Sắc màu Cuộc Sống

Công trường Dân Chủ: Nơi từng là hố chôn tập thể gần 2.000 người

Chia sẻ

Công trường Dân Chủ, nơi xảy ra nhiều tai nạn chết người thời gian qua từng là hố chôn tập thể gần 2.000 sinh linh bị vua Minh Mạng ra lệnh chém.

“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông. Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây. Sống thời gươm bén cầm tay. Chết thời một sợi lông mày cũng buông. Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn…”, mấy câu thơ đứt quãng, như khóc cho gần 2.000 sinh linh bị Minh Mạng ra lệnh chém chết ngay, rồi đem trút xuống hố chôn tập thể tại Sài Gòn…

Đất của oan hồn

Mả Ngụy hay còn gọi là Mả Biền Tru (Mả: mồ mả, Biền Tru: chém ngay, không cần xét xử) vốn nằm trong một vùng đất khá rộng lớn gọi là Đồng tập trận của Gia Định thành ngày xưa. Ngày nay, Mả Ngụy được xác định nằm ở vị trí ngã sáu Công trường Dân chủ, quận 3, TP HCM.

Các lão niên sống lâu năm ở Sài Gòn thường nhắc về di tích Đồng tập trận hay Mả Ngụy như một vùng đất của oan hồn. Bởi nơi đây là hố chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn với gần 2.000 xác người bị chém ngang lưng. Máu nhuốm đỏ một vùng rộng lớn, tử khí bốc lên từ hàng ngàn xác người hơn chục ngày sau vẫn chưa tan. 
 
Tương truyền, tháng 7 xá tội vong nhân năm ấy, dân Sài Gòn cúng cô hồn liên tục từ 14 đến 30, vẫn bị người âm hiện về kêu khóc vì đói khát, thiếu ăn…
Hình ảnh hiếm hoi về khu Mả ngụy ở Sài Gòn được một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại

Hình ảnh hiếm hoi về khu Mả ngụy ở Sài Gòn được một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại.

 
Mả Ngụy gắn liền với sự kiện “diệt giặc Lê Văn Khôi” dưới thời vua Minh Mạng. Lê Văn Khôi vốn là người dũng mãnh vô song, tay không đánh cọp, khiến dân chúng khắp nơi nể phục. Thời còn trẻ, Lê Văn Khôi có tên là Nguyễn Hựu đã từng dấy binh làm loạn, bị quan quân đuổi đánh mới chạy về Thanh Hóa. 
 
Tại đây Hựu gặp Lê Văn Duyệt, mến tài, liền đầu thú. Thấy Hựu tài sức hơn người, Lê Văn Duyệt tin dùng liền nhận làm con nuôi, đổi tên là Lê Văn Khôi và cất nhắc lên làm Phó vệ úy.
 
Sử gia Trần Trọng Kim có ghi lại về cuộc bạo loạn của Lê Văn Khôi như sau: Năm 1832, khi Lê Văn Duyệt - Tổng trấn Gia Định thành vừa mới mất, tên quan tham ác Bạch Xuân Nguyên vốn có hiềm khích với ông Duyệt, liền lập mưu quấy phá gia đình ông. Xuân Nguyên lấy cớ phụng mật chỉ của vua liền bắt bớ và tra khảo cả nhà Lê Văn Duyệt. Con trai nuôi Lê Văn Khôi quá uất ức, liền tính chuyện cướp ngục và mưu phản triều đình Huế.
 
Khôi cướp ngục thành công, liền xông vào dinh giết chết quan bố chánh Bạch Xuân Nguyên. Nguyễn Văn Quế - người cùng lo vụ án Lê Văn Duyệt, đem người đến cứu cũng bị giết chết. Sài Gòn bấy giờ có thành Bát quái, còn gọi là thành Phiên An với 8 mặt về 8 hướng, do Lê Văn Duyệt xây dựng để giữ an ninh trật tự. 
 
Phó lãnh binh thành Phiên An - Giả Tiến Chiêm đem hơn 400 lính chống lại nhưng cũng thua Lê Văn Khôi và 27 người lính phiến loạn. 
 
Lê Văn Khôi cho mở cửa tù, thả hết phạm nhân, phát khí giới cho họ, thu phục về phe loạn đảng. Khôi tự xưng là Đại nguyên soái, phong quan tước cho thủ hạ, lập triều đình riêng.
 
Chiếm được Phiên An thành, Khôi sai Thái Công Triều đem quân đi chiếm các tỉnh thành khác. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Nam Kỳ lục tỉnh đã nằm trong tay Lê Văn Khôi.
 
Để đàn áp “giặc Lê Văn Khôi”, triều đình Huế kéo hàng vạn quân theo đường thủy, đường bộ ồ ạt vào Nam. Triều đình chiếm lại hết các tỉnh thành, vây đánh Sài Gòn. Lê Văn Khôi thất thế, cố thủ tại Phiên An. Triều đình phá thành Phiên An ròng rã hai năm vẫn không vào được thành.
 
Năm 1834, Lê Văn Khôi chết vì bệnh phù thủng, hưởng dương 37 tuổi. Cái chết của Lê Văn Khôi là khơi nguồn của sự kiện tử hình tập thể đến 1831 người liên quan đến “loạn đảng”, khiến tử khí bao trùm đất Sài Gòn đến cả tháng chưa tan.
Khu bùng binh Ngã sáu Dân chủ xưa kia vốn là một huyệt mộ với số lượng thây ma khổng lồ.

Khu bùng binh ngã sáu Dân Chủ xưa kia vốn là một huyệt mộ với số lượng thây ma khổng lồ.

Xử lăng trì cậu bé 7 tuổi

Lê Văn Khôi mất, con trai mới 7 tuổi của ông là Lê Văn Câu được cử lên thay thế. Lúc bấy giờ, hiện trạng thành Phiên An hết sức nguy ngập, thành đang bị bao vây, dịch tả hoành hành, Lê Văn Khôi mất… khiến sĩ khí lẫn sức lực quân dân đều bị suy kiệt trầm trọng. Tuy vậy, mãi đến tháng 9 năm 1835, triều đình mới phá được thành Phiên An.

Quân nổi dậy bao gồm 1831 người đều bị giết chết. Triều đình cho đào một chiếc hố khổng lồ ở Đồng tập trận để chôn xác. Bất kể già, trẻ, gái, trai, cả con nít còn nằm nôi… trong thành Phiên An đều bị xử tử ngay sau đó. 

Xác được vứt xuống hố chôn tập thể, lấy đá đổ đống thành gò làm bia, đề: “nơi bọn nghịch tặc bị giết để tỏ quốc pháp”. Từ đó Đồng tập trận còn mang tên là Mả Ngụy.

Riêng có 6 người được gọi là đầu đảng bị đem ra Huế xử lăng trì. Trong đó có Lê Văn Câu mới vừa tròn 7 tuổi và một linh mục người Pháp là Marchand, thường gọi là cố Du. Theo quốc pháp, Lê Văn Câu và 5 người khác đều bị chặt hết tay chân, rồi cho xẻo từng miếng thịt, đau đớn đến chết mới thôi. 
 
Dân chúng còn đồn rằng, triều đình cho khai quật mộ Lê Văn Khôi, đem xương tứ chi quăng cho chó gặm, còn thủ cấp thì băm nhuyễn rải ngoài biển khơi. Tuy nhiên, không có sử gia nào nghiên cứu và chép lại điều này. Sau, triều đình cho đập thành Bát quái Phiên An, xây một thành mới nhỏ hơn, ít kiên cố hơn là Gia Định thành. Sài Gòn từ đó được biết đến bằng cái tên thành Gia Định.
 
Sau sự kiện “diệt giặc Lê Văn Khôi”, dân Sài Gòn thời bấy giờ mỗi khi cúng cô hồn thường làm bánh màu xanh đỏ dành cho “đầu lĩnh” Lê Văn Câu mới tròn 7 tuổi và trẻ con bị chết oan bởi binh biến Phiên An.
 Một số nhà theo đạo công giáo còn lén mua xì gà và rượu sâm-panh để cúng cho cố Du - tức linh mục người Pháp tên Marchand.
 
Theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, có thể hình dung Đồng tập trận hay còn gọi là Mả Ngụy bắt đầu ở khoảng khu vực Ngã sáu Công trường Dân chủ trải dài theo đại lộ 3 tháng 2, đường Điện Biên Phủ và khu vực Ngã Bảy (nơi có đường Lý Thái Tổ chạy qua) cho đến tận khu Trường đua Phú Thọ. 
 
Khu bùng binh Ngã sáu Dân chủ xưa kia vốn là một huyệt mộ với số lượng thây ma khổng lồ

Mả Ngụy - vùng đất của oan hồn giờ đã trở thành một trong những nơi sầm uất nhất TP HCM.

 
Và đúng như câu thơ “Chiều giông Mả ngụy cũng giông. Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây”, khu vực Mả ngụy được coi là “đất của oan hồn”. Các lão niên và sách sử còn chép lại, Mả ngụy thời ấy, không ai dám bén mảng, dần trở thành một vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm đất Gia Định. 
 
Mỗi khi chạng vạng, lập lờ giữa ánh sáng và bóng tối, Mả ngụy mờ đục như bị phủ một lớp sương. Người xưa đồn đại đó chính là vong hồn của gần 2.000 người bị chôn tập thể, bắt đầu trồi lên để sống phần của người cõi âm.
 
Và cũng chính nơi đây, “hoàng đế tự phong” Phan Xích Long và 56 người thuộc “Hội kín chống Pháp” đã bị xử bắn, sau cuộc khởi nghĩa thất bại diễn ra vào tháng 2/1916.
 
Mả Ngụy xưa kia đã chứng kiến biết bao cái chết, trở thành nghĩa địa tự phát lớn nhất Sài Gòn và vùng đất của oan hồn không ai dám khai phá. Nhưng theo quá trình đô thị hóa, vùng Mả Ngụy ngày nào đã trở thành một phần của quận 3, quận 10, một trong những nơi sầm uất nhất của TP HCM.
 
Và mỗi rằm tháng 7, cúng cô hồn, các cụ từ giữ đình, giữ miếu rải rác khắp Sài Gòn vẫn không quên khấn các vong hồn ở Mả Ngụy về nhận chút lòng của người dương gian. 
 
Tuy đã hơn 170 năm qua, kể từ vụ xử tử kinh hoàng, các lão niên vẫn còn ngân nga mấy câu thơ xót xa cho Mả Ngụy. Rằng, “Chiều giông Mả ngụy cũng giông. Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây. Sống thời gươm bén cầm tay. Chết thời một sợi lông mày cũng buông. Thương thay Mả ngụy mưa tuôn…”
Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất