Vòng quanh Thế giới

Nhà sách 'siêu chảnh', mỗi tuần chỉ bán một quyển tại Nhật

Chia sẻ

Người bán sách Yoshiyuki Morioka (Nhật Bản) đã đưa ra một ý tưởng rất khác thường trong việc kinh doanh sách: cửa hàng sách của ông mỗi tuần chỉ bán duy nhất một cuốn sách.

Cửa hàng sách của ông Yoshiyuki Morioka hiện nằm ở Ginza - khu mua sắm sang trọng bậc nhất tại Tokyo. Kể từ khi khai trương cửa hàng vào tháng 5 vừa qua, ông chỉ tồn kho nhiều bản của duy nhất 1 quyển sách mỗi tuần. Thật khó cho hiệu sách khi mà người mua không thể đi vào tham quan và dành ít nhất một vài giờ để xem qua hàng trăm quyển cùng lúc. Nhưng Morioka chưa bao giờ có ý định kinh doanh kiểu cổ điển như vậy.

Cửa hàng của ông giống như một nơi dành cho việc “đọc sách theo gợi ý” hàng tuần. Người mua chỉ cần ghé tiệm và tham khảo cuốn sách được lựa chọn trong tuần. Điều đó giúp làm giảm gánh nặng phải đưa ra lựa chọn. Morioka cho biết ông nảy ra ý tưởng “nhà sách 1 quyển sách” này sau khi tổ chức một số sự kiện ra mắt sách tại cửa hàng sách cũ của mình.

“Trước khi mở cửa hàng ở Ginza, tôi đã từng kinh doanh sách tại một số nơi khác trong khu Kayabacho trong suốt 10 năm qua”, Morioka nói với tờ báo The Guardian. “Tại đó, tôi có khoảng 200 đầu sách trong kho và dành rất nhiều thời gian chỉ để đi sắp xếp những quyển sách mới xuất bản hàng năm”.

Bởi thế, ông đã tổ chức một sự kiện dành cho người đọc tại các cửa hàng cũ của mình khi thích một cuốn sách duy nhất nào đó. Sau khi tổ chức những sự kiện như thế này một thời gian, ông bắt đầu tin rằng chỉ với một cuốn sách, hiệu sách cũng có thể đạt lợi nhuận để tồn tại. Để có tiền đầu tư cho cửa hàng sách đặc biệt này, Morioka đã quyết định bán bộ sưu tập khổng lồ của mình về công tác tuyên truyền thời chiến của Nhật.

nhasach1quyensach-1

“Nhà sách 1 quyển sách” nhìn từ bên ngoài vào. Ảnh: Nacasa & Partners, Miyuki Kaneko.

Cửa tiệm mới của Morioka không được trang trí nhiều. Những bức tường và trần nhà của cửa hàng được sơn trắng cùng sàn bê tông được để thô, giản dị. Một dãy hộc tủ có ngăn kéo được sử dụng làm quầy tính tiền. Một cái bàn nhỏ ở giữa phòng để trưng bày đầu sách được lựa chọn trong tuần. 

Theo Morioka, ý tưởng kinh doanh của ông có một lợi thế khác biệt. Đó là nhà sách này có thể trở thành cuộc triển lãm cho 1 cuốn sách và chỉ quảng bá cho mình nó mà thôi. Như vậy, câu chuyện về quyển sách sẽ trở nên sống động hơn, thu hút nhiều khách hàng đến mua chúng hơn. “Ví dụ, khi bán một cuốn sách về hoa, cửa hàng có thể trưng bày một bông hoa thực sự đã xuất hiện trong cuốn sách,” ông cho biết thêm.

“Ngoài ra, tôi đề nghị các tác giả và các biên tập viên dành càng nhiều thời gian tại hiệu sách càng tốt. Đây là một nỗ lực để làm cho cuốn sách bình thường chỉ có “không gian hai chiều” (chỉ sách với độc giả) sẽ trở thành “ba chiều” (sách, độc giả cùng tác giả) và mang đến sự trải nghiệm độc đáo cho độc giả. Tôi tin rằng các khách hàng sẽ cảm nhận được sự khác lạ khi họ bước vào “bên trong” một cuốn sách”.

nhasach1quyensach-2

Bên trái là hình ảnh tòa nhà nơi nhà sách tọa lạc, bên phải là hình ảnh cận cảnh nhà sách. Ảnh: Nacasa & Partners, Miyuki Kaneko

Những đầu sách được trưng bày tại cửa hàng rất phong phú về chủ đề và đa dạng về tác giả trong lẫn ngoài nước như Tove Jansson, Hans Christian Andersen, Mimei Ogawa, Akito Akagi… Không rõ cơ sở nào giúp Morioka chọn được sách để bán hàng tuần nhưng hiện tại ý tưởng kinh doanh này gặt hát được nhiều kết quả tốt. Ông tuyên bố đã bán được hơn 2.000 cuốn sách kể từ tháng 5. Ông còn cho hay có lẽ hiệu sách đã dành được cảm tình của rất nhiều người nên ông đang có một lượng khách hàng lớn từ khắp nơi trên thế giới.

nhasach1quyensach-3

Bên trong “nhà sách 1 quyển sách” với trang trí tối giản nhất. Ảnh: The Guardian

Morioka là một trong những người lớn tuổi truyền thống tin tưởng mạnh mẽ rằng những quyển sách xuất bản sẽ không bao giờ bị “lỗi thời”, bất chấp sự xâm nhập của các loại sách điện tử trên thị trường. 

“Một cuốn sách đã, đang và sẽ luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người đọc”, ông khẳng định. “Nhiều người sẽ tiếp tục sử dụng các cuốn sách in trên giấy, đặc biệt xem nó như là một công cụ giao tiếp với thế giới tri thức”.

Chia sẻ
Tin mới nhất