Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mấu chốt quyết định số phận Trung Nguyên hậu ly hôn

Cả ông Vũ và bà Thảo đều muốn nắm giữ Trung Nguyên. Nếu ông Vũ cho rằng ông và gia đình là linh hồn của thương hiệu cà phê này thì bà Thảo cũng cho rằng mình góp nhiều công sức.

Vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên tiếp tục được TAND TP.HCM phân xử vào sáng 27/3. Bên cạnh sự chú ý về khối tài sản kếch xù của ông Vũ và bà Thảo sẽ được phân chia ra sao, dư luận còn quan tâm về câu chuyện hậu ly hôn: Thương hiệu Trung Nguyên đi về đâu?

Tại tòa, ông Vũ nhiều lần khẳng định Trung Nguyên là đứa con tinh thần của ông và ông muốn phát triển thương hiệu này đi theo chiến lược toàn cầu: “Tiền bạc gia đình này đâu có thiếu. Cô muốn lấy gì thì lấy, để cho Qua phát triển Trung Nguyên đúng như cái tầm nhìn của nó”.

Bà Thảo cũng chia sẻ mong muốn cuộc ly hôn nhanh chóng kết thúc để phát triển Trung Nguyên: “Chúng ta ai cũng mong muốn giữ gìn thương hiệu của đất nước, nhưng tôi là người trong cuộc thì tôi sẽ cố gắng duy trì sự phát triển của Trung Nguyên”.

Bà Thảo kiểm soát Trung Nguyên nếu…

Mấu chốt quyết định người nắm quyền quản lý Trung Nguyên chủ yếu nằm ở tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment). Doanh nghiệp này nắm 70% cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, có thể chi phối mọi hoạt động tại đây.

Cơ cấu sở hữu hiện nay tại Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ đang nắm giữ 61,66%, bà Thảo nắm 30%, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) có 6,68% và một cá nhân ẩn danh sở hữu 1,66%. Cơ cấu sở hữu này được hình thành sau khi ông Đặng Mơ (bố ông Vũ) mất.

Loại trừ số cổ phần 1,66% ông Vũ kế thừa từ bố, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90% (gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo).

Nếu Tòa chia theo phương án của bà Thảo, quyền kiểm soát Trung Nguyên sẽ thuộc về bà. Ảnh: Lê Quân.

Nếu Tòa phán quyết chia theo phương án của bà Thảo, cụ thể là bà Thảo sở hữu 51%, Vũ 39% trong Trung Nguyên Investment thì sau ly hôn, ông Vũ sẽ chỉ còn nắm 40,66%.

Trong trường hợp này, bà Thảo sẽ nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment, và qua đó chi phối Trung Nguyên Group và các công ty con khác.

Chia đôi, ông Vũ có quyền điều hành Trung Nguyên?

Một phương án khác thường được Tòa lựa chọn là chia đôi theo tỷ lệ 5:5 khi hai bên không thỏa thuận được.

Nếu phân chia theo tỷ lệ này, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Ngay cả khi bà Thảo được sự ủng hộ của cổ đông ẩn danh (1,66%) thì bà cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment.

Ông Vũ và mẹ ông nắm tối thiểu 53,34% cổ phần. Như vậy, ông Vũ sẽ vẫn là người nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp chìa khóa, quyết định vận mệnh của Trung Nguyên.

Chia theo tỷ lệ 50:50 thì ông Vũ vẫn không toàn quyền quyết định hoạt động của Trung Nguyên.

Tuy nhiên, theo quy định tại luật Doanh nghiệp, với việc sở hữu trên 35% cổ phần, bà Thảo vẫn có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông Trung Nguyên Investment.

Trong trường hợp này, ông Vũ vẫn không có quyền quyết định hoàn toàn các vấn đề của Trung Nguyên.

Ông Vũ nắm Trung Nguyên nếu…

Nếu Tòa chia theo phương án của ông Vũ là 7:3, sau ly hôn, ông sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần là tài sản riêng được thừa kế), và bà Thảo chỉ còn 27%.

Việc nắm giữ tỷ lệ cổ phần này sẽ giúp ông Vũ nắm quyền chi phối tuyệt đối các hoạt động của Trung Nguyên Investment và qua đó chi phối cả Trung Nguyên Group và các công ty con khác.

Trong trường hợp Tòa phán quyết chia 5:5 nhưng tuyên theo hướng như ông Vũ nhiều lần đề nghị thì ông Vũ vẫn có quyền nắm Trung Nguyên. Đó là ông Vũ muốn bà Thảo nhường lại số cổ phần mà bà đứng tên rồi ông sẽ thanh toán lại bằng tiền.

Ông chủ Trung Nguyên viện dẫn theo Điều 64 luật Hôn nhân và Gia đình: “Vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng”.

Phương án này tất nhiên đã không được bà Thảo đồng ý tại Tòa.

Mâu thuẫn của vợ chồng Trung Nguyên sẽ kéo theo sự phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Lê Quân.

Với mâu thuẫn đến mức phải kéo nhau ra Tòa, thật khó lòng để sau ly hôn ông Vũ và bà Thảo có thể cùng nhau hợp tác xây dựng và phát triển Trung Nguyên. Nhất là khi nguyên nhân chính khiến hai vợ chồng này muốn “đường ai nấy đi” là do các mâu thuẫn về chiến lược phát triển kinh doanh.

Nếu theo dõi diễn biến phiên tòa, bạn đọc sẽ thấy cả ông Vũ và bà Thảo đều không muốn mất vị trí, vai trò của mình ở Trung Nguyên. Vậy hóa giải “điểm nghẽn” này thế nào, gánh nặng đặt lên vai HĐXX.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vietnam Coffee: Chính thức ra mắt sản phẩm mới - nâng tầm cà phê Việt