Phim Ảnh

Sự trỗi dậy đầy hy vọng của dòng phim kỳ ảo ở Việt Nam

Chia sẻ

"Việt Nam chúng ta có rất nhiều điển tích, truyện cổ rất hay và nếu được dựng thành phim thì sẽ thu hút khán giả nhiều hơn" - diễn viên kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Sci-fi/Fantasy (Khoa học viễn tưởng/Kỳ ảo) là đề tài khó đối với nền điện ảnh Việt Nam, thậm chí cả Hollywood và đã có vô số tiền lệ thất bại, như một hiện trạng đáng buồn về khả năng làm phim hạn chế và thiếu hụt những thành quả kỹ thuật hiện đại. Thực chất, định nghĩa fantasy và sci-fi luôn khiến chúng ta một mặc định rằng đó là mảnh đất của sự sáng tạo, một không gian vượt quá tầm hiểu biết của con người. Điều này đúng khi chúng bắt đầu xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ 20 mà tiêu biểu là The Wizard of Oz (1939), cuộc cách mạng văn hóa Star Wars (1977), series chuyển thể đỉnh cao Lord of the Rings và siêu phẩm Avatar.

Avatar1

Siêu phẩm Avatar

Tất cả đã phác họa nên những xứ sở diệu kỳ và vẽ ra bối cảnh tương lai, nơi con người mơ ước đặt chân đến để chứng kiến trí tưởng tượng của họ bay cao trên màn ảnh. Khán giả Việt Nam cũng trong thời đại đa hạ tầng và những phương tiện trực tuyến lên ngôi, hầu hết đều có thể san sẻ chung ước mơ cùng hàng triệu fan hâm mộ toàn cầu. Tuy nhiên dù các bộ phim có kỹ xảo vượt trội đến đâu, điện ảnh vẫn là cỗ máy tái hiện đời sống chân thật và bộ môn nghệ thuật phản chiếu nền văn hóa tại chính quốc gia ấy .

Thử rồi mới biết!

Nụ hôn thần chết (2008) cũng là bộ phim có yếu tố kỳ ảo gặt hái nhiều thành công.

Nụ hôn thần chết (2008) cũng là bộ phim có yếu tố kỳ ảo gặt hái nhiều thành công.

Cũng như cổ trang, một tác phẩm viễn tưởng - thần thoại vốn dĩ đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đa phần thuộc về kinh phí và mức độ đầu tư phù hợp. Bài toán cân đo giữa lợi nhuận và chất lượng chưa bao giờ đạt tới trạng thái cân bằng, khi mà quá trình làm phim phải đi kèm hàng loạt kỹ xảo tối tân được xem là hành động “ném tiền qua cửa sổ”.

Còn nhớ Lửa Phật của đạo diễn Dustin Nguyễn vào năm 2013 đã tắt ngúm ngoài rạp vì nội dung xa vời - bởi là phát súng khai màn đầu tiên của fantasy, thậm chí nhiều người đã không hiểu nội dung trailer đang truyền tải vấn đề gì. Họ dễ dàng đắm chìm cùng thế giới của những Harry Potter, hành trình hộ nhẫn của Frodo nhưng lại không quen với bối cảnh lưng chừng, thiếu giai đoạn và nguồn gốc lịch sử nếu là phim Việt Nam.

Một vị võ sư giúp vua đuổi giặc ra khỏi bờ cõi đã lang thang giang hồ tìm cách gột bỏ bụi trần. Ông dừng chân tại một ngôi làng thì những xung đột mâu thuẫn xảy ra đã khiến ngôi làng mất đi vẻ bình yên vốn có. Tại đây, ông bị lôi cuốn vào vòng xoáy ái tình, thù hận với một người con gái xinh đẹp và một vị cao thủ khác. Giải thích về lý do thực hiện, đạo diễn Dustin Nguyễn khá bình thản: “Ai đã xem những kiệt tác kỹ xảo Avatar thì không cần… múa rìu qua mắt họ! Điều tôi chú trọng là những màn võ thuật, đặc biệt là những trận đánh, tính cách và phát triển tâm lý của nhân vật”.

letrung7_posterlp-mainnewcopy_92912

Và cuối cùng, Lửa Phật đã thất bại nặng nề. Bất chấp việc hàng loạt cây viết phê bình kêu gọi mọi người hãy ủng hộ một tác phẩm fantasy đầu tiên và chất lượng của điện ảnh nước nhà. Phải chăng vì quy luật nghiệt ngã của kẻ tiên phong, một là trở thành người hùng mang danh khai phá, hai là thành trò cười mua vui của thiên hạ, Lửa Phật miễn cưỡng rơi ở trường hợp sau. Lời nguyền ấy tiếp tục duy trì tới Cuộc chiến với chằn tinh của Đỗ Quang Hải Âu, bộ phim bạc mệnh đã chết yểu ngay từ lúc công bố trailer và số phận của nó đã chính thức rơi xuống vực thẳm bởi sự qua đời của đạo diễn. 

Qua thử nghiệm trên, rõ ràng, mâu thuẫn của khán giả - giữa nguyện vọng được thưởng thức những tác phẩm viễn tưởng/thần thoại và tư duy đón nhận sự đổi mới trong thể loại luôn song hành cùng nhau. Và dù sao, các nhà sản xuất cũng khó trách họ vì ngoài rạp đã có quá nhiều lựa chọn đến từ nền điện ảnh tiên tiến khác. Chúng ta xem Lửa Phật, Cuộc chiến với chằn tinh là những bước chập chững đầu tiên, ngược lại, người xem thì hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định nhằm đảm bảo nhu cầu của mình. Hai cơ chế hoạt động mua và bán của thị trường điện ảnh hoàn toàn không tương thích với nhau. 

Những tín hiệu khởi sắc

Những dấu hiệu đầu tiên của sự chuyển mình giờ là vấn đề doanh thu. Chỉ khi nào một bộ phim viễn tưởng/thần thoại Việt Nam có thể thoát lỗ và tạo ra lợi nhuận, thì vấn đề chất lượng hoặc liệu - nó có đủ sự “kỳ ảo” hay không đã không còn quan trọng. Ngày nảy ngày nay do Ngô Thanh Vân làm sản xuất là ví dụ điển hình. Dự án tập trung gần 80 shoot kỹ xảo và là tác phẩm nội địa sở hữu cảnh kỹ xảo nhiều nhất, tạo nên hình ảnh 3D của một Liên Trì Cung - nơi hai cô tiên Đan Nương, Tiểu Duyên sinh sống, thế giới địa ngục tối tăm và cảnh chiến đấu với chúa tể hắc ám.

Hậu trường của Ngày nảy ngày nay

Hậu trường của Ngày nảy ngày nay

Đả nữ tiết lộ, cô muốn thay đổi truyền thống làm phim mùa Tết thay vì cứ bào mòn yếu tố hài hước để câu khách khán giả. Và kết quả là 12 tỷ đồng kinh phí của Ngày nảy ngày nay đã đổi lấy 44 tỷ đồng tiền vé chỉ trong 18 ngày ra rạp. Thành công này đã tiếp thêm động lực cho Ngô Thanh Vân chuyển thể câu chuyện cổ tích Tấm Cám nhưng thông qua một góc nhìn khác - những chuyện chưa kể. Đây là xu hướng đang thịnh hành tại Hollywood bằng hàng loạt bom tấn như Maleficent - nữ hoàng xứ Moors hóa thành bà mẹ thương con, Universal dành hẳn một phần ngoại truyện để nói về hoàng hậu độc ác Ravenna (The Huntsman: The Winter's War).

Là ngôi sao “thân” Hollywood nhất Việt Nam, dự định của Ngô Thanh Vân không chỉ dừng ở việc điện ảnh hóa một câu chuyện cổ tích mà còn thêm thắt nhiều chi tiết cho kịch bản và giữ lại 70% nguyên tác. Mối quan hệ giữa bộ ba mẹ ghẻ, nàng Tấm và Cám dự đoán sẽ là cuộc chiến của ba người phụ nữ để đưa hình tượng nữ quyền thống trị.

3-15

Cũng trong năm nay, dự án điện ảnh Bao giờ có yêu nhau của đạo diễn Dustin Nguyễn sẽ phát hành vào giữa tháng 5, trước khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra mắt trong dịp hè. Nội dung  xoay quanh mối nhân duyên sâu nặng giữa Linh và Huy cùng những khuôn hình đẹp say lòng người, được biên kịch dựa trên Sự tích trầu cau trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. 

Linh (Minh Hằng thủ vai) - cô gái trẻ thích khám phá thiên nhiên bất ngờ gặp nạn tại một khu rừng hoang sơ. Lúc ấy, Huy (Quý Bình thủ vai) cũng đang tản bộ và cứu Linh, đưa cô đến trạm xá. Và thế là họ yêu nhau từ lần gặp gỡ ấy. Mối tình ngày càng trở nên sâu nặng, tới mức Huy thường xuyên mơ thấy mình cầu hôn Linh trước Bàu Sen Trắng. Anh quyết định tìm về vùng Bàu Trắng này kịp mùa sen nở và dành cho cô bất ngờ lớn nhất cuộc đời.

Ngô Thanh Vân: “Người Việt mình cũng có thể làm được kỹ xảo như Hollywood”

Chia sẻ với Saostar.vn về tham vọng “dấn thân” sâu hơn ở thể loại phim Fantasy, đặc biệt là Ngày nảy ngày nay và bom tấn hè 2016 Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngô Thanh Vân cho biết: “Vì ở mỗi thể loại phim khác nhau thì những đạo diễn khác đã làm khá thành công nên Vân cần một màu sắc riêng. Vân tự nghĩ tại sao mình lại không thực hiện mơ ước từ lâu đó là Fantasy. Tất nhiên đã làm phim thì luôn tồn tại rủi ro và khó khăn cả, nhưng nếu vì ngại khó mà bỏ qua thì đó thực sự không phải con người của Vân. Điều quan trọng là Việt Nam chúng ta rất nhiều điển tích, truyện cổ rất hay và nếu được dựng thành phim thì sẽ thu hút khán giả hơn.”

ngothanhvan

Nếu Hollywood đã có bà mẹ kế Cate Blanchett thì sắp tới, sẽ có thêm Ngô Thanh Vân cũng lộng lẫy và thủ đoạn không kém.

Thử thách nhất mà Ngô Thanh Vân phải vượt qua đó chính là công đoạn làm 3D và kỹ xảo, Ngày nảy ngày nay chiếm tới 80% hiệu ứng và ngoài ra thì “phải tìm được một kịch bản phù hợp, trang phục, đạo cụ,…tốn khá nhiều chi phí và công sức.”

Mặc dù vậy, cô vẫn khá lạc quan: “Trước khi quyết định theo đuổi dòng phim này thì Vân cũng đã tham gia một số lớp học về làm phim ở Mỹ. Bên cạnh đó, Vân cũng may mắn được làm việc và quen biết với một số nhà sản xuất, đạo diễn nổi tiếng của Hollywood như đạo diễn Jordan Vogt-Robert (đạo diễn King Kong 2), D.O.P Larry Fong, nhà sản xuất Harvey Weinstein nên cũng đã nhận được khá nhiều góp ý, lời khuyên trong quá trình thực hiện phim của mình. Còn về kỹ xảo thì hiện nay công ty Cyclo Animation đang làm rất tốt trong khâu kỹ xảo và sau phim Ngày nảy ngày nay thì Vân thấy rằng người Việt mình cũng có thể làm được những kỹ xảo như Hollywood đã làm”.

Chất lượng của Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn còn là chuyện “hạ hồi phân giải”, và chỉ một bộ phim này cũng không đủ làm nhen nhóm lên một lửa hy vọng quá lớn cho thể loại phim fantasy ở Việt Nam. Nhưng cũng không thể phủ nhận nếu thành công, nó sẽ là tiền đề khá tốt để thúc đẩy dòng phim này ở trị trường nội địa bước sang một trang mới.

Khán giả có lẽ sẽ hào hứng và bắt đầu quan tâm đến thể loại này hơn, còn các nhà sản xuất phim cũng sẽ mạnh dạn dấn thân sâu hơn để khai phá những chân trời mới. Tất cả sẽ được trả lời rõ ràng trong vòng năm nay, năm 2016, năm bước đệm của những cú chuyển mình mới trong điện ảnh Việt.

Chia sẻ
Tin mới nhất