Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đạo diễn 'Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi': Thất bại thì vẫn làm phim tiếp, giải đáp nghi vấn nam chính bị trầm cảm

Ra mắt công chúng với dự án phim độc lập nối tiếp "Nhắm mắt thấy mùa hè", "Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi" của đạo diễn Chung Chí Công tuy không có sức ảnh hưởng rộng rãi nhưng lại ẩn chứa nội dung sâu sắc khi hướng đến câu chuyện phổ biến của giới trẻ.

Thổi hồn cho dự án điện ảnh nối tiếp Nhắm mắt thấy mùa hè bằng chất liệu của âm nhạc ở Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, đạo diễn Chung Chí Công sau cùng đã có những chia sẻ thật tâm cùng với SAOStar về những khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như thông điệp mà anh gửi gắm thông qua thước phim đầy tính nghệ thuật.

Ngay thời điểm xuất phát của Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, anh đã kỳ vọng điều gì về bộ phim này?

Trước đây, khi chuẩn bị bắt tay vào thực hiện Nhắm mắt thấy mùa hè, dòng phim độc lập tại thị trường điện ảnh nước nhà thường được biết đến dưới dạng một dự án thông qua tài trợ từ các quỹ và sau khi hoàn thành thì mọi người sẽ mang phim đi chiếu ở những liên hoan phim do việc phát hành ở Việt Nam hầu như là không thể hoặc vì không có đầu ra và đối tượng khán giả tiếp cận chưa đủ. Thậm chí có nhiều phim mất hút trên thị trường Việt bởi góc nhìn của đạo diễn mang cá tính quá mạnh nên không qua được khâu kiểm duyệt.

Song nhận thấy tình trạng chung mà phim độc lập đang mắc phải nên tôi đã tìm hiểu và quan sát rất kỹ mô hình của Studio A24 ở Mỹ - nơi đã sản xuất ra nhiều tác phẩm đình đám như Moonlight, Lady Bird, The Lobster. Thì giống như định vị ban đầu mà họ hướng tới là làm để kiếm tiền nhưng đa số họ chỉ sản xuất phim độc lập, Studio A24 qua đó muốn tạo ra thị trường phát triển riêng với quan điểm rõ ràng rằng nếu người làm phim mà không thể bán thì cơ hội ra mắt những dự án tiếp theo bằng không. Thậm chí, việc bộ phim tự thân đó có thể bán được cho khán giả cũng là cơ hội để những người mới có thể làm phim và đưa phim của mình đến với công chúng.

Tôi rất thích mô hình của Studio A24, họ không làm phim độc lập để rồi mang đi liên hoan phim mà họ làm để bán và họ vẫn sống. Cho nên khi thực hiện dự án đầu tay Nhắm mắt thấy mùa hè, tôi đã suy nghĩ về mô hình đó sao cho phim vừa thể hiện được cá tính riêng của đạo diễn nhưng đồng thời vẫn hướng tới một nhóm thị trường nhất định.

Bởi về cơ bản, tôi chỉ cần phim hòa vốn, vừa đủ để có thể đi tiếp chứ không nhất thiết phải lời chục tỷ, trăm tỷ. Hơn thế, ngoài việc làm phim điện ảnh thì chúng tôi vẫn có những công việc khác để duy trì cuộc sống nên việc phim có thể hòa vốn đơn thuần là giúp chúng tôi có động lực đi tiếp và mọi người được trả lương cho phần việc của mình. Tuy nhiên, dù không nhiều lắm nhưng như mọi người cũng biết, Nhắm mắt thấy mùa hè đã lỗ. Phần lỗ đó cũng chính là thu nhập của anh em trong đoàn và mọi người hầu như không lấy tiền. Bởi chúng tôi lúc đó chỉ suy nghĩ rằng đây là bộ phim đầu tay mà anh em có chung với nhau và cũng nhận được sự thương mến từ một bộ phận khán giả ngoài kia.

Cho nên, khi đến với Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, tôi đã cố gắng tiết chế để chi phí sản xuất nằm ở mức độ mà mình có thể chấp nhận được cho một dự án phim độc lập. Thật ra nói cắt giảm thì cũng không đúng nhưng tôi nghĩ cách làm sao để kể câu chuyện của mình trong phần chi phí đó thôi. Với lại, tôi cũng chỉ đặt kỳ vọng đơn giản rằng dự án này sẽ hòa vốn hoặc nếu dư hơn được phần nào thì sẽ là niềm vui cho mọi người.

Nhưng trên tất cả, mục tiêu lớn nhất của tôi là có thể tìm ra lối đi cho những phim được sản xuất độc lập tại Việt Nam để nó thoát khỏi số phận bị cất kho hoặc chỉ dành cho việc mang đi liên hoan phim rồi thôi hay không vượt qua được kiểm duyệt. Song không chỉ có bộ phim của riêng tôi mà thông qua dự án lần này, tôi mong muốn những cộng đồng phim trong một năm có thể thực hiện từ bốn đến năm dự án giống như vậy. Mọi người tự tin kể câu chuyện của mình và có thể tìm được khán giả đồng hành.

Được khán giả nhận định rằng không quá khắt khe về mặt nội dung để bị hạn chế về kiểm duyệt, tại sao anh không chọn cách thương mại hóa Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi bằng việc hợp tác với những nhà sản xuất lớn ở Việt Nam? 

Thật ra ngay từ lúc đầu tôi đã không có ý định sẽ mang phim đến với các nhà sản xuất vì không muốn quá khứ lặp lại như ở Nhắm mắt thấy mùa hè khi suốt 8 tháng không nhận được nguồn đầu tư. Bởi thông qua hai bộ phim, tôi hiểu rằng một dự án nếu không có diễn viên nổi tiếng hay những yếu tố thúc đẩy khả năng bán vé thì chắc chắn đứng từ góc độ của nhà đầu tư, họ sẽ chùn chân. Bên cạnh đó, mỗi người đều có những công thức nhất định và vô tình thì phim của mình lại nằm ngoài hệ công thức đó.

Song bản thân cũng chưa phải người có tên tuổi trong ngành phim, mười năm kinh nghiệm của tôi vốn thuộc về lĩnh vực quảng cáo. Chính vì vậy mà cơ hội cho một người mới kể một câu chuyện mới cùng với dàn diễn viên mới và theo một phong cách mới gần như bằng không đối với chúng tôi ở Nhắm mắt thấy mùa hè. Cho nên, sau khi bắt đầu làm Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều do không biết mình có nên cầm dự án này đi chào nhà sản xuất hay không. Song tôi thấy rằng thay vì mình dành khoảng thời gian nửa năm hay thậm chí là một năm để cầm dự án này đi gõ cửa từng nhà thì thà mình tự bỏ tiền ra và thực hiện nó ngay từ bây giờ.

Bởi giống như lý do từng chia sẻ trên Facebook, tôi quan niệm rằng đôi khi, một vài việc nếu mình không thực hiện ngay tức khắc thì có thể nó sẽ vĩnh viễn biến mất vào ngày mai. Những con người, những cung đường, những bối cảnh hay cả những câu chuyện nếu không được kể bây giờ thì biết đâu bản thân ngày mai cũng không còn để hiện thực hóa nó. Thông điệp này cũng được truyền tải rõ ràng trong phim của tôi như bao bất ngờ xảy đến với hai nhân vật là Tâm và Thanh rồi lại ra đi một cách đột ngột như những người bạn chẳng hạn. Với tôi, quyết định đó không phải vì “YOLO” ( You only live once - Bạn chỉ sống một lần) mà đơn giản là tôi muốn cuộc sống của mình ý nghĩa hơn từng ngày nên mới bắt tay vào thực hiện luôn chứ không chờ đợi.

