Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 10/3, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Sau hơn 1 tuần lập lại trật tự, nhiều tuyến phố trở nên sạch sẽ và thoáng đãng hơn. Tuy vậy, trên phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội (gần cổng phụ Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn tồn tại ngôi nhà “ôm trọn vỉa hè” khiến người đi bộ phải lách qua một khe nhỏ giữa nhà này với một nhà khác, hoặc sẽ phải đi xuống lòng đường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là căn nhà của cô Vũ Thanh Hải (60 tuổi). Nhiều lần lực lượng chức năng yêu cầu tháo dỡ ngôi nhà để giải phóng mặt bằng, trả lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên đến nay phần diện tích này vẫn “bình an vô sự”.
Cô Hải cho hay căn nhà này được xây dựng từ năm 1991, có đăng ký tạm trú tạm vắng đầy đủ. “Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và 2013 thì đất nhà tôi được hợp thức hóa thành đất ở. Tuy nhiên, thời điểm cấp sổ đỏ năm 2007 trùng với thời điểm giải phóng mặt bằng để làm đường Nguyễn Phong Sắc cho nên gia đình không được cấp sổ đỏ”.
“Gia đình có 3 anh em từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bản thân lại là giáo viên về hưu. Tôi không bao giờ cản trở chủ trương dọn sạch vỉa hè, lòng đường của Thành phố. Ở thời điểm này, tôi mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết thỏa đáng để gia đình sớm ổn định cuộc sống“, cô Hải nói thêm.
Căn nhà của cô Hải không phải là trường hợp duy nhất “ôm trọn vỉa hè” trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trước đó căn nhà tại địa chỉ số 27 đường Tôn Đức Thắng (Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) có trụ cột ăn ra sát mép đường nhưng lực lượng chức năng không thể “ra tay” xử lý.
Được biết đây là phần diện tích đất nằm trong sổ đỏ được cấp giấy chứng nhận hồ sơ gốc từ hàng chục năm nay. Để đánh dấu chủ quyền sở hữu của mình, chủ nhà tiến hành đổ 2 trụ cột ra hết phần đất của mình, song vẫn cho người đi bộ qua.
Đất sử dụng ổn định từ trước năm 1993 có được cấp GCNQSD đất không?
Điều 50 Luật Đất đai quy định:
Hộ gia đình, cá nhân có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật Đất đai thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất;
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất;
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Như vậy, theo các trường hợp nêu trên thì khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bạn cần có xác nhận của UBND cấp xã về việc: Đất không có tranh chấp; Đất không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất.