Vòng quanh Thế giới

Hành trình 27 năm thành 'chúa tể đường hầm' của trùm ma túy

Chia sẻ

Hành trình 27 năm thành 'chúa tể đường hầm' của trùm ma túy
Đường hầm Joaquin 'El Chapo' Guzman sử dụng để tẩu thoát khỏi nhà tù nghiêm ngặt nhất Mexico. Ảnh: Reuters

Trùm ma túy khét tiếng Guzman, biệt danh "gã lùn" đang tạm thời được tự do sau vụ vượt ngục táo tợn. Kế hoạch cho vụ việc chấn động này được thực thi 4 tháng sau khi Guzman bị bắt vào năm ngoái.

Mở đầu kế hoạch, một đôi vợ chồng lịch lãm mua miếng đất nằm ngay cạnh nhà tù Altiplano. Họ lên kế hoạch xây dựng một ngôi nhà để sống cùng nhau. Từ nhiều tài khoản ngân hàng, họ tuyển gần chục người dân địa phương tới xây dựng một ngôi nhà trên lô đất.

Việc lên kế hoạch xây dựng đường hầm xuyên vào nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico giống cách Guzman đào đường hầm đầu tiên để vận chuyển ma túy cuối những năm 1980. Theo giấy tờ của tòa án, Guzman mua mảnh đất ở thị trấn biên giới Agua Prieta của Mexico. Ông ta thuê một kiến trúc sư tên là Felipe Corona-Verbera thiết kế ngôi nhà. Tuy nhiên, nó chỉ là cái vỏ bọc để tay chân Guzman đào đường hầm xuyên biên giới.

Sau khi chạy sang lãnh thổ nước Mỹ, đường hầm cán đích tại một nhà kho ở Douglas, Arizona. Con đường bí mật giúp Guzman vận chuyển số lượng lớn ma túy vào Mỹ. Từ thành công bước đầu, những đường hầm tương tự liên tiếp được tạo ra để phục vụ việc làm ăn của băng đảng do "gã lùn" đứng đầu.

Miguel "Gordo" Martinez, một tay chân thân cận của Guzman, đã khai về đường hầm và các mánh khóe làm ăn của "gã lùn" với nhà chức trách bang Arizona, Mỹ. Theo lời kể của Martinez, khi máy bay chở ma túy từ Colombia tới Mexico chưa kịp quay trở lại, số ma túy đó đã được Guzman chuyển vào Los Angeles. Nó khiến Guzman có biệt danh khác là "người rất nhanh".

Theo Martinez, lối vào các đường hầm được che giấu rất kín. Cửa của một số đường hầm còn được lắp đặt các xi lanh thủy lực để nâng vật nặng ngụy trang lên một cách dễ dàng. Chính quyền Mỹ gọi những đường hầm này là "tuyệt tác kỹ thuật" và làm mọi cách để ngăn chặn sự tồn tại của chúng.

Nhà chức trách Mỹ quản lý việc xây các đường hầm mới bằng cách theo dõi các kiến trúc sư có tay nghề. Tuy nhiên, cách thức này không thể ngăn Guzman lộng hành. Theo các số liệu, Guzman đã cho xây dựng ít nhất 75 đường hầm để chuyển ma túy vào Mỹ, khiến tên tuổi của y gắn liền với biệt danh "Chúa tể của những đường hầm".

Trong vụ vượt ngục ngày 11/7, các kỹ sư của Guzman đã khéo léo bài trí việc đào hầm ngay trước tháp canh của nhà tù và không xa một căn cứ của quân đội Mexico. Công nhân địa phương bị đuổi việc sau khi hoàn thiện một phần ngôi nhà, vỏ bọc cho kế hoạch vượt ngục. Nhóm tay chân của Guzman được đưa tới tiếp quản công việc đào hầm.

Vào đêm vụ vượt ngục xảy ra, chỉ có 3 người ở lại làm nhiệm vụ cảnh giới trong ngôi nhà. Cảnh sát tìm thấy 3 suất bánh mình ăn dở nằm trên bàn. Các điều tra viên chỉ phát hiện ra ngôi nhà sau khi đi theo con đường mà Guzman dùng để thoát thân khỏi nhà tù.

Sau vụ vượt ngục táo tợn, giới chức Mexico đã thẩm vấn 30 nhân viên nhà tù Altiplano, bao gồm cả giám đốc. Người ta nghi ngờ nhiều cảnh sát đồng lõa với Guzman. Người dân địa phương cho biết, cảnh sát không tập trung tìm kiếm khu vực này sau khi nhận thông báo trùm ma túy tẩu thoát.

Cũng theo người dân địa phương, đôi vợ chồng lịch thiệp mới mua lô đất này cách đây khoảng 1 năm. Nó cho thấy trùm ma túy biết về kế hoạch vượt ngục. Tuy nhiên, cách những kẻ đào hầm đào thẳng tới buồng giam, nơi hệ thống định vị toàn cầu không thể hoạt động, vẫn là bí ẩn.

Chia sẻ
Tin mới nhất