Cách đây chục năm, người dân khu Tỏm, ấp An Hoà, xã Bình Hoà Bắc (Đức Huệ, Long An) không khỏi ngỡ ngàng trước tin 4 gia đình sống sát cạnh nhau trúng độc đắc gần 10 tỷ đồng. Theo đó 4 gia đình nghèo khó nhưng đùm bọc và giúp đỡ nhau. Họ sống chân thành nên được dân làng quý mến và thương xót nhiều bởi làm mãi chẳng thể khấm khá nổi!
Chị Vui (SN 1969) – người bán vé số kiêm thợ cắt tóc chính là quý nhân mang đến “lộc trời” cho họ và gia đình chị. Ngày ấy, nhà chị và 3 gia đình còn lại trong xóm đều chung cảnh khốn khó. Chị từng cho biết trên Đời sống và Hôn nhân: “Vợ chồng chị Phương đông con, chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Anh Tính có vợ bị tai biến nhiều năm. Nhưng bất hạnh nhất phải kể đến ông Khải không vợ, cả đời dành tình yêu thương nuôi dạy cho đứa cháu mồ côi mẹ cùng cha già mắc ung thư. Còn vợ chồng tôi đến khu Tỏm sau cùng với hai bàn tay trắng”.
Về gia cảnh của chị Vui, chị cho biết anh Khanh – chồng chị ngày nào cũng lênh đênh trên dòng sông Vàm Cỏ Đông đánh cá rồi mang ra chợ bán. Những ngày thất thu, anh lại cưỡi con xe cà tàng ra ngã tư thị trấn hành nghề xe ôm. Chị sau 3 tháng học nghề cắt tóc ở Sài Gòn đã về nhà mở một tiệm nhỏ rồi lấy thêm vé số tranh thủ bán dạo quanh ấp.
“Trước ngày trúng độc đắc, tai họa đã bất ngờ ập xuống gia đình tôi. Hôm đó có người khách đi đường thuê ông xã chở về Tân An lúc chập tối.
Quãng đường dài 50km và đi qua con đường vắng vẻ, từng xảy ra vụ cướp giật. Trên đường về qua huyện Thủ Thừa, anh đã bị một người đàn ông đi xe máy ngược chiều tông vào. Kẻ đó đã chạy thoát, bỏ mặc anh nằm bất động.
Gần 3 tháng chồng nằm bệnh viện, tôi phải chạy vay mượn bà con lối xóm mới đủ tiền trang trải. Vì thế tôi đã nợ một số tiền lớn nhưng vẫn lạc quan bởi suy nghĩ của có thể mất chứ người còn là còn tất cả”, chị Vui tâm sự.
Để có tiền trang trải nợ nần cũng như thuốc thang cho chồng, chị Vui đã rao bán ngôi nhà và được người trong làng mua lại. Chủ mới thương gia đình chị không còn nơi để đi đã đồng ý cho ở nhờ.
Đúng lúc khánh kiệt, chị Vui đã may mắn chạm tới “lộc trời” khi trúng độc đắc đến 3 tờ vé số. “Bữa đó tôi lấy 50 tờ vé số tranh thủ rảnh đi bán kiếm chút tiền mua thuốc bổ cho ông xã. Mọi hôm tôi đi bán đến 15h là hết sạch, vậy mà hôm ấy lại ế 6 tờ vé cùng dãy số. Trùng hợp thế nào, ông Khải, chị Phương và anh Tính lại ra quán của tôi ngồi tám chuyện. Tôi đã than vãn ế hàng nên mọi người mua chịu mỗi người một tờ, còn lại 3 tờ.
Ngờ đâu tối đó đài xổ giải đặc biệt về đúng dãy số của chúng tôi. Tôi được 4.5 tỷ đồng, 3 người hàng xóm trúng 1.5 tỷ đồng/người”, chị Vui nhớ lại.
Sau khi lĩnh thưởng, chị Vui đã mua lại ngôi nhà từng bán và trả sạch nợ nần. Anh Khanh không phải lênh đênh trên chiếc thuyền đánh cá như trước nữa. Anh đã sắm xuồng máy đi chở hàng, chị mở một salon tóc ở thị trấn.
Đáng nói, “đổi đời” nhờ trúng số song 4 gia đình ấy vẫn giữ nếp sống tằn tiện như trước. “Phải nghèo đói mới biết trân trọng giá trị đồng tiền. Tôi nghĩ nếu cứ ăn chơi, dựa vào số tiền trúng số thì chẳng mấy lại nghèo thôi! Vì thế vợ chồng tôi vẫn bảo ban nhau làm lụng, để dành tiền lo cho các con và tương lai sau này”, người đàn bà miền Tây thành thật.
Cũng theo chị Vui, vợ chồng chị Phương đã lo được cho con cái có cuộc sống ổn định, anh Tính có tiền đưa vợ đi bệnh viện chữa trị. Còn ông Khải đặc biệt hơn cả, mang tiền đi xây cầu bắc qua những con kênh và làm đường mới cho dân ấp. Số tiền còn lại ông mua mảnh đất dự định xây dựng ngôi nhà nhỏ tá túc. Nhưng số phận trớ trêu, miếng đất ông mua là đất nông nghiệp và không được phép sử dụng vào mục đích khác. Ông chán nản đã bỏ về Vĩnh Tường (Mộc Hóa) sinh sống và kết duyên với người phụ nữ đã lỡ một lần đò.