Vừa qua, đoàn làm phim Gạo chợ nước sông kết hợp với ban Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sỹ Sân Khấu (trực thuộc Hội Sân Khấu TP.HCM) cùng các mạnh thường quân đã có dịp tổ chức chúc Tết và tặng quà Tết cho các nghệ sỹ đang sống tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ quận 8, TP.HCM (Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM hiện là mái nhà chung của 22 nghệ sĩ lão thành). Các nghệ sĩ ở đây đa phần không có gia đình hoặc có hoàn cảnh đặc biệt nên tề tựu về sống cùng đồng nghiệp, sinh hoạt, ca hát để hồi tưởng lại những ngày còn làm nghề sôi nổi.
Ngoài những phần quà giá trị, các nghệ sĩ từ người trẻ đến lớn tuổi đều quây quần cùng trải qua những khoảnh khắc giao lưu văn nghệ vô cùng ý nghĩa và xúc động. Cũng trong sáng nay, ngoài ê-kíp của bộ phim Gạo chợ nước sông còn có sự hiện diện của Tiến sỹ, NSND “Cải lương Chi Bảo” Bạch Tuyết cùng các diễn viên trẻ như diễn viên Kiều Trinh, Huy Khánh, người mẫu Cao Thiên Trang, diễn viên - ca sĩ Jay Quân, 1 Dee, diễn viên Lãnh Thanh, Á quân The Face 2017 Tường Linh, hoa hậu Hằng Nguyễn cùng nhiều nghệ sĩ khác.
Á quân The Face 2017 Tường Linh chia sẻ: “Có đến thăm viện dưỡng lão nghệ sĩ mới hiểu hết những giá trị cuộc sống lẫn nghệ thuật. Tường Linh không kiềm được nước mắt khi nghe các nghệ sĩ lớn tuổi kể về những hào quang ngày xưa, và nhìn lại thực tại bây giờ. Dẫu biết ở đây có nhiều người để bầu bạn nhưng hẳn những nghệ sĩ gạo cội này vẫn cảm thấy cô đơn, nhất là khi nhớ về một thời vang bóng của mình”.
Điểm nhấn trong buổi ra mắt dự án phim Gạo chợ nước sông và thăm hỏi, chúc Tết các nghệ sĩ lão thành đó chính là những bút tích của các tài tử cải lương nổi tiếng một thời cùng những bộ phục trang đã được các diễn viên mặc trong các vở cải lương huyền thoại như: Tiếng trống Mê Linh (1977), Khi hoa anh đào nở (1957), Giấc mơ không đến hai lần (1964), Thái hậu Dương Vân Nga (1978)…
Lặng người ngắm nhìn những trang phục gắn liền với biết bao tuồng cải lương ngày xưa, Cao Thiên Trang cảm thấy như đang được sống lại cái không khí của nửa thập kỷ trước. Nữ người mẫu tâm sự: “Trang thích cải lương và vẫn thường xem lại một số vở diễn cũ của những nghệ sĩ gạo cội. Khi được tận mắt chứng kiến phục trang gốc, Trang thấy tự hào vì văn hóa Việt Nam đã có một bộ môn nghệ thuật đầy giá trị như thế này. Hy vọng lớp trẻ của Trang có thể bảo tồn được cải lương, điều mà dự án Gạo chợ nước sông đang ấp ủ thực hiện”
Cũng trong buổi gặp gỡ giao lưu sáng nay, NSUT Diệu Hiền đã biểu diễn lại trích đoạn Tần Quỳnh khóc bạn. Mặc dù sức khoẻ đã giảm sút bởi tuổi tác và phải ngồi để biểu diễn nhưng khi NSUT Diệu Hiền cất giọng thì cả khán phòng gần 200 người vỗ tay không ngớt. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự hiện diện của các nghệ sĩ trẻ như Nguyễn Lê Hiếu - chuyên gia nhái giọng các danh ca cải lương, nghệ sĩ Hồ Nhất Quang - chủ nhiệm CLB Vinh danh văn hoá Nam bộ cùng sự tham gia của các nhà hảo tâm đóng góp các phần quà và hiện vật ủng hộ Viện dưỡng lão Nghệ sĩ có một Tết Nguyên Đán đầm ấm.
Bằng lòng tự hào về lịch sử và những giá trị nghệ thuật cải lương truyền thống, diễn viên Phi Ngọc Ánh - Giám đốc dự án điện ảnh Gạo chợ nước sông với mong muốn tạo ra một tác phẩm điện ảnh “ôn cố tri tân”, kính tưởng công đức tiền nhân khai sáng nền nghệ thuật truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc Việt Nam nói chung, văn hóa Nam Bộ nói riêng. Nhà sản xuất đã chọn đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - người có thế mạnh với dòng phim cảm xúc và có khả năng khai thác rõ nét văn hoá dân tộc - cho vị trí “thuyền trưởng” trong dự án phim này.
Gạo chợ nước sông sẽ tái hiện lại khoảng thời gian thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, một giai đoạn cực thịnh của nghề hát để rồi trầm luân “rày đây mai đó”. Đây cũng là thời điểm sân khấu cải lương đã hoàn thiện từ ca diễn, cách dàn dựng và hình thành những gánh hát đại bang với đào kép ca hay diễn giỏi lẫy lừng khắp Nam Bộ. Thời điểm với những cô đào sáng giá như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Lan Chi, Ngọc Giàu, Lệ Thuỷ, Phương Liên, Mỹ Châu,… Sánh đôi với các cô lộng lẫy bao nhiêu là bấy nhiêu hào hoa của những anh kép vừa ca mùi vừa diễn hay như Út Trà Ôn, Việt Hùng, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Tấn Tài,…
Phim sẽ khai thác sâu đời sống, sinh hoạt đặc trưng người nghệ sỹ sân khấu trong những đoàn hát xuôi ngược trên vùng sông nước miền Tây Nam Bộ xưa. Khắc họa lại đôi nét văn hoá đã mất hay mơ hồ chỉ còn lại trong trí nhớ của những nghệ sỹ về chiều để cho ta thấy rằng sân khâu cải lương xưa đẹp long lanh như một cái nôi tạo nên sự vàng son vang bóng cho biết bao tên tuổi suốt mấy thế hệ.