Anh nghĩ sao về việc thực hiện một dự án theo phong cách gần gũi và mang tính đại chúng hơn khi có ý kiến cho rằng việc lựa chọn cách kể chuyện bằng chất nhạc indie trong quá trình PR phim đã giới hạn đối tượng khán giả?

Tôi thường chọn cho mình một hướng đi khác so với những khuôn mẫu trước đó nên từ hành động cho đến quyết định đều xuất phát từ lựa chọn của trái tim chứ không phân định đúng sai hay ước tính mức độ hiệu quả cho đến khi sản phẩm chính thức được trình chiếu. Còn nói về lý do chọn nhạc indie thì tôi công nhận chiến thuật này không hiệu quả nhưng đó là sau khi phim đã hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi cùng bàn bạc lại thì vốn dĩ nguyên nhân không nằm ở việc sử dụng nhạc indie làm chất liệu chính hay kể cả việc đây là một bộ phim độc lập mà nằm ở những trăn trở liên quan đến người trẻ và mảnh đất Sài Gòn cùng nhiều thứ sắp biến mất.

Dù vậy, tôi nghĩ một chiến dịch thì luôn cần có sự đồng bộ về mặt thông điệp nên việc tạo ra một thông điệp theo hướng mới sẽ khiến những người đã quen với thông điệp cũ khó lòng chấp nhận. Song những người tìm đến thông điệp mới lại chưa đủ thời gian để cảm nhận nó vì trailer phim được công bố cách ngày ra mắt chỉ vỏn vẹn trong vòng một tuần. Do đó, cũng là một bài học để rút kinh nghiệm cho những dự án về sau, tôi cho rằng mình cần có chiến dịch truyền thông dài hơi cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng và chú trọng về mặt thời gian để khán giả có thể ngấm được màu phim.

Tuy nhiên, đôi khi mình hiểu nhưng điều kiện lại không cho phép vì khi mình thay đổi một thông điệp thì cũng đồng nghĩa với việc ngân sách phải đủ lớn. Bởi không phải chưa từng nghĩ đến khoảng cách ngắn ngủi giữa trailer và bản hoàn chỉnh sẽ khiến người xem gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhưng giờ thời thế đã vậy rồi, chúng tôi chỉ có thể nói với nhau rằng nếu đã lên thuyền thì phải ra khơi, để xem liệu có cơn gió nào sẽ đẩy mình đi được hay không. Song điều mà chúng tôi mong muốn là truyền thông có thể nhìn thấy được tinh thần và nội dung mà phim muốn hướng tới người trẻ thay vì nhìn vào bề nổi đang diễn ra.

Vậy ngoài những bài học về truyền thông, anh nghĩ cái giá phải trả sau khi thực hiện dự án này là gì?

Trước hết, tôi nghĩ khi không biết đi đâu thì nên quay về với cái gốc vấn đề của mình. Trong giai đoạn truyền thông cho phim, tôi đã bị tác động bởi quá nhiều thứ bởi bên cạnh công việc đạo diễn thì tôi còn phải lo cả mặt nội dung và chính việc đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc đã khiến tôi đôi khi bị hoang mang do không thể tập trung vào một cái nhất định. Vậy nên qua câu chuyện lần này, bài học mà tôi rút ra là nên chia sẻ công việc cho nhau và tập trung vào vai trò chuyên môn hay thậm chí ở những dự án sau, tôi sẽ tách mình ra khỏi bộ phận truyền thông để đầu tư vào khâu sản xuất thôi.

Nhận được phản hồi tích cực và sự ủng hộ từ phía công chúng ngay khi đăng tải chia sẻ trên Facebook nhưng lại nhanh chóng gặp phải ý kiến trái chiều từ một số kênh truyền thông vài ngày sau đó, anh có suy nghĩ gì trước sự thay đổi có phần khắc nghiệt này? 

Thật ra ngay khi vừa đăng tải dòng trạng thái đó, tôi đã được bạn bè cảnh báo trước về những hệ quả sau đó và bản thân đã chuẩn bị tâm lý sẽ chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình bởi nếu đã chấp nhận đứng ngoài mũi tàu thì đồng nghĩa với việc sẽ trở thành người đầu tiên đối diện với sóng gió. Tuy nhiên, đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng bởi bên cạnh những tích cực thì sự tiêu cực không phải là không có, tôi đau lòng khi hình dung “đứa con tinh thần” của mình phải hứng chịu định kiến.

Ở vị trí một đạo diễn, tôi dùng từ “nhắc” để kêu gọi mọi người ra rạp trên dòng trạng thái vì đối tượng khán giả mà tôi muốn gửi gắm thông điệp trước hết là những bạn đã thích và quan tâm đến phim ngay giai đoạn ra mắt trailer hay mọi thứ liên quan đến Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi từ cái tựa cho đến hình ảnh hay âm nhạc vì tôi không biết ngày mai, phim còn xuất chiếu nữa hay không. Thêm vào đó, tôi cũng mong muốn những ai đã xem phim dù có cảm nhận ra sao cũng hãy chia sẻ một cái gì đó lên trang cá nhân của họ để những khán giả khác dựa trên cơ sở ấy mà lựa chọn và quyết định có nên ra rạp hay không.

Còn về việc một trăm năm mươi nghìn bạn trẻ tiếp sức để phim được sống thì người làm nghề nhìn vào sẽ biết đó là một con số đủ để hòa vốn cho một dự án. Song người làm phim cũng cần phải sống nên nếu phim chết thì chúng tôi cũng khó trụ vững. Trước khi có thể mơ ước điều gì đó xa xôi hơn thì chúng tôi vẫn cần phải lo cơm áo gạo tiền. Chính vì lẽ đó, việc bộ phim hòa vốn như nguồn động lực để chúng tôi phát triển những dự án sau này và tiếp thêm niềm tin cho nhiều người cùng chung hoài bão rằng nếu tiếp tục thì vẫn có thể sống được với nghề. Và trên tất cả, lý do tôi viết lời kêu gọi là vì tôi tin vào sản phẩm của mình. Tôi tin nó là một “đứa con” tốt, nó có đạo đức và vô hại nên hành động ấy như một cách mà tôi bảo vệ cũng như định hình lại nó trong mắt mọi người. Tôi muốn bù đắp cho việc trước đó đã không chuẩn bị chu toàn cho nó.

Đồng thời, tôi cũng tìm đến những bài viết tích cực hay những chia sẻ cùng lời an ủi, động viên của mọi người để củng cố niềm tin và động lực cho bản thân. Thậm chí sau ngày hôm đó, tối nào tôi cũng dẫn các bạn diễn viên đi đến từng rạp dù đông hay vắng, không xin vào trong được thì đứng ở ngoài để cảm ơn khán giả vì đã ủng hộ phim. Chưa từng một lần, một lời hay một ngày nào tôi trách khán giả vì đã không đến với tác phẩm của tôi vì suy cho cùng vẫn là do bản thân mình. Dù vậy, khi đưa ra lời kêu gọi, điều tôi mong muốn chỉ là phim được tiếp tục chiếu, chứ không phải cho phim giàu. Chúng tôi không dùng từ “giải cứu” vì nghe vậy thì tuyệt vọng quá! Và tôi cũng không thích cụm từ đó bởi tôi không có ý định lấy sự thương hại từ người khác mà chúng tôi dùng cách diễn đạt là “cần tiếp sức”.

Anh nghĩ sao về việc nhân vật Tâm (Hà Quốc Hoàng) trong Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi được một số khán giả đặt ra giả thuyết rằng anh chàng là một người trầm cảm và tự xây dựng cuộc sống xung quanh mình để làm bạn? Điều đó có đúng với ý đồ của anh khi viết kịch bản không?

Gọi là giả thuyết thì không đúng lắm vì điều này đã được giới thiệu trong hồ sơ nhân vật và cụ thể nhất là hình ảnh Tâm luôn gắn liền với cây đàn. Vì nếu như ở phim Ký sinh trùng, hòn đá tượng trưng cho gánh nặng của một gia đình thì với Tâm, cây đàn như một ám thị biểu tượng cho ước mơ, đam mê nhưng đồng thời cũng là gánh nặng hay một căn bệnh tâm lý mà anh phải mang theo trong suốt hành trình. Song khi phát triển nhân vật này, tôi luôn quan sát những người bạn xung quanh mình và lắng nghe chia sẻ của các bạn trẻ vì ngoài vai trò là một đạo diễn, tôi còn dành thời gian để đứng trên giảng đường đại học. Nhờ đó, tôi biết nhiều bạn trẻ cũng đang rơi vào tình trạng giống như Tâm và bản thân tôi đã từng trải qua điều này.

Tuy nhiên ở trên phim, tôi muốn thể hiện nhân vật của mình một cách vừa có chủ đích mà vừa tự nhiên bằng những hình ảnh ẩn ý để biểu đạt như cách anh ta né tránh những vấn đề cá nhân cần giải quyết do tôi không muốn lột tả lộ liễu. Bởi thông thường, người trầm cảm sẽ không bao giờ thừa nhận chuyện đó mà cố gắng trốn tránh dù nó luôn tồn tại trong mỗi chúng ta tùy theo cấp độ nặng hay nhẹ, cao hay thấp mà thôi. Chính vì lẽ đó mà trước khi xưng tội tại nhà thờ và dũng cảm đối mặt với vấn đề của mình bằng cách gọi điện cho mẹ để thú nhận tất cả, Tâm luôn thể hiện bên ngoài là một con người vui vẻ với nụ cười đã được mặc định dù nội tâm ẩn chứa niềm đau. Vậy nên, thứ mà chúng tôi quan tâm không phải căn bệnh trầm cảm mà là cách chúng ta đối diện để vượt qua nó.

Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Thanh (Trần Lê Thúy Vy) là sản phẩm tưởng tượng để tạo ra một người bạn cho Tâm giải tỏa những vấn đề của mình?

Thật ra không phải không có căn cứ để mọi người tin vào giả thuyết đó vì khi viết mô tả nhân vật, tôi đã ấn định rằng Thanh chính là phiên bản trưởng thành hơn của Tâm và Tâm chính là phiên bản trước đó của nữ chính nên khi hai nhân vật gặp nhau, họ nhìn thấy chính mình ở đối phương nhưng tại một thời điểm khác. Để rồi, âm thầm tồn tại như nhân vật trung tâm nhưng khuất bóng, sự trầm cảm chính là vấn đề mà tuổi trẻ phải đối mặt và Tâm hay Thanh chỉ có nhiệm vụ phản ánh điều đó mà thôi. Cho nên không phải Thanh là nhân vật tưởng tượng của Tâm mà cả hai đều là hình tượng hóa cho vấn đề chung ở giới trẻ.

Càng hiện đại thì con người ta càng gặp nhiều vấn đề mà đặc biệt là tình trạng trầm cảm xảy ra ở giới trẻ bởi những áp lực từ phía gia đình, bạn bè hay công việc và cả chuyện tình cảm. Vậy anh nghĩ sao về việc đó và anh đã thể hiện điều này như thế nào trong bộ phim của mình?

Tôi nghĩ sự xuất hiện của công nghệ hay mọi thứ đã mang đến cho mình cảm giác gần như hiểu hết người khác. Ví dụ như việc chúng ta chỉ cần mở News Feed trên Facebook cũng có thể kết nối với bạn bè và cảm giác gần họ đến mức không cần gặp mặt nhau. Song chính những tác nhân vô hình ấy đã dẫn đến việc chúng ta không còn nhu cầu nói chuyện trực tiếp nữa. Do đó, tôi gần như loại bỏ những yếu tố liên quan tới tính công nghệ trong phim để hai nhân vật được trò chuyện một cách tự nhiên. Thậm chí khi xa nhau, Thanh còn block Tâm bởi cô không muốn giao tiếp với anh thông qua một phương tiện nào khác ngoài việc nói chuyện. Tôi nghĩ đây cũng là hướng đi tốt cho vấn đề mà hai người đang gặp phải bởi mọi thứ trong cuộc sống đều có thể giải quyết khi mình học cách nói chuyện với nhau.

Liệu Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi có kế hoạch tham gia những buổi liên hoan phim hay chợ phim quốc tế không? 

Kế hoạch này vốn nằm trong dự định sắp tới vì hiện tại tôi đang tìm một số liên hoan phim phù hợp với dòng phim của mình để gửi đi. Song chợ phim cũng nằm trong dự định vì như đã chia sẻ, tôi sẽ cố gắng bán phim càng xa càng tốt để tác phẩm không chỉ được khán giả săn đón hơn mà còn giúp chúng tôi có thể tìm được hướng đi sau khi phim rời rạp. Còn về kế hoạch trong tương lai thì tôi sẽ tiến đến một dự án dài hơi dành cho những bạn có cá tính tương đồng với nhân vật Tâm.

Nếu ở cả Nhắm mắt thấy mùa hè và Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi đều mang đến hình ảnh nhẹ nhàng, duy mỹ, anh có ý định thay đổi chiến lược cho dự án sắp tới theo hướng gay gắt và khốc liệt hơn như thể loại kinh dị hay tâm lý nặng để tạo ra hướng mới cũng như dễ dàng tiếp cận với thị trường khán giả đại chúng không?

Thực chất hai tác phẩm đầu tay của tôi vốn có cách tiếp cận khác nhau. Bởi nếu Nhắm mắt thấy mùa hè mang tính hoài niệm thì Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi lại chú trọng đến hiện tại và tương lai. Từ đây, vì mang hai chiều thời gian khác nhau nên tinh thần cũng có phần trái ngược khi một bên thì lãng đãng, thoại ít và phần lớn biểu đạt nội dung bằng hình ảnh thì một bên lại thoại nhiều, gai góc hơn về mặt câu chuyện. Song bàn đến tương lai, ở góc độ một người kể chuyện, tôi luôn muốn mang đến những màu sắc mới như thể loại hình sự, phiêu lưu mạo hiểm và diễn ra trong một không gian rộng hơn.

Điều gì khiến anh lựa chọn tách biệt với dòng phim thị trường?

Điều này vốn xuất phát từ con người của tôi nhiều hơn. Từ khi còn là sinh viên, do nhiều tác động vì một phần không được đào tạo bài bản và bản thân luôn muốn làm cái mới nên tôi thường lựa chọn làm nhạc kịch thay vì kịch nói giống những người có chuyên môn. Song đến khi chuyển qua làm phim, tôi vẫn giữ vững lập trường này. Bởi sau khi quan sát và thấy rằng đã có rất nhiều người làm tốt mảng phim thương mại như Chánh Phương hay CJ Entertainment, HKFilm, tôi hiểu một lính mới như mình chưa chắc đã đủ khả năng kể chuyện hay tạo ra những sản phẩm tốt bằng. Cho nên, tôi quyết định đi tìm một hướng mới nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bản thân phải chấp nhận trả giá để đổi lấy những bài học cho mình.

Thật ra tôi vẫn có thể làm một bộ phim khiến khán giả xem và cười từ đầu đến cuối hay những dự án độc lập theo hướng kinh dị, giật gân thay vì hướng đi của hiện tại nhưng vì đã có rất nhiều người làm tốt điều đó và tôi thì lại muốn chọn cho mình một màu riêng biệt. Song đã là một sản phẩm dịch vụ thì đương nhiên phải có lời nhưng ở góc độ một người làm văn hóa nghệ thuật thì đôi khi nếu chỉ chạy theo chữ tiền dù không sai thì chính những chi phối về cơm áo gạo tiền sẽ khiến khả năng sáng tạo bị hạn chế. Cho nên, giả dụ như mình làm năm sản phẩm thì hãy dùng ba sản phẩm để kiếm tiền và thỏa mãn cái tôi của mình trong hai sản phẩm còn lại. Nó có thể là một sản phẩm lạ, độc đáo hay chưa được số đông biết tới nhưng mang lại lợi ích xã hội và đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Xem thêm Đạo diễn 'Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi' đau đớn lên tiếng: Trời ơi, phim chưa muốn chết!

Tại thị trường điện ảnh Việt Nam, khán giả thường hà khắc với những bộ phim mà họ đánh giá là hài nhảm nhưng thực tế những dự án đó vẫn đạt doanh thu cao. Song trái ngược với mong đợi về những khung hình đẹp và được đầu tư về mặt nội dung, những bộ phim như Song Lang, Thưa mẹ con đi hay Nhắm mắt thấy mùa hè lại khó lòng đạt được doanh thu vừa tầm. Anh có thấy điều này là mâu thuẫn? 

Nếu dùng từ khán giả có lẽ quá lớn lao bởi phim ảnh vốn tùy thuộc vào trải nghiệm cá nhân. Song để một bộ phim đến được với khán giả lại cần sự đồng lòng của nhiều bên hay thậm chí là sự hỗ trợ từ mạng xã hội cùng với cuộc chiến phòng vé mới có thể bán được. Cho nên, tôi nghĩ nguyên nhân giúp một số phim dù không quá đình đám nhưng vẫn gặt hái được nhiều thành công đến từ sự tổng hòa của những điều trên. Còn những phim nằm ngoài sự tổng hòa ấy có lẽ do thiếu may mắn. Tuy nhiên, để đưa ra một lời giải thích rõ ràng thì hiện tại, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.

Sau cùng, tôi thu lại được những bài học cho các dự án kế tiếp. Rằng trước tiên, tôi phải giữ vững về mặt tinh thần làm phim để cố gắng hoàn thành tốt nhất trong khả năng. Còn ở những khâu sau như truyền thông, tôi sẽ đầu tư một cách chỉn chu và bài bản hơn. Song ở mỗi một bộ phim, chúng ta luôn có những mong đợi nhất định. Tuy nhiên, mọi người thường có xu hướng lựa chọn những thứ quen thuộc với mình như một kịch bản dễ hiểu, diễn viên quen thuộc hoặc một trailer đúng kiểu hay thấy. Khi đó, họ sẽ dễ dàng đi mua với tâm thế là đi mua những thứ mang lại cảm giác gần gũi.

Cho nên, để có thể thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt Nam và giúp khán giả tiếp cận những dòng phim đối với họ còn có phần xa lạ thì chiến dịch truyền thông từ phía ekip thôi là chưa đủ mà còn cần đến bài đánh giá của những người đã ra rạp. Song chưa dừng lại ở đó, tôi cho rằng để có thể thay đổi thói quen của khán giả không phải chuyện một sớm một chiều mà còn cần sự hỗ trợ rất lớn như tôi đã đề cập, đó là thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Thậm chí, nhân hòa ở đây không chỉ nằm ở khán giả hay ekip mà còn là một cái tổng lực có khả năng đẩy được nền điện ảnh Việt Nam đi xa hơn.

Xem thêm 'Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi': Nhuộm nắng tâm hồn và ta phổ nhạc cho bao thăng trầm một thời tuổi trẻ

Cảm ơn anh rất nhiều về buổi trò chuyện ngày hôm nay. Hi vọng bộ phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi cũng như những sản phẩm kế tiếp của anh sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đinh Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vietnam Coffee: Chính thức ra mắt sản phẩm mới - nâng tầm cà phê Việt