Sắc màu Cuộc Sống

Dầu cá của Mỹ và Việt Nam cũng ăn mòn được xốp

Chia sẻ

Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 7/1 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức thực nghiệm với ba loại dầu cá xuất xứ Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

Kết quả cả ba loại dầu cá đều ăn mòn xốp, loại ăn mòn nhiều nhất còn làm thủng miếng xốp.

Daucaanmonxop

Thực nghiệm cho thấy dung dịch trong viên dầu cá các xuất xứ đều làm thủng miếng xốp - Ảnh: Lan Anh

Trong khi đó, hàng trăm bạn đọc đã phản hồi về Tuổi Trẻ bày tỏ nỗi lo ngại về hiện tượng dung dịch trong viên thực phẩm chức năng dầu cá omega-3 “ăn” mòn miếng xốp ở Quảng Ngãi hôm 6/11.

Loại nào cũng làm thủng xốp!

Trước sự chứng kiến của báo giới, hai kỹ thuật viên của Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy dịch trong viên dầu cá xuất xứ Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam đổ lên miếng xốp.

Kết quả khiến báo giới ngạc nhiên (thời điểm chiều 7/1) là cả ba loại dầu cá đều ăn mòn xốp, trong đó dầu cá Mỹ ăn mòn mạnh nhất, làm thủng miếng xốp, sản phẩm của Việt Nam ăn mòn sâu và ăn mòn ít nhất là dầu cá Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, nhưng để như vậy thì dầu cá dễ bị phân hủy. Để đảm bảo ổn định, các loại dầu cá đều được ester hóa.

Hiện tượng ăn mòn tấm xốp là phản ứng của chất béo ester hóa với sản phẩm có thành phần polystyrene (như miếng xốp), thời gian ăn mòn nhanh hay chậm là tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau.

“Trong cơ thể người không có thành phần polystyrene như miếng xốp nên khi sử dụng dầu cá không có tương tác ăn mòn” - ông Phong cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia công nghệ thực phẩm - cho biết dầu cá thực phẩm là một loại chất béo, được trích ly từ mỡ cá, gan cá tự nhiên (chứa nhiều omega-3, vitamin A - có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch và giúp sáng mắt).

Cũng theo ông Thịnh, việc thí nghiệm dầu cá ăn thủng miếng xốp không thể lấy đây là tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm vì xốp và cơ thể người khác nhau.

Việc xác định sản phẩm này có đạt chất lượng hay không đã có cơ quan chức năng, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, đứng ra đánh giá, kiểm định bằng các phương pháp khoa học. Do đó, người dân không cần hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng.

Lo ngại thực phẩm chức năng giả

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay qua kiểm tra ban đầu, số công bố trên hai lọ dầu cá được gửi tới Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi không đúng với số công bố sản phẩm của Công ty Ngôi Sao Việt. Kiểm tra tại Công ty Ngôi Sao Việt cũng không phát hiện sản phẩm giống sản phẩm ở Quảng Ngãi.

Ông Phong nhận định sản phẩm dầu cá được gửi tới Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi là sản phẩm giả.

Vấn đề là thực phẩm chức năng giả đang xuất hiện rất nhiều và gây tác hại không nhỏ tới sức khỏe, do bà con vốn đánh đồng thực phẩm chức năng với… thuốc bổ nên thường tích cực sử dụng.

Tại hội thảo gần đây về thực phẩm chức năng giả, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết các sản phẩm chức năng hỗ trợ tim mạch, xương khớp, tăng cường sinh lực và giảm béo là nhóm sản phẩm hay bị làm giả nhất.

Theo ông Phong, hiện website của Cục An toàn thực phẩm (địa chỉ www.vfa.gov.vn) có đăng tải số công bố chất lượng, ngày công bố, công ty công bố của tất cả các loại thực phẩm chức năng đã công bố chất lượng tại Việt Nam.

“Trường hợp bà con nghi ngờ, hãy tra cứu trên website và báo tin cho chúng tôi nếu ghi nhận hàng giả, hoặc có sai phạm về ghi nhãn, chất lượng” - ông Phong cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý rất khó có khả năng xảy ra việc ngộ độc dầu cá (chỉ xảy ra khi bổ sung với số lượng lớn vài gam/lần) thế nhưng cũng giống như sử dụng thuốc, việc sử dụng dầu cá cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng và chỉ định của bác sĩ (nếu có).

Tuyệt đối không sử dụng hàng trôi nổi, nhãn mác không rõ ràng hay quá hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm qua kiểm tra nhanh dầu cá xuất xứ Úc, Mỹ, Việt Nam… trên thị trường tính đến ngày 7/1, chưa phát hiện sản phẩm có vi phạm chất lượng.

Cần thêm ý kiến chuyên môn

Hiện nay có hai loại dầu cá chứa omega-3: loại thiên nhiên chứa omega-3 dạng triglycerid và loại chế biến chứa omega-3 dạng ethyl ester. Các nhà sản xuất hai loại dầu cá này thường cạnh tranh và bài bác lẫn nhau. Một chi tiết phe bài bác dầu cá dạng ethyl ester là nêu “thử nghiệm làm bào mòn tách chế tạo bằng mút xốp”.

Theo thử nghiệm này, nhỏ dầu cá dạng ethyl ester vào tách làm bằng mút xốp, sau một thời gian sẽ thấy mút xốp bị bào mòn, nếu thành tách mỏng có thể làm thủng tách trong vòng 5 phút.

Phe bênh vực dầu cá dạng ethyl ester đã đăng bài báo trên mạng cho thấy hai loại dầu cá thiên nhiên và chế biến kể trên đều có tác dụng và độ an toàn như nhau.

Riêng hiện tượng bào mòn mút xốp, cả hai dầu cá thiên nhiên và chế biến, kể cả vài loại dầu ăn thông thường đều có thể gây hiện tượng này, chỉ khác về thời gian gây hiện tượng đó.

Trong hóa học có một nguyên lý: những phần giống nhau có thể hòa tan lẫn nhau. Dầu cá chế biến có chứa acid béo có phần gọi là không phân cực tương đồng với phần không phân cực của mút xốp (là polymer có tên là polysterene) sẽ làm bào mòn mút xốp.

Dầu cá chế biến có dạng ethyl ester chứa nhiều acid béo omega-3 hơn, đặc biệt chứa acid béo DHA nhiều hơn so với dầu cá thiên nhiên nên có tác dụng bào mòn nhanh hơn.

Như vậy, dầu cá thiên nhiên chứa omega-3 vẫn có thể làm bào mòn mút xốp. Đồng thời, trong cơ thể con người không có cơ quan nào có cấu trúc giống như mút xốp.

Tuy nhiên, thiết nghĩ các nhà khoa học trong nước, đặc biệt các chuyên gia về hóa học nên cho thêm ý kiến về vấn đề này.

PGS.TS.DS NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nhiều người thử nghiệm

Trước thông tin dầu cá omega-3 ăn thủng tấm xốp, nhiều người cũng thử nghiệm việc đổ dầu cá lên xốp, hầu hết ai cũng gặp hiện tượng tấm xốp bị ăn mòn.

Đưa cho chúng tôi tấm xốp chằng chịt lỗ, ông T.V.T. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói hai ngày nay vợ chồng ông lo lắng mất ăn mất ngủ. Hai tháng trước, ông tìm mua một hộp dầu cá tại chợ bán sỉ thuốc ở Q.10. Mỗi ngày hai vợ chồng uống mỗi người một viên.

Một tháng trước, người quen ở Mỹ mang về tặng một hộp dầu cá. Ông T. đem cả hai loại dầu cá ra thử. Trong khi loại dầu cá ông mua ăn mòn xốp thì loại được tặng không hề hấn gì. Hiện vợ chồng ông T. chuyển sang uống lọ dầu cá được tặng.

TS Huỳnh Khánh Duy - khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết hiện tượng dầu cá omega-3 ăn thủng tấm xốp là bình thường, một số nước đã quan tâm tới vấn đề này từ lâu.

TS Duy khẳng định: chuyện dầu cá hòa tan tấm xốp không liên quan đến sức khỏe của người dùng. Dạ dày của người không phải nhựa nên khi uống không ảnh hưởng gì. Dầu cá chỉ có hại cho sức khỏe khi trong đó có chứa các loại độc tố, tạp chất kim loại khác hoặc một số dung môi.

“Thực tế có những loại dầu không hòa tan được styrene chưa chắc đã an toàn” - ông Duy chia sẻ.

Trong khi đó theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), thì ăn cá tốt hơn dầu cá. Người dùng có thể bổ sung omega-3 bằng cách ăn cá như cá ngừ, cá ngân, cá bạc má, cá hồi, cá thu… từ 3-5 lần/tuần.

Ngoài ra, có thể bổ sung omega-3 bằng những loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu mè, dầu ôliu… Tuy nhiên sử dụng các loại dầu để bổ sung omega-3 không tốt bằng ăn cá.

TIẾN LONG - THÙY DƯƠNG

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất