Đêm 24/12, ánh sáng ngập tràn con đường, hẻm nhỏ... Những cây thông Noel được đặt trước cửa hàng, trái châu lấp lánh nhiều màu gieo niềm vui vào mắt trẻ nhỏ, phố xá rộn ràng tiếng nói cười, dòng người đổ về trung tâm thành phố. Một mùa Noel lại về.
Vào thời khắc đẹp đẽ đó, người ta đã cùng nhau đến nhà thờ, thì thầm nguyện cầu "bình an". "Chỉ cần bình an..." là ước mong của nhiều người, đặc biệt là khi chúng ta đã trải qua cơn dịch bệnh kinh hoàng.
Đêm giáng sinh lặng lẽ
Đoạn đường Phạm Thế Hiển (quận 8) bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường đổ xuống kéo dài đến cầu Bà Tàng lúc nào cũng đông đúc, rộn ràng tiếng nói cười.
Mọi năm, đây là địa điểm vui chơi, thu hút nhiều người ghé tham quan, chụp ảnh. Trước mỗi ngôi nhà, người ta trang trí đèn lấp lánh, hang đá, cây thông... khiến cho cả con đường rộn ràng không khí giáng sinh.
Dịch Covid-19 đi qua, xóm đạo không còn đông đúc như trước nữa. Nơi đây, có những ngôi nhà đã vắng bóng người thân, có những gia đình vừa gượng dậy sau cơn dịch bệnh kinh hoàng.
Anh Đào Tuyền Lâm (SN 1986) chia sẻ: "Nhà mình ở đường Bùi Minh Trực, một nhánh rẽ vào Phạm Thế Hiển. Năm nào cũng trải qua cảm giác "kẹt xe" khi người ta đổ về một đông. Cứ tầm ngày 20, người dân sẽ giăng mắc dây đèn, đặt cây thông Noel, trang hoàng nhà cửa. Năm nay, do dịch Covid-19, người ta không còn háo hức như trước, phần vì cũng muốn giảm lượng khách tham quan đông đúc.
Phố xá vẫn thế, chỉ có con người là đổi thay. Theo mình biết, nhiều gia đình cũng vừa mất người thân trong đợt dịch Covid-19. Noel đối với họ vắng đi một tiếng cười, một giọng nói...".
Đi dọc đường Phạm Thế Hiển, bạn vẫn sẽ thấy những ngôi nhà, giáo đường được trang hoàng lộng lẫy mừng giáng sinh. Tuy nhiên, lượng khách đổ về chỉ khoảng 60% so với mọi năm.
Bà Duyên (65 tuổi) là một người phụ nữ bán nước mía trước chung cư thuộc đường Phạm Thế Hiển (quận 8) cho biết: "Trong mùa dịch vừa qua, giáo xứ đã dành nhiều sự giúp đỡ cho những gia đình có người thân ra đi vì dịch Covid-19. Riêng tôi, suốt 6 tháng nằm nhà khó khăn trăm bề phải gượng dậy làm lại cuộc đời. Mùa dịch đi qua, tôi quan niệm rằng chỉ cần sức khỏe, bình an, tiền bạc có mất mát cũng không sao".
"Bình an cho người ở lại"
Mọi năm, nó sẽ đón Noel cùng ba và má. Ba dù bận rộn ở sở làm cỡ nào, nhưng đúng boong 6 giờ tối sẽ có mặt ở nhà. Má nó cũng không nấu cơm, cả nhà kéo nhau ra tiệm ăn lót dạ, rồi ùa xuống đường chơi Noel.
Cây thông xanh, trái châu vàng, ông già Noel mùa đỏ, nụ cười của má, cái ôm của ba... Tất cả là những kí ức êm đềm nhất của nó trong các mùa giáng sinh. Sài Gòn không lạnh, nhưng cái không khí se se, mát mẻ đủ khiến con người cảm thấy dễ chịu, kịp nhận ra đây là mùa lễ hội đặc biệt nhất năm. Và nó cũng thế.
Dịch Covid-19 đi qua, nó không còn ba nữa, má cũng không muốn bước chân ra đường. Nó biết má không ngại xe cộ đông đúc, má chỉ sợ đôi chân lạc bước vào những miền kí ức êm đềm ngày xưa, nơi đó có ba. Đó là tâm sự của em T.T.K.D (ngụ quận 8, TP.HCM).
Giáng sinh là một dịp đặc biệt, để các cặp đôi trai gái có cơ hội đan tay nhau, để những cặp vợ chồng ôn lại kỉ niệm, để những gia đình vui chơi, để niềm vui đọng lại trong kí ức con trẻ.
Noel năm 2021 là một Noel đặc biệt với người Sài Gòn, khi người ta vừa bước qua một cơn dịch bệnh có mất mát lẫn thương đau. Khép lại những kí ức đó, người ta đã nhận ra ra "bình an" chính là điều quý giá nhất.
Bạn Thủy Vy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nói: "Nhà mình vừa vượt qua Covid-19. Mọi năm, vào các mùa lễ hội như Noel, Tết... người ta thường nguyện cầu tiền bạc, sức khỏe, công danh hay những điều suôn sẻ như ý nguyện. Tuy nhiên, năm nay, mình chỉ cần bình an mà thôi. Bình an để bước tiếp. Bình an để tiếp tục đón năm mới tràn đầy nhựa sống mới".