Sắc màu Cuộc Sống

Cuộc sống 10 năm lênh đênh trên ghe của một gia đình giữa Sài Gòn hoa lệ

Chia sẻ

Gắn bó với chiếc ghe cũ đã hơn 10 năm qua với cảnh không điện, nước và bệnh tật, ông Lê Văn Đực (55 tuổi) vẫn chưa biết cuộc sống khổ cực của gia đình sẽ đi về đâu dưới con rạch sình lầy giữa Sài Gòn.

Chiếc ghe gỗ 10 năm tuổi mục nát nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP HCM) là nơi cư ngụ của gia đình ông Lê Văn Đực (55 tuổi, quê ở Bến Tre) và vợ là bà Nguyễn Thị Vĩnh (53 tuổi, quê Trà Vinh) cùng đứa con gái nhỏ Diễm My (sinh năm 2007).

Chiếc ghe gỗ nằm lọt thỏm trong bụi cây là nơi gia đình ông Đực sinh sống hơn 10 năm qua.

Trước đây, ông Đực tham gia chiến tranh và mất đi một chân, sau khi đất nước giải phóng ông trở về quê lập gia đình sinh sống với nghề chài lưới ở các cửa biển ven sông. Một thời gian sau vợ ông lâm bệnh qua đời, một mình ông cô độc cuộc sống trên ghe thuyền trôi nổi giữa dòng nước mênh mông.

Năm 1980 mối nhân duyên kì lạ đưa ông với bà Vĩnh gặp nhau, sau thời gian quen biết, thấu hiểu nỗi cô đơn của ông - hai người đã nên duyên chồng vợ. Đến 20 năm sau đứa con gái bé bỏng Diễm My chào đời với niềm hạnh phúc vô bờ bến của cặp vợ chồng già.

Cuộc sống chài lưới nơi quê nghèo quá khó khăn, bé Diễm My cũng dần lớn lên, gánh nặng tiền bạc cho con đi học càng đè nặng lên đôi vai của cặp vợ chồng cao tuổi. Nghĩ đến việc phải tìm vùng đất mới để làm thuê kiếm tiền, ông Đực bàn với vợ lên thành phố kiếm sống.

Ông và bà Vĩnh nương tựa vào nhau sống trên chiếc ghe cũ nát.

Chiếc ghe cũ kĩ không có điện, nước, đầy rắn rít và muỗi giữa dòng nước bẩn.

Vợ chồng ông bắt đầu chạy chiếc ghe cũ là tài sản duy nhất có được tiến về Sài Gòn. Chạy mất 2 ngày 2 đêm, len lỏi qua bao con sông, con rạch chằng chịt mới đến nơi. Thấy nhiều con rạch lớn ở Sài Gòn vẫn có các gia đình sống trên ghe thuyền thế là ông quyết định cột dây neo bến dưới chân cầu Rạch Bàn 2 làm trạm dừng chân cuối cùng. 

Những ngày đầu làm quen với ánh đèn phố thị, tuy khá xa lạ nhưng ông Đực cố gắng tìm một nghề lao động chân chính để nuôi gia đình. “Ngày đó lên đây tôi không biết làm gì cả nhưng nhìn con gái khát sữa mà không có tiền mua cho con nên tôi quyết tâm chống nạn đi lên bờ. Hồi đó còn đúng 500 ngàn nên tôi đánh liều tới một đại lý vé số gần đó đặt cọc tiền rồi lấy số đi bán”.

Những ngày đầu đi bán vé số do không quen với đường xá Sài Gòn, ông Đực thường xuyên đi lạc, lúc ông tìm về đến ghe thì trời cũng đã quá khuya. Về đến “nhà”, ông Đực giật mình khi thấy vợ khóc thút thít, hỏi ra mới biết bà lo lắng cho ông nên cứ địu con chạy lên đường lớn ngóng ông về.

“Ở trên đây chỉ có hai vợ chồng nương tựa vào nhau, tôi sợ ông đi lạc không tìm được đường về thuyền. Chân ổng đi yếu đâu được khỏe như người ta nên tôi lo”, bà Vĩnh chia sẻ.

