Sắc màu Cuộc Sống

Tuổi thơ 'dữ dội' của Hào Anh

Chia sẻ

Gần hai tháng nay, ngoại của Hào Anh là bà Đặng Thị Đẹp (ngụ huyện Cái Nước, Cà Mau) mất ăn, mất ngủ khi hay tin đứa cháu vừa trưởng thành đã vướng lao lý. Hàng xóm thấy góa phụ 63 tuổi khóc suốt ngày nhưng không ai biết điều gì, bởi bà lão không muốn nhắc đến chuyện buồn của cháu ngoại.

Sóng gió từ trại tôm giống

Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) là con gái lớn của bà Đẹp. Ở tuổi đôi mươi, Thoa theo chồng nhưng hai người sống chung không được bao lâu thì thiếu phụ khăn gói về nhà cha mẹ ruột, vì thường xuyên gặp bạo lực gia đình.

1
Hào Anh được mẹ và cha dượng chăm sóc khi mới thoát khỏi trại tôm giống Minh Đức, cách nay hơn 5 năm. Ảnh: Việt Tường.

Sau đó, mẹ Hào Anh gặp người đàn ông bán cà rem – bánh mì ở chợ Cái Nước, rồi hai người nên duyên chồng vợ. Sau ngày vợ sinh đôi, cha của Hào Anh – Hào Em lại bỏ bà Thoa. Chờ con thôi nôi, bà Thoa gửi hai bé trai cho cha mẹ nuôi dưỡng, rồi ra TP Cà Mau thuê xuồng đưa đò chèo, từ phường 1 qua phường 8.

Tại đây, bà Thoa "đi bước nữa" với thợ mộc Nguyễn Xuân Hùng và hai người có với nhau một con gái. Những ngày trên sông nước, người chèo đò kết thân với đồng nghiệp ở phường 8 là Huỳnh Thanh Giang.

"Sau khi Giang với vợ là Mã Ngọc Thơm mở trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), người bạn này kêu tôi cho Hào Anh vào làm công. Thấy vợ chồng Giang có ý tốt, tôi cho đứa con lớn nghỉ học để đi làm lúc Hào Anh 13 tuổi", bà Thoa nhớ lại.

Hơn nửa năm không gặp con, cuối tháng 4/2010, người mẹ bất ngờ nhận được hung tin khi Giang bị bắt. Vài ngày sau đó, Thơm cũng vào trại tạm giam vì vợ chồng này bị hàng xóm phát hiện đã hành hạ Hào Anh đến "thân tàn ma dại".

Không chỉ dùng kềm kẹp môi Hào Anh đến chảy máu, Giang còn bẻ gãy nhiều chiếc răng của cậu bé làm công. Đối với người vợ, Thơm không chỉ đánh đập mà con dùng bàn ủi nóng gí vào người nạn nhân. Khi Hào Anh bị bỏng, bà chủ trại tôm giống không ngại tạt nước tẩy rửa hồ tôm vào người em, khiến cậu bé đau buốt mà không dám kêu la.

2
Hào Anh cúi mặt, không chịu nhìn cha khi ông Tâm đến thăm con tại Trạm xá Công an Cà Mau. Ảnh: Việt Tường.

Được giải thoát khỏi "địa ngục trần gian" là trại tôm giống Minh Đức, Hào Anh được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện huyện Đầm Dơi, cậu bé được chuyển đến Trạm xá Công an tỉnh Cà Mau để chăm sóc với các chế độ đặc biệt.

Hay tin con trai gặp chuyện chẳng lành, người cha bán cà rem – bánh mì đã đến trạm xá thăm con. Giận người đàn ông đã bỏ mẹ con của mình từ bé, Hào Anh không chịu nhìn cha, khiến ông Tâm gạt nước mắt ra về.

Phận nghèo của mẹ con bà Thoa, sự nhẫn tâm của vợ chồng Giang – Thơm đã đẩy Hào Anh vào cảnh khốn cùng. Nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã hỗ trợ cậu bé làm thuê được hơn 700 triệu đồng. Trong đó, hơn 600 triệu được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau quản lý. 100 triệu còn lại do một cá nhân ở Sóc Trăng đứng tên với vai trò là người giám hộ cho Hào Anh.

"Cầm tiền mồ hôi nước mắt của nhà hảo tâm giúp đỡ Hào Anh, tôi nghĩ phải gửi tiết kiệm sao cho có nhiều lãi càng tốt. Vậy là cứ 3 tháng tôi đến ngân hàng ở Cần Thơ một lần để rút lãi nhập vốn. Bốn năm trôi qua, nhiều người tưởng rằng, tôi đã 'ăn' hết tiền của Hào Anh, nhưng khi cậu ấy đủ 18 tuổi thì tiền lãi phát sinh thêm được 52 triệu", người đứng tên sổ tiết kiệm và đưa mẹ con Hào Anh ra Vũng Tàu nhận 152 triệu đồng chia sẻ.

Nổi tiếng khi có nhiều tiền

Vụ án vợ chồng Giang – Thơm hành hạ Hào Anh khép lại vào cuối năm 2010, mỗi bị cáo nhận 23 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác. Hai người làm công cho vợ chồng này tham gia hành hạ Hào Anh theo lệnh của chủ, mỗi người lĩnh 18 tháng tù.

3
Hào Anh tại trường Tiểu học Kim Đồng, TP Cà Mau vào tháng 11/2011. Ảnh: Việt Tường.

Thấy ông bà chủ cũ nhận mức án thích đáng, Hào Anh không còn giận vợ chồng Giang – Thơm. Nhiều lúc, cậu còn tỏ ra tội nghiệp cho họ, vì Giang – Thơm vào tù, bỏ lại hai con còn nhỏ cho cha mẹ già nuôi dưỡng.

Cuối năm 2011, những người bảo bọc Hào Anh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau bắt đầu thấy cậu có sự đổi tính, tìm nhiều cách "quậy" để sớm được rời trung tâm. Khi đó, những người có trách nhiệm trong ngành thương binh xã hội rất muốn định hướng cho em một nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, thầy cô của Hào Anh bắt đầu thất vọng khi thấy cậu tự ý trốn khỏi trung tâm bảo trợ vào lúc 2h sáng và bỏ học nhiều ngày.

Sau khi mẹ Hào Anh nhất quyết xin cho con được về nhà, Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau đã đồng ý. Đầu năm 2012, người dân Cà Mau thấy cậu này giúp việc cho quán cà phê ở Cái Nước, rồi theo cha dượng học nghề thợ mộc. Làm việc gì cũng không được lâu, cuối năm ấy, Hào Anh qua phường 1, TP Cà Mau để làm bốc vác và sau đó bị tình nghi ăn trộm.

Hai tuần bị mọi người nhìn bằng ánh mắt khinh rẻ, ngày 12/4/2013, Hào Anh được cơ quan chức năng kết luận em không cùng 3 người tham gia trộm cắp tài sản. Một năm sau, Hào Anh đủ 18 tuổi và chính thức sở hữu tất cả số tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ mình.

Trò chuyện cùng phóng viên khi nhận 152 triệu đồng tại Vũng Tàu, Hào Anh cho biết, sẽ mua dụng cụ cho tiệm hớt tóc trong tương lai, dành một ít tiền đi bệnh viện trồng răng và phẫu thuật thẩm mỹ lại khuôn mặt đầy thương tích. Tuy nhiên, Hào Anh đã bội tín, không làm được điều này.

4
Hào Anh – Hào Em với mẹ và cha dượng trong ngày xây xong nhà mới vào cuối năm 2014. Ảnh: Việt Tường.

Đối với số tiền gần 800 triệu đồng nhận đươc ở Cà Mau, Hào Anh mua đất, xây lại nhà tại chính căn trọ của gia đình mình. Tiền còn lại, cậu mua nhiều xe máy, hàng loạt điện thoại đắt tiền, tiêu xài hoang phí. Thanh niên này cũng được cho là cùng Thúy Duy (bị can trộm cắp tài sản tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) với những người bạn cùng trang lứa vào vũ trường uống rượu, dùng thuốc lắc.

Sau lần đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà, Hào Anh bị Công an phường 8 (TP Cà Mau) xử lý hành chính về hành vi Buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp. Đóng phạt 200.000 đồng xong, Hào Anh nhờ mẹ đòi lại 50 triệu đồng từng cho gia đình bạn gái mượn để cậu tiếp tục mua xe, cầm xe đi bar khi xài hết tiền và giục mẹ bán thửa đất cạnh nhà.

Tháng 12/2014, Hào Anh được một bạn của bà Thoa đưa lên Lâm Đồng tìm việc. Tại đây, cậu được chủ sơ sở sản xuất nước chấm nhận vào xưởng sản xuất vỏ chai nhựa và thủy tinh dùng để đựng tương, chao với lương khởi điểm 3,6 triệu đồng/tháng.

"Nửa năm làm công, lương của Hào Anh gần 7 triệu đồng/tháng nếu được tăng ca. Nó vừa được tăng lương thì bị bắt. Em của Hào Anh là Hào Em cũng bỏ nhà đi gần 10 ngày, khi hay tin công an truy tìm vì nó có liên quan đến đường dây trộm cắp tài sản", mẹ Hào Anh chia sẻ.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất