Phim Ảnh

Top phim cổ trang Việt Nam 'xịn' không kém nước ngoài: Tưởng không hay mà hay không tưởng!

Thanh An
Chia sẻ

Mỗi khi có một tác phẩm thuộc thể loại này ra đời, khán giả Việt lại vô cùng háo hức và ủng hộ.

Thiên mệnh anh hùng

Đây là bộ phim được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết Bức huyết thư của Bùi Anh Tuấn. Nội dung phim kể về thảm án Lệ Chi Viên của gia tộc Nguyễn Trãi. 

Sau lệnh tru di của nhà vua, chỉ còn duy nhất đứa cháu trai 8 tuổi (theo đúng lịch sử là con may mắn sống sót nhờ gia nhân đưa đi trốn). 12 năm sau, đứa trẻ nay đã là một chàng trai khôi ngô và tinh thông võ nghệ. 

Anh dấn thân vào triều đình, tìm cách báo thù cho người thân với cái tên Trần Nguyên Vũ (nguyên tác là Trần Anh Vũ). Trên những bước đi truân chuyên ấy, anh gặp phải một cô gái xinh đẹp, có chung mối thù là nữ hiệp Hoa Xuân. 

Từ đó, họ đồng hành cùng nhau trong công việc tìm bức huyết thư liên quan đến vụ án và đối đầu với những cuộc tàn sát của các phe phái trong triều đình.

Bộ phim được đầu tư với kinh phí khủng là 25 tỷ đồng, ra mắt vào năm 2012. Cảnh quay hoành tráng, trang phục trau chuốt và những màn võ thuật đẹp mắt, đó là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm điện ảnh này.

Bộ phim đã đạt được 5 giải tại lễ trao giải Cánh diều vàng. Mặc dù còn nhiều điều chưa hoàn hảo về hoạt cảnh, tạo hình nhân vật nhưng Thiên mệnh anh hùng vẫn tạo dấu ấn lớn khi là một trong số ít phim cổ trang hiếm hoi được đầu tư kỹ lưỡng của màn ảnh Việt.

Tây Sơn hào kiệt

Bộ phim được dàn dựng theo kịch bản Ngàn năm thương nhớ của đạo diễn Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và NSND Lê Thành. 

Nội dung phim là câu chuyện về vị “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ, điểm nhấn là cuộc khởi nghĩa chống quân Mãn Thanh và cuộc tình với công chúa Ngọc Hân. 

Tây sơn hào kiệt lột tả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bộ phim được đầu tư cực kỳ hoành tráng về mọi mặt: quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu, bối cảnh phim trải dài từ Sài Gòn đến Hà Nội, 4000 diễn viên quần chúng, 7 khẩu đại bác, 7000 vũ khí, 200 võ sư, hơn 120 cascadeur, 100 con voi, 100 ngựa. 

Kinh phí sản xuất là 12 tỷ đồng vào 2010. Với ý nghĩa chào đón đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, bộ phim được xem là “bom tấn” của năm. Tây Sơn hào kiệt nhận được nhiều lời khen của người xem và những giải thưởng danh giá của giới chuyên môn.

Mỹ nhân kế

Được bấm máy bởi đạo diễn mát tay Nguyễn Quang Dũng và bộ sậu đình đám như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Diễm My 9X, Ngọc Quyên, bộ phim ngay lập tức gây sức hút ngay từ lúc chưa công chiếu. 

Nội dung phim kể về bộ tứ nữ sát thủ ở Đường Sơn Quán do Kiều Thị đứng đầu, chuyên cướp tài sản của người giàu và quan lại để có được cuộc sống như ý. Nhưng trong một lần, họ cướp nhầm viên xá lị dùng để cống nạp cho triều đình mà không hề hay biết. 

Hai mật thám gồm Dương Linh và Linh Lan được cử đi thăm dò nhưng sau đó lại có tình cảm với Đường Sơn Quán và kết thúc phim là một cuộc chiến nảy lửa và đẫm máu nhưng cũng đầy tình cảm và nước mắt.

Bộ phim đạt được doanh thu cao nhất trong lịch sử tại thời điểm công chiếu với hơn 52 tỷ đồng. Ngoài ra, Mỹ Nhân kế còn được công chiếu tại Mỹ và Úc. Dàn mỹ nhân cực đẹp, trang phục được trao chuốt và những màn múa võ đầy điêu luyện đã làm nên sức hút đối với hàng ngàn người hâm mộ. 

Dù còn nhiều thiếu sót về lời thoại và kịch bản, nhưng không thể phủ nhận, với trình độ của làng phim ảnh Việt Nam, thì tác phẩm này vô cùng xuất sắc.

Thái sư Trần Thủ Độ

Chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội 2010, Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim được hội đồng chuyên môn đánh giá cao.

Thái sư Trần Thủ Độ được đánh giá cao về chất lượng. Đây là một bộ phim được tìm hiểu khá chặt chẽ và tỉ mỉ về tính lịch sử nhưng vẫn lôi cuốn hấp dẫn người xem, không gây nhàm chán. Các chi tiết về trang phục, đạo cụ, võ thuật và bối cảnh được đánh giá cao, đậm chất thuần Việt.

Có thể nóiThái sư Trần Thủ Độ  là một bộ phim được đầu tư tâm huyết và có sự tham gia của những diễn viên, nghệ sĩ gạo cội tạo được tiếng vang lớn cho phim cổ trang Việt Nam.

Xem thêm: 8 vị sư phụ hấp dẫn nhất phim cổ trang Trung Quốc: Hứa Khải số 4, Trần Vỹ Đình áp chót

Bộ phim xoay quanh bối cảnh lịch sử là biến động náo loạn Thăng Long 1210 đến quá trình nhà Trần lên ngôi thay cho nhà Lý. Các tình tiết sự kiện phim hấp dẫn lôi cuốn người xem qua từng tập phim đặc sắc.

Lục Vân Tiên

Lục Vân Tiên là tác phẩm truyền hình đầu tiên được chuyển thể từ tập truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. 

Lục Vân Tiên quy tụ dàn diễn viên nổi bật nhất thời điểm đó như Chi Bảo, Nguyên Vũ, Quyền Linh, Minh Đạt, Phước Sang và Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Mỹ Uyên, Thân Thúy Hà...

Lục Vân Tiên kể về cuộc đời của chàng trai có tên Lục Vân Tiên. Vì là một người tài năng vượt bậc, Vân Tiên được Võ Thể Loan hứa gả con gái yêu Kiều Nguyệt Nga. 

Tuy nhiên, trên đường lên kinh dự thi, Vân Tiên đã nghe tin mẹ mất và khóc đến mù cả hai mắt. Từ đây, nhiều biến cố ập đến khi Vân Tiên bị hủy hôn, bị người khác hãm hại và phải trải qua nhiều khó khăn. 

Sau tất cả, bằng chính sức mạnh và tài năng của mình, Vân Tiên đã vượt qua trở ngại, có được công danh, quang minh chính đại sánh bước bên Kiều Nguyệt Nga. 

Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Tấm Cám: Chuyện chưa kể được xây dựng dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nước nhà và kết hợp thêm những câu chuyện ngoài lề để tạo nên một mạch truyện mới. 

Nội dung phim phản ánh lên những mâu thuẫn gia đình, mối quan hệ "mẹ ghẻ - con chồng" cũng như cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác và ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim cổ trang được đầu tư với kinh phí khủng cùng với sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ đẹp như Ninh Dương Lan Ngọc, Isaac, Jun Phạm, Hạ Vi... 

Tuy nhiên, phim vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều do cốt truyện dễ đoán và các diễn viên chưa tô đậm được màu sắc cho nhân vật.

Trạng Quỳnh

Nội dung phim Trạng Quỳnh được phóng tác từ những giai thoại về nhân vật cùng tên trong câu chuyện dân gian Việt Nam. Phim gây chú ý với sự tham gia của Nhã Phương, Trấn Thành, Quốc Anh... 

Tuy nhiên, trái với sự quảng bá rầm rộ và mong chờ của khán giả, Trạng Quỳnh lại không gây được tiếng vang lớn. 

Một phần là do nội dung phim rời rạc, chẳng phải cổ trang cũng chẳng phải hiện đại và có nhiều câu chuyện hài hước được lồng ghép vào không phù hợp.

Đồng thời, cách biểu đạt cảm xúc của nhân vật từ các diễn viên trong phim còn khiến người xem cảm thấy "khó cảm". Đổi lại, Trạng Quỳnh được đầu tư về cảnh quay và kỹ xảo đẹp mắt, trang phục của diễn viên cũng rất chỉn chu và nổi bật.

Phượng khấu 

Ra mắt vào năm 2020, Phượng khấu cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khi lấy đề tài cung đấu. 

Phượng khấu xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, hay được dân gian biết đến nhiều hơn với danh hiệu Từ Dụ thái hậu, một người phụ nữ hiền đức và có vai trò quan trọng suốt 10 triều Hoàng đế nhà Nguyễn.

Nội dung bộ phim tập trung xoay quanh quãng thời gian 1840 - 1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị. 

Vượt qua những âm mưu, hiểm nguy tầng tầng lớp lớp từ những người đàn bà trong nội đình, Từ Dụ hoàng hậu cuối cùng đã thành công trong việc đưa con trai của mình - Hồng Nhậm - lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức), còn bà được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu đầy uy quyền trong triều Nguyễn.

Có lẽ đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay, phim cổ trang Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm, đôi khi mang lại cảm giác nhàm chán. Điều này một phần do cái bóng quá lớn của phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc và Holywood bao phủ suốt nhiều năm qua tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, tất cả đều mang một nét riêng đặc trưng chung đó là khắc họa lại một phần nào những nét văn hóa của người Việt ta ngày xưa. Và điều đặc biệt nhất mà mỗi bộ phim cổ trang Việt mang lại đều là những giá trị nhân văn, khát vọng sống hạnh phúc, hòa bình của con người vẫn mãi còn về sau này.

Xem thêm: Nhan sắc Lưu Diệc Phi thuở 'em chưa 18': Đẹp ngút ngàn, Tiểu Long Nữ vẫn chưa phải xuất sắc nhất

Chia sẻ

Bài viết

Thanh An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất