Sắc màu Cuộc Sống

Vụ nữ sinh lớp 10 bị cưa chân: Ai phải chịu trách nhiệm cho tội ác này?

Chia sẻ

Theo gia đình nữ sinh Hà Vi, ngoài bác sĩ trực tiếp bó bột cho thiếu nữ này đã bị đình chỉ công tác thì Ban giám đốc bệnh viện Cư Kuin phải chịu trách nhiệm vì thái độ thờ ơ, chủ quan trong công tác điều trị và lưu giữ bệnh nhân này nhiều ngày dẫn đến hậu quả cô bé phải bị cưa bỏ một chân.

Sáng 16/3, tiếp xúc với phóng viên tại bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình nữ sinh Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện tâm lý của nữ sinh này đã ổn định và khá bình tĩnh sau khi biết tin mình bị cưa mất một chân do sự tắc trách của bệnh viện đa khoa Cư Kuin.

“Mỗi đêm khi hết thuốc giảm đau, Vi kêu khóc vì chân bị cưa đau nhức cả đêm khiến gia đình không ai cầm được nước mắt. Nhưng khi bớt đau, thấy mọi người ai cũng buồn bã vì tình trạng của mình, em liên tục động viên cha mẹ cố gắng vượt qua. Em ấy hứa sẽ khỏe và sống tốt nên cha mẹ đừng khóc nữa”, chị Thùy Trang, chị ruột của Vi buồn nói.

Bệnh viện đa khoa Cư Kuin, nơi bé Vi điều trị gãy chân vì tại nạn nhưng sau đó phải cưa chân vì sự tắc trách của bác sĩ.

Bệnh viện đa khoa Cư Kuin, nơi bé Vi điều trị gãy chân vì tại nạn nhưng sau đó phải cưa chân vì sự tắc trách của bác sĩ.

Ông Lê Văn Long (43 tuổi, cha ruột của Vi) chia sẻ, tình trạng của Vi ra nông nổi hiện nay thì trách nhiệm không chỉ thuộc về bác sĩ trực tiếp bó bột là Y Tâm mà Ban giám đốc bệnh viện Cư Kuin, trực tiếp là giám đốc Nguyễn Văn Tâm cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm gây ra nỗi đau cho nữ sinh lớp 10 này.

Theo cha bé Vi, trong ngày bác sĩ Y Tâm bó bột cho Vi, con gái của ông báo là bột quá chặt khiến bé bị đau khóc nhiều nhưng Y Tâm nói là không sao, phải bó chặt như vậy thì mới nẹp được xương chân bị gãy rồi đưa Vi về phòng nghỉ.

“Thấy Vi bó bột đau quá, khóc nhiều nên gia đình lo lắng, chạy tìm bác sĩ Y Tâm nhưng không gặp được. Xót con quá nên tôi buộc vào phòng gặp giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Tâm nhưng ông ấy bảo không sao hết, cứ yên tâm vì bệnh viện từng chữa trị nhiều trường hợp như vậy, chỉ cần kê chân bị gãy lên cao hơn người cho máu lưu thông rồi sáng mai sẽ mổ”, ông Long kể lại.

Dù chân Hà Vi xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nhưng bệnh viện Cư Kuin vẫn không cho chuyển viện để điều trị kịp thời.

Dù chân Hà Vi xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nhưng bệnh viện Cư Kuin vẫn không cho chuyển viện để điều trị kịp thời, buộc phải cưa bỏ để cứu mạng sống.

Trong hai ngày 8 và 9/3, Vi liên tục kêu đau nhức, chân tê dại mất cảm giác, xuất hiện nhiều vết phồng mọng nước lớn khiến gia đình hoảng hốt. Bà Lan (39 tuổi, mẹ Vi) yêu cầu các bác sĩ cưa bột để kiểm tra nhưng đến ngày 10/3 thì phó giám đốc bệnh viện mới cho cưa bột. Lúc này thì chân Vi đã sưng rất to, nhiều nơi bầm đen.

“Từ ngày 8/3, gia đình tôi thấy tình hình nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi cưa bột nên yêu cầu bệnh viện cho chuyển lên tuyến trên điều trị nhưng bệnh viện nhất quyết không đồng ý, cứ lưu bệnh nhân lại dù người nhà như ngồi trên đống lửa”, chị gái của Vi bức xúc.

Theo chị Trang, trong những ngày nằm bệnh viện Cư Kuin, các bác sĩ không liên tục theo dõi diễn biến vết thương của Vi cho đến lúc tình trạng nghiêm trọng mới hốt hoảng chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhưng thời này điểm này thì chân Vi đã hoàn toàn hoại tử, phải chuyển đi bệnh viện Chợ Rẫy để cửa bỏ chân cứu mạng cho Vi.

Từ cô nữ sinh ngoan hiền, Hà Vi trở thành người tật nguyền vì sự thiếu trách nhiệm của bệnh viện.

Từ cô nữ sinh ngoan hiền, Hà Vi trở thành người tật nguyền vì sự thiếu trách nhiệm của bệnh viện.

Trang nói, trong những lần gia đình chạy tìm bác sĩ cũng như giám đốc để báo cáo chuyển biến vết thương của nữ sinh thì ông giám đốc bệnh viện chỉ đến xem xét bệnh nhân một lần, hỏi han qua loa rồi sau đó không đến nữa dù gia đình nhiều lần kiến nghị được chuyển viện. Những y bác sĩ còn lại chỉ đến tiêm thuốc giảm đau, thăm hỏi chút ít rồi thôi chứ không nhiệt tình cứu chữa dù Vi liên tục kêu khóc.

“Chúng tôi liên tục kiến nghị bệnh viện chuyển qua bệnh viện tỉnh nhưng nơi đây cứ cố tình lưu giữ bệnh nhân lại 3 ngày, đến lúc không cứu chữa được nữa mới đẩy đi. Bác sĩ Y Tâm có nhiều tắc trách trong vụ việc, đã bị đình chỉ công tác nhưng Ban giám đốc bệnh viện, trực tiếp là ông Nguyễn Văn Tâm cũng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này vì ông không đồng ý chuyển viện cho Vi thì ai dám làm trái. Thế nhưng, chỉ mới có bác sĩ Y Tâm chịu trách nhiệm thì tôi cho rằng không thỏa đáng”, chị Trang bức xúc.

Người nhà bé Vi yêu cầu, Ban giám đốc bệnh viện Cư Kuin phải có lời xin lỗi trực tiếp gia đình trên công luận về những tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng khiến bé Vi, từ một nữ sinh ngoan hiền học giỏi trở thành người tàn tật. Sau đó, gia đình yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xử lý trách nhiệm của những người liên quan, nhất là bác sĩ Y Tâm và Ban giám đốc. Đặc biệt, gia đình yêu cầu những cơ quan và người liên quan đến vụ việc phải có sự bồi thường thỏa đáng trong việc điều trị và tương lai của Vi sau này.

Gia đình Hà Vi bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng đòi lại công bằng cho cô nữ sinh ngoan hiền.

Gia đình Hà Vi bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng đòi lại công bằng cho cô nữ sinh ngoan hiền.

“Vi từ một nữ sinh học giỏi, mơ ước trở thành chiến sĩ công an, tương lai tươi đẹp đang chờ nhưng chỉ vì sự vô trách nhiệm của một số người mà cánh cửa tương lai đã đóng sập lại. Sau này em tôi sẽ đối diện nhiều khó khăn đau khổ khi trở thành người tàn tật, nỗi đau đó không có điều gì bù đắp được. Gia đình mong những cấp cao hơn của tỉnh Đắk Lắk và cả Bộ Y tế lên tiếng để lấy lại sự công bằng cho Hà Vi”, chị Trang chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc, hiện công tác điều tra xử lý trách nhiệm của bệnh viện đa khoa Cư Kuin mới chỉ dừng lại ở việc tạm ngưng công tác của bác sĩ Y Tâm, còn những người khác vẫn “an toàn”. Sắp tới, sau khi hoàn tất điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, Vi sẽ chuyển qua Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để bắt đầu quá trình làm quen với chân giả được bệnh viện làm riêng cho em.

Chia sẻ
Tin mới nhất