Sắc màu Cuộc Sống

Nếu không thân, xin đừng mời cưới!

Chia sẻ

Đám cưới vốn được xem là chuyện đại hỷ của đời người nhưng trong bối cảnh xã hội ngày nay, có những đám cưới mà từ những người trong cuộc vui đến những người được mời đến chia vui đều không vui nổi.

Chẳng biết từ bao giờ việc mời cưới, bao gồm cả đi mời và được mời lại trở thành nỗi “khiếp sợ” khó giải bày của nhiều người. Người đi mời thì đau đầu không biết nên mời ai, bỏ ai, mời rồi người ta có đi không, không mời thì người ta có giận không, mời người này mà không mời người kia có kỳ không, không thích nhưng phải mời vì cả nể mối quan hệ, mời bao nhiêu người mới “gỡ vốn”… Còn người được mời thì méo mặt vì muôn nỗi lo như sắp xếp thời gian, chuẩn bị quần áo, tóc tai… và nhất là khoản tiền mừng nhiều khi bằng tiền ăn cả tuần của họ. Chưa kể những trường hợp chẳng thân thiết gì với cô dâu và chú rể nhưng vì một lý do nào đó vẫn được mời và vẫn phải tham dự trong tâm lý gượng ép, khiên cưỡng đến khó chịu.

dam-cuoi 2

Những đám cưới với mục đích chia sẻ niềm vui và những lời chúc phúc thực sự đã dần biến mất và thay thế bằng những bữa tiệc mang nặng tính hình thức, xem trọng những mối quan hệ xã giao. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Anh Hoàng Trung Tín, một nhân viên văn phòng (quận 3) hóm hỉnh tâm sự: “Mỗi lần thấy có đồng nghiệp nào trong công ty đang rục rịch chuẩn bị đám cưới, tôi liền vái thầm trong bụng “Đừng có mời tôi! Đừng có mời tôi!” nhưng đồng nghiệp mà, chắc chắn rồi cũng “dính chưởng”. Làm khác phòng, nhiều khi cả tuần cả tháng không nói được với nhau một câu mà chẳng hiểu sao lại mời dự đám cưới. Nhưng nghĩ làm chung công ty mà không đi thì sau này khó nhìn mặt nhau nên tôi cũng bấm bụng đến dự cho phải phép”.

Hài hước hơn, nắm bắt tâm lý sợ bị mời cưới của nhiều người, nhất là đối tượng nhân viên văn phòng - những người vốn có nhiều mối quan hệ xã giao với các đồng nghiệp, đối tác, khách hàng… một doanh nghiệp khi đăng thông báo tuyển dụng nhân sự mới đã kèm theo bản mô tả công việc có đoạn: “Bạn không cần phải có mặt thường xuyên ở công ty nên không sợ sẽ nhận thiệp cưới của các đồng nghiệp”. 

dam cuoi 7

Những tấm thiệp cưới đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.

Còn chị Ngọc Anh (33 tuổi, quận Thủ Đức) cho biết: “Đám cưới của bạn tôi hay bạn ông xã thường mời cả hai vợ chồng nên mỗi lần đi đều phải bỏ phong bì gấp đôi. Có tháng mấy cái đám cưới liền khiến vợ chồng tôi muốn… méo mặt vì thâm vào chi phí sinh hoạt của gia đình. Sau này, chúng tôi quyết định chỉ đi một người với lý do người còn lại bận việc gì đó để tiết kiệm tiền mừng”.

Chị Giang Lê (27 tuổi, quận Bình Thạnh) thì có phần “cực đoan” hơn: “Trước đây, những khi rơi vào trường hợp không thân thiết gì mà vẫn được mời cưới, tôi còn cả nể, không đi dự nhưng vẫn nhờ người này người kia gửi phong bì giúp. Sau này, liên tục “bị” mời cưới kiểu này, tôi phát sợ luôn nên quyết định làm ngơ. Tôi cũng nghĩ đến việc cô dâu, chú rể bị “lỗ” nhưng thực sự nếu cứ tiếp tục “thỏa hiệp” thì cả hai bên đều “lỗ” và khổ thôi”.

dam-cuoi 6

Một bức ảnh vui được cư dân mạng chia sẻ để giải bày nỗi khổ mang tên “tiền mừng cưới”.

Trước đó, vào tháng 3, người mẫu Hà Anh cũng đã từng đăng đàn chia sẻ quan điểm của chị về chủ đề “không của riêng ai” này. Cô viết:

“Người người cưới, nhà nhà cưới, dẫu cũng là điều hạnh phúc và mừng rỡ của đôi trẻ và gia đình hai họ. 

Các vị bố mẹ mừng rỡ lắm, nở mày nở mặt lắm, và hăm hở lắm, mời đủ thứ bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm, đối tác, người thoáng quen để “quảng bá” cái sự mừng rỡ này, và cũng là dịp thu hồi khoản đầu tư của mình qua tiền mừng của hàng trăm, hàng ngàn khách mời.

Chỉ tội nghiệp cho cô dâu chú rể, những người vốn dĩ phải được hạnh phúc nhất trong ngày cưới của mình, phải là trung tâm của sự chú ý, thì nay xớn xác đi chào từng bàn một, bắt tay người tới, kẻ về, hàng trăm, hàng ngàn người mà có khi họ cũng chẳng biết mặt, và bố mẹ hai họ cũng chỉ biết sơ qua. Họ như cái máy, mặt kệch phấn, nóng nực, vướng víu trong những chiếc váy cồng kềnh, bụng đói và người mệt lả, nụ cười đã tưởng như biến thành đông cứng luôn trên khuôn mặt.

Người ta thì nói cười với đủ thứ đề tài khác nhau chưa chắc đã về họ, hai bên bố mẹ họ hàng còn bận nở mày nở mặt. Còn cô dâu chú rể mệt nhoài đêm về ngồi xổm đếm tiền. Chẳng lãng mạn, cũng chẳng hạnh phúc như họ tưởng.

Nhưng thôi, giả sử như họ có mệt, mà mọi người đều hạnh phúc, đều mừng cho hạnh phúc của họ vì một nhẽ. Không, người ta KHIẾP SỢ!

Khiếp sợ từ cái lúc nhận được thiệp cho đến lúc phải chi tiền nhét vào bao, sắm cái áo mới đi dự cưới, đến độ nhập mình vào hàng trăm, có khi hàng ngàn con người cũng xa lạ với họ để ăn những bát súp ấm ấm bóng bì nấm, những chiếc nem nguội lạnh, những món rau xào dai nhách và những ly rươụ vang hay nước ngọt đầy công thức.

Vậy thì thời gian đâu mà họ hạnh phúc dùm thay cho đôi trẻ?

Ha Anh - Dam cuoi

Câu chuyện của Hà Anh được cư dân mạng nhiệt tình hưởng ứng và truyền tay nhau vì “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều người.

 Có lẽ không ai trong chúng ta chưa từng một lần nếm trải những nỗi “khiếp sợ” được siêu mẫu nhắc đến trong bài viết. Nhưng những người trong cuộc vẫn cứ tiếp tục “làm khổ” nhau bởi sự cả nể và tính toan. Điều này khiến cho đám cưới ngày nay đã ít nhiều mất đi ý nghĩa và mục đích tốt đẹp vốn dĩ của nó.

dam-cuoi 4 (Small)

Đừng để những mối quan hệ xã giao và toan tính vật chất làm mất đi niềm vui trọn vẹn của ngày cưới.

dam-cuoi 3

Những buổi tiệc cưới ấm cúng với sự tham gia của những người thực sự thân thiết sẽ giúp ngày trọng đại của bạn vui vẻ và ý nghĩa hơn.

Thiết nghĩ, các cặp đôi đang chuẩn bị bước vào ngày trọng đại hãy cân nhắc và bàn bạc thật kỹ với gia đình về việc lên danh sách khách mời. Chỉ nên mời những người thực sự thân thiết mà bạn chắc rằng sẽ nhận được những lời chúc phúc thật tâm từ họ, thay vì những mối quan hệ xã giao mà rất có thể họ sẽ “khiếp sợ” khi nhận được thiệp mời. Có như vậy thì không chỉ những người trong cuộc được sống trong khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn của ngày trọng đại mà những khách mời dự đám cưới cũng vui lây và toàn tâm toàn ý chúc phúc cho cô dâu, chú rể.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Chia sẻ
Tin mới nhất