Phim Ảnh

'Dearest' - Hành trình tìm con cảm động và đầy tính nhân văn

Chia sẻ

Được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật, “Con thân yêu” của “Én nhỏ” Triệu Vy là một trong những bộ phim về tình cảm gia đình đáng xem vào dịp Tết đến xuân về.

Những ngày giáp Tết Bính Thân, câu chuyện về người cha mải miết đi tìm con trai bị bắt cóc khiến cộng đồng mạng không khỏi xúc động. Một lần nữa, nạn bắt cóc trẻ em và những hệ lụy khôn lường của nó lại trở thành một chủ đề nhức nhối trong xã hội.

Việc điều tra, triệt phá những đường dây bắt cóc trẻ em đầy kịch tính trên màn ảnh nhỏ đã quá quen thuộc với khán giả. Nhưng đi sâu lột tả một cách bình dị và chân thực nỗi đau khổ cùng cực của những người cha, người mẹ bị mất con chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đề tài khó nhằn này đã được đạo diễn Trần Khả Tân lựa chọn và tái hiện thành công trong bộ phim điện ảnh Dearest (Con thân yêu). Phim quy tụ dàn diễn viên thực lực của Trung Quốc như: Triệu Vy, Hoàng Bột, Đồng Đại Vỹ, Hác Lôi…

Con_than_yeu_01

“Con thân yêu” đạt giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Kim Tượng Hồng Kông.

Không chỉ kể về hành trình rong ruổi tìm con của vợ chồng Điền Văn Quân (Hoàng Bột) và Lỗ Hiểu Quyên (Hác Lôi), Dearest còn lấy nước mắt khán giả bởi câu chuyện cảm động về tình mẫu tử sâu sắc giữa người phụ nữ nông thôn nghèo Lý Hống Cầm (Triệu Vy) và những đứa trẻ bị bắt cóc.

Trailer cuối cùng trước khi ra rạp của “Con thân yêu”.

Cậu bé 3 tuổi đáng yêu Bằng Bằng là sợi dây gắn kết duy nhất của cặp vợ chồng đã ly hôn ở Thâm Quyến: Văn Quân và Hiểu Quyên. Bằng Bằng được tòa án xét tạm thời sống với bố, nhưng trong một phút bất cẩn, Văn Quân đã để lạc mất con. Kể từ đó, Văn Quân và Hiểu Quyên bỏ lại đằng sau cuộc sống thực tại, cùng đi khắp nơi để tìm lại con yêu. Giữa biển người mênh mông đó, họ đã bị lừa tiền, bị coi khinh, bị lợi dụng, nhưng cũng nhận được không ít sự giúp đỡ của những người đồng cảnh ngộ.

Con_than_yeu_02

Nam diễn viên hài Hoàng Bột gây bất ngờ với vai diễn chính kịch nhiều cảm xúc Điền Văn Quân.

Con_than_yeu_03

Hác Lôi cũng thể hiện xuất sắc người mẹ mất con Lỗ Hiểu Quyên.

Ba năm sau, khi dường như đã tuyệt vọng, Văn Quân và Hiểu Quyên tìm lại được Bằng Bằng ở một nơi xa xôi hẻo lánh cách Thâm Quyến hàng nghìn cây số. Chưa kịp vỡ òa trong hạnh phúc, Hiểu Quyên đau đớn nhận ra, hai tiếng “Mẹ ơi!” của Bằng Bằng, giờ đây đã không còn dành để gọi cô. Bằng Bằng 6 tuổi không còn nhớ về ngôi nhà thân yêu ngày xưa, mà chỉ biết đến một người mẹ khác - Lý Hồng Cầm, người phụ nữ làm nông nghèo khó.

Con_than_yeu_04

Trớ trêu thay, Lý Hồng Cầm không hề biết rằng chồng cô chính là người đã bắt cóc Bằng Bằng ba năm về trước. Cô bỗng chốc trở thành nghi phạm và phải ngồi tù nửa năm. Con trai Bằng Bằng trở về với bố mẹ ruột, con gái Cát Phương bị đưa vào cô nhi viện. Lý Hồng Cầm ngày đêm mong mỏi được gặp lại các con. Người phụ nữ đơn độc bước vào cuộc chiến không cân sức với giám đốc cô nhi viện, với cha mẹ ruột của Bằng Bằng và cả pháp luật.

Con_than_yeu_05

“Con thân yêu” không dừng lại ở bi kịch của một gia đình mà còn là nỗi đau của cả xã hội.

Không có những cảnh hành động kịch tính, giật gân khi điều tra phá án nhưng Dearest vẫn hồi hộp, xúc động, nghẹn ngào qua từng giây phút. Hai câu chuyện, hai nỗi đau, hai bi kịch, hai góc nhìn của hai tuyến nhân vật khác nhau, được Trần Khả Tân khéo léo dẫn dắt vào trong phim. Đó là nỗi ân hận, day dứt, đau đáu ngóng tìm con của Văn Quân và Hiểu Quyên, cùng những người cha, người mẹ có con bị bắt cóc. Đó là nỗi đau khổ đến tột cùng của Lý Hồng Cầm - người phụ nữ vô sinh đã dành trọn tình yêu thương cho những đứa trẻ không phải ruột thịt: Bằng Bằng và Cát Phương. Cô, người mẹ nuôi của những đứa trẻ bị giằng ra khỏi người thân, xét cho cùng, cũng là nạn nhân của nạn bắt cóc trẻ em.

Con_than_yeu_06

Ông bố Điền Văn Quân đã phát đi hàng nghìn tờ rơi “Nếu đã mua con tôi, xin đừng cho cháu ăn đào, vì cháu bị dị ứng với quả này”.

Con_than_yeu_07

Giây phút nghẹn lòng khi người mẹ nuôi Lý Hồng Cầm cũng nói lại với Điền Văn Quân điều tương tự: “Xin đừng cho cháu ăn đào…”.

Bên cạnh đó, Dearest còn khiến người xem khắc khoải xót thương cho những số phận bất hạnh của những em bé bị bắt cóc. Em chẳng còn nhớ được cha mẹ ruột, cho dù có một ngày tìm về được nguồn cội. Và đến khi đã quen với gia đình mới, một lần nữa em lại bị giằng khỏi tay bố mẹ nuôi, bị chia cách với anh chị em thân thiết, để trở về với cha mẹ ruột mà nay đã trở nên xa lạ. Còn nếu cảnh sát không tìm được người sinh thành ra em thì em nào còn chỗ để đi, ngoài những trung tâm bảo trợ xã hội, để rồi ngày ngày khóc gọi hai tiếng “Mẹ ơi!” mà không có người ôm ấp, vỗ về?

Con_than_yeu_08

Hai đứa trẻ bất hạnh trong “Con thân yêu”.

Con_than_yeu_09

Bằng Bằng sợ hãi khi gặp lại bố ruột Điền Quân.

Con_than_yeu_10

Cát Phương nức nở khi nhìn thấy mẹ qua ô cửa sổ trong cô nhi viện.

Những thước phim nhuốm màu u buồn, những xúc cảm được đẩy lên đến tận cùng, những tiếng gọi “Mẹ ơi!” rơi lặng trong thinh không… Dearest là một tác phẩm chính kịch chân thành và cảm động của nền điện ảnh Hoa ngữ. Đóng góp vào thành công của bộ phim phải kể đến diễn xuất đầy tinh tế của dàn diễn viên chính, đặc biệt là Triệu Vy. Trút bỏ hết mọi phấn son, mái tóc dài, quần áo hàng hiệu, “Én nhỏ” đã lột xác hoàn toàn trong lốt một phụ nữ nông thôn nghèo, ít học, nhưng lại tràn đầy tình yêu thương. Vai diễn Lý Hồng Cầm nhận được nhiều lời khen của cả khán giả và giới chuyên môn, mang lại cho cô danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Kim Tượng Hồng Kông.

Con_than_yeu_11

Con_than_yeu_12

Triệu Vy làm rung động cả những khán giả chưa từng làm mẹ.

Tết không chỉ là dịp để chúng ta “cười thả ga” với những bộ phim hài hước. Tết còn là thời điểm để lắng đọng cảm xúc với những bộ phim tình cảm gia đình chân thực và cảm động. Mặc dù đã ra mắt cách đây hơn một năm, nhưng Dearest (Con thân yêu) vẫn là tác phẩm đáng để xem, để ngẫm, bởi thông điệp hết sức nhân văn mà bộ phim đã truyền tải: Hãy cùng đứng lên hành động để chống lại nạn bắt cóc con trẻ.

Dearest-2014

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất