Phim Ảnh

Đêm diễn Tứ Phủ: Hơn cả một tình yêu

Du Miên
Chia sẻ

Phải thừa nhận với nhau rằng, phải dũng cảm và yêu văn hoá dân gian lắm thì Việt Tú mới mạo hiểm đến vậy với vở diễn Tứ Phủ.

Trong những loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam có lẽ nghi lễ Lên Đồng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu là loại hình trình diễn hấp dẫn bậc nhất, vừa có đàn, vừa có hát, trang phục lộng lẫy tinh tế, tinh thần trình diễn độc đáo, tạo ra sự quan tâm đặc biệt với cộng đồng những người yêu văn hoá trên toàn thế giới. Chính vì vậy ngày 28/3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khán giả truyền hình ít nhiều cũng đã quen dần với nghi lễ này thông qua các phần biểu diễn của các nghệ sĩ trong các chương trình truyền hình gần đây, đặc biệt là bé Thiện Nhân tại The Voice Kids 2014 với Cô đôi Thượng Ngàn.

Tiết mục Cô đôi Thượng Ngàn của Thiện Nhân tại The Voice Kids 2014

Đêm 9/ 9/ 2016, chương trình biểu diễn Tứ Phủ với 3 giá hầu Đệ Nhị Mẫu Thượng Ngàn - Ông Hoàng Mười - Cô bé Thượng Ngàn thuộc nghi lễ Lên Đồng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu trong sự ngỡ ngàng, trầm trồ và yêu thích của khán giả phương Nam, cũng như khách du lịch nước ngoài về một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc và thấm đượm tinh thần người Việt đến vậy. Với tài năng của mình, Việt Tú đã khéo léo chuyển hoá một nghi thức tâm linh lên sân khấu thành một đêm diễn văn nghệ nhằm quảng bá nét đặc sắc Văn hoá dân gian người Việt mà không hề mất đi tính tôn nghiêm của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Giá hầu Đệ nhị Thượng Ngàn

Gói gọn trong gần 1 tiếng đồng hồ cùng ba giá chầu, các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Chèo Việt Nam đã liên tục múa - hát - đánh đàn (thập lục, đàn nguyệt), trống và thổi sáo trong sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả. Kết cấu vở diễn được tổ chức liền mạch với ba giá chầu liên tiếp. Có những đoạn lơi, nghỉ chỉ với phần phụ hoạ nhạc và hát nhưng chừng đó cũng vẫn khiến những ai có mặt tại nhà hát Bến Thành bị hấp dẫn. Sự thú vị của đêm diễn là với ba giá chầu với cùng một nghệ sĩ biểu diễn nhưng thần thái, hồn cốt của mỗi nhân vật đều được thể hiện mạch lạc, rõ ràng đâu ra đấy. Mẫu Thượng Ngàn uy nghiêm, quyền thế, ông Hoàng Mười oai phong lẫm liệt nhưng vẫn tài hoa thơ phú, cô Bé Thượng Ngàn nhí nhảnh hồn nhiên, rạng rỡ nói cười múa ca.

Giá hầu Ông Hoàng Mười

Những phần trình diễn ấn tượng của diễn viên, cùng hiệu ứng của những đoạn clip đặc tả đến từng chi tiết được thực hiện với tông màu lộng lẫy, vẫn dân tộc nhưng thực sự hiện đại. Hai người hầu dâng vốn trước đến nay không gây được sự chú ý, nhưng trên sân khấu Tứ Phủ họ trở thành điểm nhấn chính với sự lên xuống phối hợp nhịp nhàng cho phần khăn áo của Thanh đồng. Có thể nói cách tiếp cận mang tính tiên phong ”dùng tư tưởng hiện đại để làm nổi bật yếu tố truyền thống (tranditional avangade)” đặc trưng của đạo diễn Việt Tú đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Giá hầu Cô bé Thượng Ngàn

Trước khi đêm diễn bắt đầu, phần tiền sảnh lầu 1 của nhà hát Bến Thành được ê-kíp Nhà hát Việt (Viet Theatre) sử dụng để trưng bày những vật dụng, đạo cụ được sử dụng trong các buổi hầu lễ. Từ những hình nộm bằng giấy của các nhân vật trong Đạo mẫu như Mẫu, các Ông Hoàng, các cô Bé, v.v… cho tới các vật dụng thường được dùng trong lúc tiến hành lên đồng mang tính phương tục đặc thù. Những chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống áo tứ thân, khăn mỏ quạ đi lại hướng dẫn du khách, mời trà xanh trong những chiếc ấm Bát Tràng đặc trưng cũng được Việt Tú cầu kì sắp xếp để mang đến một không gian đậm chất Bắc Bộ nhất giữa đất phương Nam nắng gió. Toàn bộ những vật dụng đó được vận chuyển từ Bắc và Nam bằng xe tải.

Hiệu ứng khán giả trong đêm diễn

Nói đến những yếu tố bên lề với đầy sự ưu ái như vậy để thấy Việt Tú và ê-kíp đã cẩn thận đến nhường nào để mang đến cho khán giả một đêm diễn không đơn thuần chỉ để xem. Hơn hết, đó là sự cảm nhận về một tín ngưỡng đặc sắc của người Việt. Và có lẽ cũng bởi lựa chọn một loại hình nghệ thuật liên quan đến một tín ngưỡng nên những người thực hiện đã phải cẩn trọng hết mức, kính cẩn hết mức, đó cũng là điều dễ hiểu.

Nghi lễ Lê Đồng đã được mang trọn vẹn lên sân khấu cả về hình thức và tinh thần

Nghi lễ Lê Đồng đã được mang trọn vẹn lên sân khấu cả về hình thức và tinh thần

Đêm diễn Tứ Phủ là một hoạt động chính thức nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 12 đang diễn ra. Trước đó, Tứ Phủ cũng đã có vinh dự được tham gia biểu diễn trong các sự kiện lớn trong và ngoài nước. Có thể kể ra đây, như:

+ Ngày 15 tháng 10 năm 2015, Tứ Phủ đã có vinh dự trình diễn phần ấn tượng nhất trong vở diễn tại Tanzania trong một lễ khai trương nhà mạng lớn của Việt Nam trước Tổng thống và Phó Thủ Tướng Tanzania, cùng Bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và đông đảo quan khách hai nước.

+ Ngày 18 tháng 2 năm 2016, Rạp Công Nhân với sức chứa gần 500 chỗ chật kín khán giả đến thưởng thức trình diễn Tứ Phủ. Đây là một vinh dự chương trình mở màn năm mới 2016 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại Giao với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại đồng thời cũng là món quà đặc biệt danh cho bà Katherine Muller-Marin, nguyên Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, người được mệnh danh là “Người đàn bà di sản” với nhiều đóng góp lớn cho việc tôn vinh văn hóa Việt.

Trong 1 năm qua, Tứ Phủ đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị đại sứ, tuỳ viên văn hoá: Pháp, Anh, Italia, Ba Lan, Hy Lạp, Canada, Argentina, Hungari, Bỉ, Unicef…. Cùng hàng nghìn lượt khán giả trong nước, và mọi vùng quốc gia trên thế giới đến thưởng thức vở diễn độc đáo này.

Chia sẻ

Bài viết

Du Miên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất