Phim Ảnh

Những điểm chung giữa Tuổi 25, Tuổi 21 và Reply 1988: Hơn cả một bộ phim chữa lành vết thương

Phạm Quỳnh Thương - CTV
Chia sẻ

Tuổi 25, Tuổi 21 khiến nhiều khán giả bất ngờ nhớ đến Reply 1988 vì có quá nhiều điểm chung.

Tuổi 25, tuổi 21 đang là bộ phim truyền hình tạo được hiệu ứng tốt đối với khán giả. Nội dung phim nhân văn, mang thông điệp tích cực, thôi thúc trái tim nhiệt huyết và giúp chữa lành những tâm hồn chất chứa nỗi buồn.

Khi xem Tuổi 25, tuổi 21, khán giả sẽ cảm thấy hoài niệm về quá khứ với đầy biến động. Ngoài ra, bộ phim này cũng khiến người xem nhớ đến một tác phẩm truyền hình ăn khách khác, đó là Reply 1988. Bởi lẽ, cả hai phim đều tồn tại những đặc điểm chung.

1. Mang tới cảm giác hoài niệm

Trong khi Reply 1988 lấy bối cảnh Hàn Quốc những năm 1988 thì Tuổi 25, tuổi 21 lại đưa khán giả quay ngược thời gian về năm 1998. Và cả hai tác phẩm đều thành công trong việc lồng ghép đạo cụ mang tính cổ điển  xuyên suốt mọi cảnh phim.

Từ bốt điện thoại, chiếc tivi nhỏ cũ kỹ, máy tính để bàn, cửa hàng cho thuê truyện tranh, nghe nhạc trên radio, băng cát sét đến những bộ trang phục cổ điển.... Tất cả những vật dụng này đều xa lạ đối với giới trẻ ngày nay nhưng lại là kỷ niệm vô giá của lớp người thuộc thế hệ những năm 1990 về trước.

Bốt điện thoại năm 1998.

Vì vậy, việc sử dụng "chất liệu" cổ điển và cài cắm tỉ mỉ trong phim đã tạo ra được hai tác dụng quan trọng. Thứ nhất, khiến người trẻ cảm thấy tò mò nhưng cũng phần nào hiểu được xã hội thời kỳ trước. Thứ hai, những người thuộc thế hệ 8X, 9X như được sống lại khoảng thời gian 20, 30 năm trước và mang đến sự hoài niệm khó quên.

2. Đánh dấu sự kiện quan trọng trong quá khứ

Trong Reply 1988, thủ đô Seoul đang diễn ra Thế vận hội mùa hè 1988. Sự kiện thể thao này đặc biệt quan trọng và to lớn đối với Hàn Quốc.

Thời điểm đó, đất nước xứ Kim Chi trở thành quốc gia thứ 2 ở Châu Á đăng cai Thế vận hội Mùa hè. Đồng thời, đây cũng là kỳ thế vận hội có nhiều đoàn tham dự nhất lúc bấy giờ.

Cả nhà Deok Sun đang xem Thế vận hội mùa hè bằng chiếc tivi nhỏ.

Trái ngược với Reply 1988, sự kiện diễn ra vào năm 1998 trong Tuổi 25, tuổi 21 không hề tốt đẹp như thế. Bởi lẽ, bộ phim này đã chọn thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á đầy khó khăn.

Kinh tế sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều công ty tuyên bố vỡ nợ, gia đình phá sản, người thân ly tán. Giữa sự hỗn loạn của xã hội, những người trẻ phải nỗ lực đấu tranh để theo đuổi ước mơ.

3. Đi tìm câu trả lời trong mỗi tập phim

Cuối mỗi tập phim của Reply 1988, Deok Sun sẽ nói chuyện với chồng của mình ở hiện tại. Tuy nhiên, Deok Sun không tiết lộ danh tính của người chồng. Do đó, khán giả cảm thấy rất tò mò về việc cô sẽ lấy ai.

Quay về quá khứ, Deok Sun có tới 2 chàng trai theo đuổi. Một người là kì thủ cờ vây xuất sắc, hiền lành, ngoan ngoãn. Người còn lại là chàng trai nhà giàu, học giỏi nhưng cục súc. Vì vậy, khi sự tò mò tăng cao, khán giả đều phải để ý từng tập phim để đoán xem ai sẽ trở thành chồng của Deoksun.

Trong khi đó, Tuổi 25, tuổi 21 lại mở đầu bằng cuộc sống hiện tại của Na Hee Do và con gái. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chồng của cô vẫn chưa xuất hiện.

Na Hee Do đã có một chuyện tình rất đẹp với chàng thanh niên Baek Yi Jin.

Trở về năm 1998, Na Hee Do yêu chàng trai thông minh Baek Yi Jin. Tình yêu của cặp đôi nhẹ nhàng, lãng mạn và ấm áp.  

Thế nhưng, con gái của Na Hee Do tên là Kim Min Chae, tức là cô bé mang họ Kim. Trong khi đó, người con trai tạo nên tình yêu sâu đậm cùng cô thuở đuôi mươi lại mang họ Baek. 

Do đó, khán giả phải đặt ra câu hỏi "bố của Kim Min Chae là ai"? Và cặp đôi Na Hee Do - Baek Yi Jin sẽ trải qua những chuyện gì trong tương lai? Nhưng tất cả những thắc mắc này chỉ được giải đáp khi xem hết bộ phim.

4. Mang thông điệp chữa lành

Reply 1988 không chỉ xoay quanh chuyện tình yêu đôi lứa mà còn chú trọng khai thác về tình bạn, tình cảm gia đình và tình làng nghĩa xóm. Mỗi tập phim đều mang đến tiếng cười và cả những giọt nước mắt. 

Khán giả cười vì sự hài hước nhân văn để rồi khóc vì tình cảm của người dân sống tại ngõ nhỏ Ssangmun Dong. Vì vậy, với Reply 1988, tất cả chúng ta đều được an ủi, vỗ về.

Trong Tuổi 25, tuổi 21, nam chính Baek Yi Jin từng nói: "Thời thế hoàn toàn có thể tước đi ước mơ của chúng ta". Câu nói thực tế đến đau lòng này đã miêu tả chính xác những gì mọi người phải đối mặt khi xã hội xuất hiện biến động.

Nếu ở tuổi 25, tuổi 21 là cuộc khủng hoảng IMF thì hiện tại, chúng ta đang phải sống chung với đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

 Suy giảm kinh tế khiến Baek Yi Jin từ bỏ mong muốn làm việc tại NASA. Thời thế thay đổi suýt chút nữa chấm dứt ước mơ trở thành tuyển thủ đấu kiếm quốc gia của Na Hee Do. So sánh với hiện tại, Covid-19 đã khiến bao nhiêu người phải tạm dừng mọi hy vọng và hoài bão?

Tuy nhiên, thay vì chịu khuất phục trước thời cuộc, những người trẻ trong Tuổi 25, tuổi 21 đã nỗ lực không ngừng. Họ tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ, quyết không chịu chùn chân trước khó khăn của cuộc sống. Họ an ủi lẫn nhau và cũng an ủi cả những người trẻ đang sống trong thời kỳ đại dịch. 

Có thể thấy Reply 1988 hay Tuổi 25, tuổi 21 đều dùng sự hài hước nhẹ nhàng để chữa lành những tâm hồn bị tổn thương. Đồng thời, cả 2 bộ phim cũng cài cắm thông điệp nhân văn, hình tượng nhân vật điển hình để tạo động lực cho khán giả, giúp mọi người có thêm hy vọng vào tương lai.

Xem thêm: Hẹn Hò Chốn Công Sở tập 7: Ahn Hyo Seop và Kim Se Jeong hôn nhau cực cháy, couple phụ nóng bỏng mắt

Chia sẻ

Bài viết

Phạm Quỳnh Thương - CTV

Photo

tvN

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất