Phim Ảnh

Sau 'Tháng năm rực rỡ', phim remake ‘Ông ngoại tuổi 30’ tiếp tục được lòng khán giả nhờ lý do này

Lạc Lạc
Chia sẻ

Tương tự như bản Hàn Quốc, “Ông ngoại tuổi 30” phiên bản Việt vẫn là câu chuyện về tình thân – sự nghiệp, nhưng được miêu tả lại bằng sự chân chất của dàn diễn viên trẻ.

Ra mắt khán giả Việt vào ngày 28/03/2018, Ông ngoại tuổi 30 của Trịnh Thăng Bình nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút công chúng bởi thành công của tác phẩm remake trước đó - Tháng năm rực rỡ. Tuy nhiên, với vai diễn điện ảnh đầu tay này của Trịnh Thăng Bình, người xem Việt Nam có chút nghi ngờ liệu rằng Ông ngoại tuổi 30 có thể là một tác phẩm bị “phá banh”, khác xa hoàn toàn so với bản Hàn hay không. Người người nhà nhà đều cứ nghĩ đến khả năng tiêu cực ấy, nhưng đi xem rồi mới biết, Ông ngoại tuổi 30 vẫn có những điểm nổi bật và đặc biệt theo sát nguyên tác. Cùng SAOStar điểm qua những điểm đặc biệt ấy của phim - những lí do bạn nên ra rạp ngay để thưởng thức tác phẩm!

Kịch bản không mới nhưng remake phù hợp với khán giả Việt

Phim Ông ngoại tuổi 30 của đạo diễn Võ Thanh Hòa được làm lại từ Scandal Makers - tác phẩm rất nổi tiếng của đạo diễn - biên kịch tài ba Kang Hyung Chul. Tác phẩm là câu chuyện của một anh chàng MC kha khá nổi tiếng - Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình) gặp phải tình huống dở khóc dở cười - đột nhiên “từ trên trời rơi xuống” hai người thân: một cô con gái và một cháu ngoại trai. Sự kiện này khiến anh trong một lần khó chấp nhận được bản thân đã lên chức ông ngoại, khi chỉ vừa mới ở tuổi 30. Sự nghiệp vừa có chút thành tựu, lại sợ vì điều này mình sẽ phải gặp scandal, cho nên ngoài mặt anh luôn có tỏ ra kháng cự cảm giác ấm áp mà hai người mang lại.

Cô con gái Mi Trần (Kiều Trinh) và cháu ngoại Phương Đông (bé Coca Gia Bảo) tuy nghịch ngợm, nhưng lại mang không khí gia đình ấm áp đến cho căn nhà hiện đại của anh, khiến anh dần quen với điều đó. Thế nhưng, trong một lần cãi vã, con gái và cháu ngoại đã bỏ nhà đi, điều này khiến anh phải suy nghĩ rất nhiều về việc phải lựa chọn giữa tình thân hay sự nghiệp.

Tác phẩm thuộc thể loại tâm lý xã hội, nhưng lại xen lẫn những cảnh quay hài hước như: cảnh quay Phương Đông phá nát bức chân dung ông ngoại Sơn Huy yêu thích, cậu bé lại yêu thương “phun cơm” đầy mặt ông ngoại, hay như cô con gái Mi Trần tháo hết áo vest của Sơn Huy ra chỉ để treo đồ ở nhà của mình, nước hoa, sữa dưỡng trong nhà vệ sinh thì lộn xộn, lung tung hết cả lên, nhà cửa bừa bộn, khiến anh phải điêu đứng. Ngoài ra, những cảnh quay Sơn Huy có ý định “cưa cẩm” cô giáo, hay lúc Phương Đông vòi quà từ ông cũng được dàn diễn viên thể hiện vô cùng tốt, mang lại tiếng cười cho khán giả rạp.

Diễn viên chính - phụ đều hợp vai, không quá đơ cứng khi thể hiện cảm xúc

Sự thành công của một tác phẩm không chỉ nằm ở nội dung hay, mà còn là câu chuyện về khả năng diễn xuất của dàn diễn viên chính, đặc biệt là ba người Trịnh Thăng Bình, Kiều Trinh và bé Coco Gia Bảo. Vì là vai diễn điện ảnh đầu tay, nên Trịnh Thăng Bình bị rất nhiều người đặt nghi vấn về trình độ diễn xuất, thế nhưng, sau khi phim lên sóng, người xem đã phải công nhận tài năng của anh dưới vai trò là một diễn viên. Anh có thể sử dụng ngôn ngữ của mình và ngôn ngữ cơ thể vô cùng tốt, đôi khi khiến khán giả cười nắc nẻ nhưng cũng lắm lúc khiến họ phải khóc theo mình.

Kiều Trinh có lẽ là nhân vật vất vả nhất tác phẩm khi một mình cô phải làm tròn vai Mi Trần của mình, kiêm luôn cả nhân vật người mẹ. Thế nhưng, người xem vẫn nhận ra sự cố gắng thay đổi và thể hiện tâm lý nhân vật nhiều hơn qua từng cảnh quay, đặc biệt là những phân đoạn cao trào ở những giây phút gần cuối.

Cuối cùng, bé Coco Gia Bảo có thể nói là một diễn viên tài năng sau này nếu cậu bé theo nghiệp diễn. Chẳng ai còn có bất cứ nghi ngờ nào với cậu khi Gia Bảo vào vai Phương Đông cực ngọt. Sự lém lỉnh trên gương mặt, qua thần thái đôi mắt cũng khiến người xem cười vì những hành động như nháy mắt, tỏ ra buồn rầu khi có người hỏi về mối quan hệ gia phả giữa Sơn Huy và cậu.

Nhạc OST hay, lồng ghép vào khung cảnh phim hợp tình hợp lý!

Có thể nói, góp phần làm nên thành công Ông ngoại tuổi 30 không chỉ có nội dung, diễn viên, mà còn là sự lồng ghép những bản nhạc nền đầy cảm xúc, gợi cảm giác cho khán giả. Ông ngoại tuổi 30 có lẽ đã rất thành công trong việc lồng ghép ấy. Bài hát nhạc nền Tâm sự tuổi 30 của Trịnh Thăng Bình trình bày thật sự rất thu hút và lôi cuốn khán giả từng câu từng chữ. Lời bài hát như một lời tâm sự mà Trịnh Thăng Bình hát thay cho những chàng trai U30 vẫn còn lãng đãng và tâm tính vẫn còn rất bất ổn. Câu chuyện về những người đang ở lưng chừng chẳng ở tuổi 30 cũng không còn nhỏ nhắn 21, 22, đã được khắc họa rất nhiều qua các đầu sách, hiện giờ nó dường như được tái diễn lại trong tác phẩm Ông ngoại tuổi 30. Hai bài hát do Han Sara trình bày cũng thu hút khán giả bởi cách vừa đàn vừa hát và gương mặt xinh đẹp của Kiều Trinh.

Kết

Ông ngoại tuổi 30 là bản remake từ phiên bản Hàn, tuy vẫn còn 1 số sạn nhỏ trong phim, nhưng tác phẩm vẫn là một phim điện ảnh nằm trong list phải xem của bạn trong tháng này. Dù bạn cảm thấy hay hay dở ngay sau coi trailer, nhưng Ông ngoại tuổi 30 bản Việt vẫn là một phiên bản đáng xem trong tháng này của những người trẻ. Phim hiện đang được công chiếu ở các rạp trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Lạc Lạc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất