Sắc màu Cuộc Sống

Bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội: Tình người và 'câu like'

Chia sẻ

Câu chuyện cộng đồng mạng giúp anh Lương Thế Huynh trong 9 tháng đi tìm con bị bắt cóc khiến nhiều người xúc động. Nhưng cũng có người lợi dụng chuyện thương tâm ấy "câu like".

“Trong thời gian đi tìm con, rất nhiều người biết thông tin trên mạng Internet đã giúp đỡ rất nhiều. Thấy xe máy của tôi cũ quá, một nhóm bạn trẻ kêu gọi quyên góp trên mạng rồi mua tặng chiếc xe mới để tìm con” - Anh Lương Thế Huynh ở Lâm Đồng, người rong ruổi 9 tháng tìm con bị bắt cóc, chia sẻ.

Tình người thật trên mạng ảo
Những ngày cuối tháng 6/2015, cư dân mạng xôn xao chia sẻ hình ảnh người cha tên Lương Thế Huynh với chiếc xe máy cũ kỹ, đi khắp nơi với bảng hiệu “Tìm con trai bị bắt cóc”.

Đã 9 tháng kể từ ngày con anh là Lương Thế Vương (3 tuổi) mất tích, anh Huynh vẫn không nguôi hy vọng. Cứ có người báo thấy trẻ giống con trai mình ở đâu, anh lại tức tốc phi xe tới.

Anh Huynh kể, trên đường đến các tỉnh thành tìm con, nhiều người không quen biết đã hỏi han tình hình và biếu tiền mua xăng. Có người còn mời anh ăn cơm, uống nước. Người cha mất con bảo, những hành động đó anh không bao giờ quên được, bởi nó là tình người trong cơn khốn khó.

1603024doisongbatcoctreem02

Từ sự kêu gọi chung tay giúp đỡ trên mạng ảo, không ít những tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ ấy.

Thành viên Nguyễn Ngọc Duy viết trên trang cá nhân: “Sẽ hỗ trợ chút kinh phí cho ai biết được thông tin bé bị bắt cóc. Khi đọc bài viết về người cha này, tôi cứ day dứt thương anh rong ruổi nhiều miền đất nước tìm đứa con bị bắt cóc…”.

Người này nói chỉ muốn góp phần khiến “nhiều người, nhiều đôi mắt cùng anh Huynh tìm lại đứa con thân yêu”. Những thông tin Ngọc Duy nhận được đều được chuyển đến cho anh Huynh, nhưng tiếc là chưa mang lại hiệu quả.

Thấy chiếc xe của người đàn ông đi tìm con quá cũ, một nhóm bạn trẻ liền lên mạng kêu gọi quyên góp mua tặng anh Huynh “ngựa sắt” mới. Cái tên “chuyến xe màu hồng” cũng là do các bạn đó đặt với mong muốn cha con sớm có ngày đoàn tụ.

Với từ khóa “bắt cóc trẻ em”, câu chuyện mạng thì ảo nhưng tình người rất thật không chỉ đúng với trường hợp của anh Lương Thế Huynh.

Cuối tháng 11/2015, nhiều diễn đàn mạng chia sẻ hình ảnh 12 cháu bé bị bắt cóc, bỏ rơi tại Quảng Ninh, được công an giải cứu. Họ hy vọng một lần bấm nút share đi là thêm nhiều cơ hội cho người thân tìm lại những cháu nhỏ không may thất lạc. Tất cả các em không có giấy tờ tùy thân nên rất khó tìm lại gia đình.

Chỉ trong một thời gian ngắn, câu chuyện về 12 cháu bé nhận được 2 triệu lượt xem, hàng nghìn bình luận và chia sẻ.

Nhiều thành viên mạng tỏ ra thương xót cho các cháu nhỏ mà lên tiếng: “Tôi cảm thấy vô cùng cảm động khi biết hoàn cảnh bất hạnh của các cháu. Mong mọi người chia sẻ để tiếp thêm hy vọng, tìm lại gia đình cho các em”.

Từ những câu chuyện đó, dân mạng bảo nhau rằng: “Tình người vẫn lan tỏa trên thế giới tưởng như ảo, để làm vơi đi những nỗi đau và cả mang thêm niềm hy vọng”.

Đau lòng “chiêu thức câu like”
Cuộc sống luôn tồn tại tính hai mặt của một vấn đề và mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Anh Huynh kể, những ngày đi tìm con, song song với nhiều chia sẻ, giúp đỡ từ phía cộng đồng mạng, cũng có người cố tình ghép ảnh con mình rồi chia sẻ thông tin sai lệch, khiến nỗi đau thêm sâu.

1603024doisongbatcoctreem01

Chị Lê Yến, mẹ cháu Vương, tâm sự: “Một số tài khoản Facebook bán hàng trên mạng đã dùng hình ảnh con trai mình và thêm thắt thông tin vào câu chuyện bé mất tích để thu hút sự chú ý”.

Đọc những dòng chữ bịa đặt đó, người mẹ mất con như bị khoét thêm sâu nỗi đau. Chị đã phải viết trên Facebook cá nhân rằng: “Xin mọi người làm ơn cùng chia sẻ giúp gia đình mình. Đây là những tấm hình do gia đình chụp cho con, một số người không hiểu rõ đã ghép vào đưa thông tin không đúng sự thật. Cảm ơn mọi người rất nhiều!”.

Anh Huynh bảo, nhiều người lợi dụng hình ảnh cháu Vương và gia đình anh để “câu like”. Có người đăng lên mạng thông tin anh được tặng chiếc xe SH trị giá đến 200 triệu đồng, thậm chí cả xe hơi.

“Nghe mà đau lòng quá. Chẳng nhẽ gia đình tôi lấy việc mất con mình đứt ruột đẻ ra để làm giàu? Tại sao họ lại đăng những thông tin thất thiệt để thu hút sự chú ý như vậy?” - người cha buồn bã đặt câu hỏi.

Đáng buồn, ngay cả cô giáo mầm non cũng “chém gió câu like” trên Facebook khi tung tin đồn học sinh bị bắt cóc. 

Theo báo Người Lao Động, ngày 26/3, một cô giáo trường mầm non tư thục Thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã thừa nhận đưa thông tin học sinh bị bắt cóc tại chợ Tầm Vu lên trang mạng xã hội nhằm… cảnh báo.

Trước đó, giữa tháng 3, tài khoản Facebook có tên M. đăng thông tin về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại khu chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hai tháng trước, Nguyễn Sơn Tùng (31 tuổi, ở Thái Nguyên), cũng sử dụng tài khoản Facebook “Tùng lò gạch” đăng tải thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực trường mầm non 19/5 (phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Sau khi vào cuộc xác minh, cơ quan công an đã bác bỏ tin đồn. Đến nay, cảnh sát đang truy tìm người tung tin thất thiệt lên Facebook.

Đề cập việc này, cũng chính cộng đồng mạng đặt câu hỏi, không biết một số người nghĩ gì khi “câu like” trên nỗi đau của người khác.

“Người ta mất con, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, mà những kẻ ấy còn viết tin đã tìm thấy bé hoặc bịa ra bắt cóc câu like, thật không thể hiểu nổi”. Thành viên Hoa Nguyễn bình luận.

Chia sẻ
Tin mới nhất