Phim Ảnh

Tâm sự của một người mẹ đã khóc nức nở vì 'Lửa Thiện Nhân'

Chia sẻ

Một tác phẩm mà người xem khóc từ đầu đến cuối, là một bộ phim Việt Nam dù thuộc bất cứ thể loại nào, làm được cũng được xem như kỳ tích.

Sequence_01Still001 (1)

Khi Lửa Thiện Nhân được trình chiếu khai mạc tại Liên hoan Phim độc lập New York năm 2014 và xuất hiện ngoài rạp Việt Nam từ quy mô nhỏ đến lớn, bộ phim đều được khán giả giang tay đón nhận. Đó là kết quả xứng đáng của một hành trình dài mà người làm ra nó cùng với với chính bản thân cậu bé Thiện Nhân đã trải qua để cùng mang đến cho khán giả một thông điệp đầy sức nặng và cảm hứng.

Một độc giả hiện đã làm mẹ vừa gửi đến cho Saostar những lời tâm sự tận đáy lòng sau khi xem xong bộ phim tài liệu đang “gây sốt” Lửa Thiện Nhân:

“Câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân, ở góc nhìn của tôi, là câu chuyện về một người mẹ vĩ đại. Tôi thấy ở đây có 2 người mẹ. Một người mẹ trẻ hèn nhát. Cô sinh ra một đứa con lành lặn khỏe mạnh (mơ ước của rất nhiều người) mà lại nỡ vứt nó đi, cho nó đói khát, thú hoang ăn mất bộ phận cơ thể con, kiến bu đầy lên người con. Hãy nhớ rằng đứa trẻ đã suýt chết và những ngày tiếp theo trong cuộc đời nó đã phải chịu rất nhiều đau đớn.

Từ những phút đầu tiên của bộ phim, câu chuyện của người mẹ trẻ ấy đã lấy đi nước mắt của khán giả, đặc biệt là phụ nữ. Tôi có giận nhưng cũng thương người mẹ trẻ ấy, người mà đã được phim giấu tên, hẳn cô đã bơ vơ lắm trong cuộc đời này.

Biết đâu, sau khi bỏ con vào rừng, với cơ thể đau đớn do vừa qua cuộc trở dạ,và bầu sữa căng tức, cô đã dằn vặt mình nhiều lắm… Biết đâu cô đã rất hoảng loạn và không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào, kể cả giúp đỡ về mặt tinh thần. Biết đâu… Nhưng dù thế nào, cô cũng không thể chối bỏ tội của mình với đứa trẻ.

Thien_Nhan_cung_ban_be_tham_gia_buoi_cong_chieu

Thiện Nhân cùng bạn bè trong ngày công chiếu bộ phim tài liệu về chính mình.

Thiện Nhân, khi được đưa vào bệnh viện, đã mắc thương tích lên tới 75%, tưởng như không qua khỏi. Thế mà nhờ vào các bác sĩ, nhờ vào tình yêu thương của những người dân nghèo tỉnh Quảng Nam, cậu vẫn sống cho tới khi gặp được mẹ Mai Anh, để được mẹ đưa đi hành trình rất dài tìm lại, tái tạo lại những bộ phận trên cơ thể con.

Bộ phim không tập trung nói về những vất vả trong cuộc sống đời thường của chị Mai Anh. Nhưng khi xem phim, tôi tự tưởng tượng ra. Bản thân cũng là một người mẹ, tôi thấy mình và những bà mẹ xung quanh mình quá bận rộn.

Công việc, áp lực cơm áo gạo tiền, lo cho gia đình, cho con… đã thấy quá tải rồi. Chị Mai Anh cũng ngần ấy thứ. Thế mà chị vẫn quyết định nhận thêm một đứa con nuôi có nhiều vấn đề phức tạp như Thiện Nhân và cùng con chiến đấu với những điều đó. Tôi quá ngưỡng mộ.

Cái mà tôi thấy ở chị không chỉ là tình thương, vì những người mẹ khác cũng có thể có tình thương dành cho đứa trẻ không phải con mình đẻ ra. Cái mà tôi thấy ở chị là sự dũng cảm. Chị dám đương đầu với khó khăn, mà cứ mỗi ngày khó khăn ấy lại xuất hiện dưới một hình dạng mới: con không đi được, con đi được nhưng chưa tiểu tiện được, tìm kiếm các bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới, tìm được bác sĩ nhưng không có tiền đi mổ, đi mổ về con lại bị nhiễm trùng, con đi lại được thì nó nghịch kinh khủng… Chị không lúc nào nản chí, với khó khăn mới chị lại nghĩ giải pháp mới.

maxresdefault (1)

Mẹ đẻ của Thiện Nhân không làm được những điều tối thiểu cho con, nhưng mẹ Mai Anh lại làm cho con những điều quá vĩ đại. Sự khác biệt giữa hai người mẹ khiến người xem không cầm được nước mắt. Một trong những đoạn xúc động nhất trong phim là sau một ca phẫu thuật, Thiện Nhân mở mắt ra, vẫn còn váng vất thuốc mê đã thì thào câu mà mẹ nghe mãi mới ra: “Lớn lên con chăm mẹ nhé”. Thiện Nhân còn bé nhưng đã hiểu được sự vất vả mẹ Mai Anh dành cho con, đó là điều an ủi mẹ rất nhiều.

Được biết anh Đặng Hồng Giang, đạo diễn bộ phim tài liệu này, đã dành ra 1.000 ngày thực hiện bộ phim, với những hình ảnh tư liệu từ quá khứ và dung lượng cảnh quay lên tới 500 GB, tôi nghĩ anh cũng phải rất khó khăn mới chọn lọc từ đó ra 77 phút cô đọng đến như thế. Xem đến đâu cũng xúc động.

Bộ phim đặt ra rất nhiều vấn đề chứ không phải là chuyện nuôi lớn một đứa trẻ thiếu chân: giáo dục giới tính trẻ vị thành niên, giáo dục trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, sự khó khăn của những đứa trẻ khuyết tật khi hòa nhập với xã hội… Bên cạnh những vấn đề vĩ mô ấy, tôi nghĩ mỗi ông bố bà mẹ xem phim đều nghĩ đến một câu hỏi nhỏ thôi nhưng thiết thực: “Nếu đó không phải con người ta mà người ta còn cố gắng như vậy, thì mình đã dành hết những điều tốt nhất trong phạm vi có thể cho con mình hay chưa?”.

Đứa trẻ khuyết tật có vấn đề của đứa trẻ khuyết tật mà đứa trẻ bình thường cũng có vấn đề của đứa trẻ bình thường. Đừng vì lơ là với con mà để nó trở thành không bình thường, dù là về thể xác hay tinh thần.

1484146_788610044583818_3092090342434348662_n

Điều mà bộ phim Lửa Thiện Nhân làm được, không chỉ gói trong việc đưa ra một giải pháp, một quỹ thu hút tiền cho những đứa trẻ khuyết tật được hồi phục, tái tạo chức năng cơ thể. Lửa Thiện Nhân còn truyền động lực cho tất cả những ông bố bà mẹ, và rộng hơn là tất cả những người đang đối mặt với khó khăn nữa - ai trong chúng ta không gặp khó khăn trong cuộc sống? - về một thái độ sống dũng cảm và mãnh liệt.

Và không bao giờ thỏa hiệp với những gì không phải tốt nhất, như những gì chị Mai Anh và tác giả bộ phim đã làm.”

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất