Kinh doanh

Từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Điều cần biết để không bị 'ngập nợ' vì thẻ

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Với những người muốn sử dụng hoặc đang sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Những ngày vừa qua, sự việc người đàn ông ở Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm chưa trả, dư nợ hiện tại lên hơn 8.8 tỷ đồng khiến dư luận không ngừng xôn xao bàn tán.  

Vụ việc làm nhiều người hoang mang, đổ xô đi kiểm tra để xem bản thân có khoản nợ xấu từ thẻ tín dụng nào đó hay không? Theo chuyên gia, việc sử dụng thẻ tín dụng rất phổ biến ở các thành phố lớn bởi sự thuận tiện, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết cách thức sử dụng và phương thức tính lãi của loại thẻ này.  

Vậy đối với những người muốn sử dụng hoặc đang sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Điều cần biết để không bị 'ngập nợ' vì thẻ Ảnh 1
Hình minh họa 

Lãi phạt trả chậm sẽ không dừng lại  

Các khoản nợ vay tiêu dùng từ thẻ tín dụng thường không có tài sản đảm bảo. Các ngân hàng cũng luôn trong tình trạng “đau đầu” với những khoản nợ xấu này.

Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện truyền thông của một ngân hàng thương mại cho biết trong trường hợp khách hàng không đủ tài chính để thanh toán nợ tín dụng quá hạn, nhà băng sẽ xem xét dựa trên đề nghị của khách hàng và chính sách của ngân hàng để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất.

Tại VietinBank, ngân hàng đang rất muốn bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ do các khoản nợ xấu này đã bị nhảy nhóm 5 (không có khả năng thu hồi).

Ngày 1/3 vừa qua, nhà băng này thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của 500 khách hàng cá nhân. Danh sách này tăng lên gần gấp đôi so với thông báo bán nợ vay tiêu dùng hồi tháng 11 năm ngoái và gấp 6 lần so với danh sách công bố hồi tháng 6/2022.

Các khoản nợ này trị giá từ vài triệu đồng đến 150 triệu đồng và đều không có tài sản đảm bảo.

Trong thông báo bán nợ, các ngân hàng cho biết, giá trị sổ sách của khoản nợ thường được xác định tại một thời điểm trước ngày rao bán nợ. Nợ lãi và lãi phạt trả chậm vẫn tiếp tục phát sinh cho đến khi khoản nợ được bán hoặc khách hàng thanh toán hết nợ gốc và lãi.

Từ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Điều cần biết để không bị 'ngập nợ' vì thẻ Ảnh 2
Hình minh họa 

Lãi suất phạt quá hạn rất cao

Với việc vay qua thẻ tín dụng, các ngân hàng đều có chính sách 45-55 ngày miễn lãi cho người sử dụng. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách hàng không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Quá hạn dù 1 ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng.

Mức lãi suất cũng được các ngân hàng áp dụng với từng loại thẻ khác nhau. Lãi suất tại Techcombank từ 19,8-38,8%/năm, tại VPBank từ 26,68-45%/năm, tại VIB từ 14,64-35,52%/năm, tại MB từ 12-22,9%/năm.

Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau, thường được chia theo giai đoạn.  

Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp bất khả kháng, ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng trả nợ theo quy định của từng ngân hàng.

Đồng thời, khi trường hợp này xảy ra, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống CIC, bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại ngân hàng. Ngoài ra, dù đã thanh toán xong dư nợ nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu thì khách hàng sẽ mất từ 2-5 năm mới có thể tiến hành vay vốn ngân hàng. Trong khoảng thời gian này, khách hàng cũng sẽ bị hạn chế tham gia tất cả khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính.  

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất