồi thuốc kích thích, rau càng non, càng mướt lá thì càng phải cảnh giác…”. Thế nhưng, khi hỏi chuyện, hầu hết người trồng rau ở đây đều khẳng định rau nhà mình là rau sạch.
Để tìm hiểu rõ thực hư cũng như “tận mục sở thị”, chúng tôi đi sâu vào từng khu ruộng rau muống. Qủa thực, không khó để bắt gặp những bao bì thuốc vứt ngổn ngang với nhiều cái tên như: Diophos 666 EC, Apphe.666, Nimaxon 200SL, Amico…
Tất cả các loại thuốc trên đều có công dụng trừ sâu với những dòng khuyến cáo in đậm trên bao bì “cực độc”, “cực mạnh”, “độc cao”. Đặc biệt trong số đó, có cả thuốc trừ sâu Cóc chúa của Cty Cổ phần công nghệ hóa chất Nhật Bản với lời khuyến cáo “Nguy hiểm” ghi khá to cùng câu quảng cáo: “Cóc chúa tới đâu sạch sâu tới đó”.
Cũng không khó để bắt gặp những ruộng rau muống được bao quanh bởi những bờ cỏ được phun thuốc chết cháy vàng, nhưng lạ thay khi ngay cạnh đó, rau muống không chết mà vẫn cứ… xanh mơn mởn.
Theo chính những người đi hái rau tại Đông Anh và Thanh Trì thì 100% số rau ở những khu vực này đều có một điểm đến chung đó là các chợ đầu mối ở Hà Nội. Ngoài ra có một số lượng không nhỏ được bán quanh những nơi tập trung các hàng cơm, quán bia, những chợ có mật độ đông công nhân và những người thu nhập thấp. Cũng có một số ít các tay lái rau cũng từ tận Hà Nội về tận nơi lấy hàng vào các buổi sáng sớm.
Trong bối cảnh VSATTP đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay, người dân như đứng trước “mê cung” khi ngày ngày không biết mình nên mua gì về làm thực phẩm cho gia đình mình. Có rất nhiều loại rau, trong đó có rau muống không đảm bảo VSATTP vẫn được cung cấp cho thị trường mà không hề được kiểm tra, thẩm định nguồn gốc.
Người tiêu dùng thì vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm chọn rau sâu, xấu mã, kém non nhưng như thế mới an toàn. Nhưng mới đây, “tiểu xảo” dùng chổi quét rau tạo lỗ sâu giả của một số nông dân bị phát hiện khiến dư luận một lần nữa nghi ngờ và hoang mang, còn các bà nội trợ thì “ngã ngửa” với những mẹo chọn thực phẩm mà mình hằng tin tưởng. Vậy nên, người tiêu dùng phải thận trọng hơn nữa khi mua những loại rau này, bởi không khéo lại rước họa vào thân.