Nhiều năm nay bà Vĩnh mua một sống đồ như áo mưa, xăng và nước ngọt đêm lên đường bán để phụ chồng kiếm thêm thu nhập.

Cuộc sống không đảm bảo vệ sinh nên bé My gầy nhôm vì thường xuyên bị sốt do muỗi đốt.

Nguồn thu nhập cho My được đến trường phụ thuộc vào bầy gà người dân xung quanh cho.

Nói về những khó khăn cuộc sống lênh đênh trên ghe giữa dòng nước đen, ông Đực cho biết, gia đình ông không thể nhớ hết bao đêm phải thức trắng vì nước tràn vào ghe. Nhiều đêm nước lên cao, ông và vợ phải thay nhau bồng con để tát nước cho ghe khỏi chìm. Ngày nào Sài Gòn mưa lớn, chiếc ghe lắc lư, gia đình ông phải bồng con bỏ ghe chạy lên mái hiên nhà hàng xóm trú tạm cho đến khi tạnh mưa mới dám xuống.

Sống dưới ghe, ám ảnh lớn nhất với bà Vĩnh là những đêm rắn rết từ bụi rậm xung quanh bò lên ghe “ngủ nhờ”. Nhiều lúc đang nấu cơm, bà hất tung lu nước chạy vì lũ rắn chui vào làm ổ bên trong khiến bà và bé My khóc thét vì quá hoảng sợ. Sau này, ông Đực dùng nhựa cũ che kín xung quanh ghe để rắn không bò lên.

Cuộc sống khó khăn dần trôi qua, bé Diễm My bắt đầu lớn và dần thích nghi với cuộc sống trong chiếc ghe nhỏ nằm lọt thỏm dưới lùm cây um tùm, xung quanh đầy muỗi, rắn rết và côn trùng. Nhiều lần được mẹ bồng ra phía đường lớn ngắm những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy, My lại thỏ thẻ với mẹ: “Nhà đấy đẹp quá mẹ ơi, con cũng thích những ngôi nhà có cửa như vậy”.

Thương con nhưng cái nghèo cứ đeo bám, ông Đực chỉ biết cố gắng làm lụng mong được đến trường.

Gia đình nhỏ quây quần bên nhau khi mỗi buổi chiều ông đi bán vé số về.

Năm lên 7 tuổi, Diễm My được ba mẹ cho đi học ở lớp học tình thương gần đó. Cuộc sống tuy khó khăn, không một ngày được ở trong căn nhà nhà cứng cáp che nắng mưa với một giấc ngủ yên bình nhưng dường như thấu hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ nên My rất nghe lời và chăm chỉ học.

Bà Nguyễn Mỹ Linh, một người dân sống gần cầu Rạch Bàng 2 chia sẻ: “Tui thấy từ ngày gia đình ông Đực chuyển lên sống dưới chân cầu mấy thanh niên nghiện ngập cũng bỏ đi hết, dân ở đây mừng lắm. Lúc trước khu này thanh niên trộm cắp, nghiện hút tập trung rất nhiều nhưng ông Đực đuổi đi hết. Gia đình ổng sống ở đây ai cũng thương”.

Dù đang sốt cao nhưng Diễm My vẫn tinh nghịch chơi đùa lúc ba đi làm về.

“Tiệm tạp hóa” nhỏ của bà Vĩnh trên cầu Rạch Bàn 2.

Khi Diễm My ngày một lớn, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền của đôi vợ chồng già lại tăng lên. Ông Đực vẫn đau đáu suy nghĩ thoát khỏi cảnh sống lên đênh trên ghe không điện, nước và bệnh tật đeo bám để đưa con có cuộc sống tốt hơn…

Xem thêm>>>

Cuộc sống của 4 mẹ con giữa nghĩa địa lớn nhất Sài Gòn

10 bệnh quái lạ khiến nhiều người ‘biến thành’ dị nhân trên phim

Bé gái bị mẹ đốt: ‘Con tha thứ cho mẹ! Vì mẹ là mẹ của con!’

Chia sẻ
Tin mới nhất