Mặt tối của phong trào làm phim LGBT: Sự phân biệt chủng tộc mới?

Chia sẻ

Cứ chạy theo thị hiếu số đông với hi vọng sẽ mở rộng được phạm vi khán giả, chính nhà làm phim sẽ là người sớm nhất phải trả giá cho sai lầm.

Thứ tình yêu bị cấm đoán, theo Oscar Wilde, nay đã thăng hoa mạnh mẽ và trở thành những chuyện tình đẹp đẽ và bình thường hơn bao giờ hết. Trong bài viết Carol, The Danish Girl và cơn bão LGBT của màn ảnh quốc tế kỳ trước, được Saostar.vn lược dịch một phần từ bài viết trên The Star-Ledger, chúng ta đã có một bức tranh toàn thể về những số phận, góc khuất và lịch sử của nhóm người thiểu số.

Đó là một cơn bão dồn dập chưa từng thấy, một lát cắt của của nền văn hóa đại chúng đổ bộ lên màn ảnh. Thế nhưng sau những dấu hiệu tích cực, tác giả Stephen Whitty đã đưa ra một số vấn đề xoay quanh phong trào làm phim này. 

Cần một sự cân bằng khéo léo

Emmerich dự định sẽ khiến Stonewall trở thành một bài học lịch sử đáng nhớ. Bằng việc viết lại những sự kiện theo hướng tập trung vào một cậu nhóc da trắng bộc trực, vị đạo diễn này đã vô tình xúc phạm một cộng đồng đa sắc tộc. (Tại khuôn viên của một trường đại học, thậm chí đã có một cuộc kêu gọi tẩy chay bộ phim được tổ chức bởi sinh viên của một nhóm LGBT.)

tomhanks

Huyền thoại của mọi thời đại, chủ nhân của hai giải Oscar Tom Hanks

Ron Nyswaner, nhà biên kịch đã chắp bút viết nên kịch bản của những bộ phim như Philadelphia hay series phim truyền hình Homeland, nói rằng nhà sản xuất thường đưa ra những yêu cầu ngặt nghèo về nhân vật. Họ (nhân vật) phải “đồng tính” đủ để có chỗ đứng trong kịch bản, nhưng không được “đồng tính quá” bởi điều này sẽ khiến họ trở nên tách biệt với các nhân vật dị tính khác. (Ngay cả trong kịch bản cho Freeheld, Nyswaner sau đó đã thừa nhận bản thân đã phải làm nhạt bớt tính cách của nhân vật để họ không quá “đồng tính nữ”.)

“Bạn mang đến một kịch bản với những nhân vật đồng tính, bạn sẽ luôn bị hỏi: ‘Vậy, tại sao anh ta lại đồng tính?’” - Nyswaner chia sẻ. “Không một ai trong số họ hỏi: ‘Vậy, tại sao anh ta lại dị tính?’… Tôi mong chờ một ngày khi tôi có thể viết về những nhân vật đồng tính và đưa họ vào một câu chuyện kể về thứ gì khác ngoài việc họ đồng tính và họ phải chật vật với xu hướng tình dục đó. Có hàng tá những người dị tính ngoài kia vẫn đang phải vật lộn với nhu cầu tình dục của họ đấy thôi. Chẳng phải 50 Shades or Grey là một ví dụ sao?”

Vào vai

Với các đạo diễn và diễn viên, những người phải tham gia diễn xuất hoặc chỉ đạo diễn xuất trong bộ phim, thì lại có một vấn đề hoàn toàn khác. Trong About Ray, dự kiến ra mắt trong năm sau, Elle Fanning vào vai một thiếu nữ với ý thức rõ ràng từ trong sâu thẳm trái tim mình, cô là một chàng trai. Trong The Danish Girl, Eddie Redmayne là một chàng hoạ sĩ tiếng tăm lẫy lừng từ từ nhận thức được bản thân là một người phụ nữ. Cả hai bộ phim đều khai thác cuộc hành trình của những đau đớn, dằn vặt nội tâm - và, sau cùng, là trợ giúp về mặt y học.

Abt Ray

Elle Fanning trong About Ray.

Và ngay giữa quá trình sản xuất, tất cả những bộ phim này đều phải đối mặt với những lời chỉ trích từ cộng đồng người chuyển giới. Lý do này đến từ việc đội ngũ làm phim đã thuê những ngôi sao không phải người chuyển giới - điều này, theo ý kiến của một số nhà hoạt động, giống như phiên bản hiện đại của tình trạng phân biệt chủng tộc. Jos Truitt từ mạng trực tuyến Feministing, chia sẻ với tờ New York Times rằng những bộ phim như The Danish Girl chỉ khiến người ta tin vào khuôn mẫu “phụ nữ chuyển giới chỉ là đàn ông trong lớp trang điểm”.

Nyswaner, người 12 năm trước đã sản xuất bộ phim một tập chiếu trên truyền hình có tên Solider’s Girl với sự tham gia của tài tử Lee Pace trong vai một phụ nữ chuyển giới - nói rằng ông hiểu rõ vấn đề, và cả sự xúc phạm. Nhưng ông cũng nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn của một nhà làm phim. “Ngay cả trong Philadelphia, người ta vẫn nói ‘Tại sao anh lại thuê một nam diễn viên dị tính vào vai người đồng tính?’” - Nyswaner chia sẻ. “Ồ, hãy nhìn xem, diễn viên là diễn viên. Họ có thể sắm vai bất kì ai.”

phil

Một cảnh trong Philadelphia (1993)

Và những người đã tạo nên The Danish Girl cũng đồng tình với quan điểm ấy. “Chúng ta sẽ ở trong một trạng thái khá nguy hiểm nếu những người đàn ông chỉ làm phim về những người đàn ông, và phụ nữ chỉ được làm phim về những người phụ nữ, và tương tự như thế, những người chuyển giới chỉ làm phim về chính cộng đồng của họ” - Coxon nói. “Bạn muốn mọi người tiếp cận được vấn đề, và tìm những người có thể đảm nhận được công việc một cách tốt nhất”.

“Tôi cho rằng, hoàn toàn từ góc nhìn của một diễn viên, tôi tin một diễn viên có khả năng hoá thân vào mọi vai diễn” - Eddie Redmayne, nam diễn viên vừa nhận giải Oscar cho vai diễn Stephen Hawking bày tỏ sự đồng tình. Anh cũng chỉ ra rằng trong khi anh là người-có-giới-tính-sinh-học là nam vào vai một phụ nữ chuyển giới, thì có một phụ nữ chuyển giới khác trong dàn diễn viên chính - Rebecca Root, lại vào vai một người có giới tính sinh học nữ.

eddie-redmayne-danish-girl-trailer

Eddie Redmayne trong The Danish Girl.

Redmayne tiếp tục nói: “Cần phải có thêm nhiều vai diễn cho những diễn viên chuyển giới. Họ cần được tiếp cận những vai diễn ấy và xứng đáng có được cơ hội”. Và một vài bộ phim độc lập kinh phí thấp, như Tangerine ra mắt trong năm nay, đã thuê những diễn viên chuyển giới vào vai những nhân vật chuyển giới. Nhưng những dự án phim lớn hơn vẫn còn là thứ gì đó ngoài tầm với. “Đôi khi, để làm được một bộ phim, bạn cần một ngôi sao điện ảnh”, Nyswaner nói. “Khi một ngôi sao điện ảnh chuyển giới xuất hiện, người ta sẽ lập tức mời cô ấy vào vô số những bộ phim ở đủ các thể loại. Nhưng đó là một cái vòng luẩn quẩn, bởi ngôi sao đâu thể xuất hiện nếu người ta không cho cô ấy một cơ hội xuất hiện trên màn ảnh?”

Tự hào vì là người đồng tính?

Những nhà làm phim khai thác các câu chuyện về cộng đồng LGBT còn buộc phải cân nhắc thêm một vấn đề - họ muốn kể một câu chuyện như thế nào? Thông điệp nào sẽ được gửi gắm trong bộ phim? Ngay cả khi những chiến dịch truyền thông xã hội làm an lòng những thiếu niên đồng tính bằng thông điệp “Mọi điều đang tốt dần lên”, thì những bộ phim màn ảnh rộng dường như lại nói điều ngược lại. Ngay cả khi có ngày càng nhiều những bộ phim khai thác chủ đề đồng tính được làm, thì vẫn còn nỗi sợ hãi tồn tại bên trong những cái kết có hậu.

Điều đó có cần thiết phải là một vấn đề? Không phải ai cũng nghĩ vậy. “Những cái kết có hậu rất nhàm chán”, Nyswande tuyên bố. “Nếu bạn đang làm phim truyền hình, sẽ phải có điều tồi tệ xảy ra với một ai đó trong phim - đó là bản chất của thể loại. “Mỗi bộ phim truyền hình phải chứa trong đó một bi kịch”, nam diễn viên Michael Shannon, tham gia một vai trong Freeheld cũng có cùng quan điểm. Nam diễn viên nói thêm, “bạn chỉ không muốn vấn đề giới tính của nhân vật trở thành bi kịch ấy thôi.” Bên cạnh đó, không phải sự phục hồi cũng là một dạng kết thúc có hậu sao?

fr

Julian Moore và Ellen Page trong Freeheld.

Coxon cũng thừa nhật rằng The Danish Girl không khép lại ở một khoảnh khắc lạc quan mang tính truyền thống, “chúng tôi muốn thể hiện rõ ràng rằng cô ấy (Einar/Lili) đạt được những gì mà cô ấy sẵn sàng hi sinh bản thân để có được”. “Cô ấy đã chiến thắng”. Tuy nhiên, việc nhìn thấy một nhân vật đồng tính làm gì đó nhiều hơn sự chịu đựng trong một bộ phim vẫn là một điều gì đó thật tươi mới. Đây chính là lí do khiến Carol - dù chỉ là một câu chuyện tình yêu bình lặng diễn ra trong bối cảnh những năm 50, có tiềm năng trở thành bộ phim LGBT mang tính cách mạng nhất trong năm nay. Bộ phim khép lại như bất kì một bộ phim nào khác: khán giả có thể khóc cạn nước mắt, nhưng họ (có lẽ cũng giống như các nhân vật trong phim) không hề hối tiếc.

“Điều khiến tôi yêu thích Carol là nó không hề đưa ra bất kì hình thức nào của sự hi sinh thường thấy hay sự trừng phạt. Bộ phim không kết thúc trong nỗi tuyệt vọng.” - Haynes nói. “Cả hai nhân vật chính trong phim đều có những khoảnh khắc dường như bị đánh bại. Nhưng sau cùng, họ không chỉ đứng vững, mà họ đứng ở một vị trí bình đẳng hơn”.

c

Cặp đôi nữ chính trong Carol.

Sự bình đẳng chân chính chỉ đến với những nhân vật đồng tính khi chúng ta nhìn thấy họ thường xuyên hơn trên màn ảnh, và trong những cốt truyện đa dạng hơn - điều này sẽ khiến “phim đồng tính” không còn tạo cho người ta cảm giác về một thể loại. Nhưng mặc dù Redmayne hi vọng “chúng ta đang đạt tới một dạng điểm giới hạn”, thì những người khác có vẻ ít lạc quan hơn.

“Tôi viết Philadelphia vào 20 năm trước và bộ phim giống như một cú nổ lớn mang lại nhiều thành công”, Nyswaner nói. “Nhưng sau đó chúng tôi không hề thấy một thị trường dành cho những bộ phim kiểu này. Một thời gian sau chúng ta có Brokeback Mountain. Sau đó không lâu nữa là Milk. Nhưng dòng chảy chung vẫn không có gì thay đổi, và tôi cũng không hi vọng Freeheld đạt được thành tựu gì lớn hơn những bộ phim trước đó. Đúng vậy, có một nền công nghiệp phim ảnh LGBT rộng lớn đang tồn tại. Có những liên hoan phim LGBT khắp nơi trên thế giới. Nhưng những bộ phim ấy dường như chỉ tồn tại bên trong lòng cộng đồng của họ.”

carol

Poster phim Carol.

Tuy nhiên, các bộ phim vẫn đều đặn được sản xuất, và một vài trong số đó - như Freeheld hay The Danish Girl hay Carol - cuối cùng cũng vượt khỏi khuôn khổ những liên hoan phim để được xuất hiện tại các rạp chiếu phim, và thậm chí cả một vài thành phố nhỏ. Điều này là vô cùng quan trọng. Với những thiếu niên đồng tính, như Ellen Page - người vẫn nhớ như in cảm giác khi xem But I’m a Cheerleader năm 14 tuổi - được xem một hình mẫu giống như mình trên màn ảnh có thể khiến mọi thứ khác đi. Và đối với những người trưởng thành dị tính xung quanh chúng, việc nhìn thấy một ai đó khác biệt có thể nhen nhóm một sự thay đổi.

“Phim ảnh là một cỗ máy tạo ra sự đồng cảm” - Ellen Page nói. “Chúng ta nhìn thấy những câu chuyện về những con người chúng ta nghĩ họ không giống mình, và sau đó chúng ta nhận ra không phải vậy. Và đó là cách duy nhất để sự thay đổi được hình thành.”

Bài kỳ trước: Carol, The Danish Girl và cơn bão LGBT của màn ảnh quốc tế

Chia sẻ
Tin mới nhất