Phim Ảnh

6 bản remake các tượng đài phim Hoa ngữ bị 'ném đá' nhiệt tình

Chia sẻ

Một vài phiên bản truyền hình cộp mác “Tân” sau này của Trung Quốc không đạt được thành công như kỳ vọng của nhà sản xuất, mới nhất chính là "Tân dòng sông ly biệt 2016".

Trong nền điện ảnh Trung Quốc, việc các nhà làm phim đôi khi thực hiện bản remake từ những tác phẩm truyền hình kinh điển là trào lưu đã có từ rất lâu trước đó. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đạt được thành công rực rỡ như Tân bến Thượng Hải. Có rất nhiều bộ phim remake bị “ném đá” tơi tả từ lúc chuẩn bị ra mắt cho đến khi được phát sóng trên màn ảnh nhỏ. Điển hình như những tác phẩm được liệt kê dưới đây.

1. Tân Hoàn Châu cách cách (2011)

remake-phim-kinh-dien-01

Theo ý kiến của số đông khán giả, phiên bản Hoàn Châu cách cách với sự tham gia của Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng… là tượng đài bất tử trong số những tác phẩm truyền hình kinh điển Hoa ngữ. Từ lúc dự án Tân Hoàn Châu cách cách bấm máy, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về mức độ thành công cùng sự tự tin có phần hơi thái quá của ê-kíp làm phim. Đến khi phim ra mắt, nó đã chứng minh sự chỉ trích của người xem là… sự thật.

remake-phim-kinh-dien-02

Dàn diễn viên của Tân Hoàn Châu cách cách không tạo được cá tính riêng, diễn xuất bị chê quá gượng gạo. Để tạo điểm nhấn khác biệt so với bản cũ, rất nhiều nhân vật cùng tình tiết mới được đưa vào phim. Thế nhưng, chúng chỉ khiến nội dung của tác phẩm này thêm phần rối rắm.

Không chỉ có vậy, bối cảnh phim được đặt ở thời phong kiến nhưng các nhân vật chính lại có màn thân mật được cho là “tiến bộ về mặt tư tưởng” vượt mức cho phép. Ngoài ra, cảnh quay không được nhà sản xuất trau chuốt, góc quay kém đẹp. Tân Hoàn Châu cách cách sớm bị xếp vào top những phiên bản truyền hình cộp mác “Tân” thất bại nhất.

2. Tân thuỷ hử (2011)

remake-phim-kinh-dien-13

Không phải tự nhiên mà Tân thuỷ hử lại bị khán giả Trung Quốc mỉa mai là “Phim xã hội đen lấy bối cảnh thời phong kiến”. Kể từ khi ra mắt, nội dung của Tân thuỷ hử bị chê thiếu tính logic, tiết tấu phim bị đẩy lên quá nhanh khiến tác phẩm mang hơi hướng hành động của một bộ phim đương đại. Thêm vào đó, phần thoại giữa các nhân vật không được biên kịch trau chuốt.

remake-phim-kinh-dien-14

Nhiều câu từ mang tính hiện đại xuất hiện nhan nhản trong Tân thuỷ hử. Cảnh võ thuật - vốn là một trong những điểm nhấn được người xem quan tâm nhất - lại bị nhà đài vô tư cắt xén. Chưa kể đến việc, ê-kíp thực hiện Tân thuỷ hử lại lạm dụng cảnh nóng quá đà, dẫn đến sự chỉ trích kịch liệt của một bộ phận người xem. Do vậy, dù được đầu tư kỹ xảo đẹp mắt song Tân thuỷ hử vẫn không thể tạo được dấu ấn trên màn ảnh nhỏ.

3. Tân Tây du ký (2011)

remake-phim-kinh-dien-07

Khác với những dự án khác nằm trong danh sách này, Tân Tây du ký gây ấn tượng tốt với khán giả cùng cộng đồng mạng trước khi bấm máy. Theo nhà sản xuất, phim được đầu tư đến 130 triệu tệ (~457 tỷ đồng) và mất hơn 5 năm để chuẩn bị ra mắt. Không chỉ có vậy, đạo diễn Trương Kỷ Trung còn là người thực hiện bộ phim này.

Thế nhưng vào năm 2011, tác phẩm remake này lại là tâm điểm để người xem “ném đá”, chỉ trích một thời gian dài. Nguyên nhân nằm ở việc tạo hình các nhân vật trong phim quá ghê rợn, đáng sợ. Chính vì vậy, không ít phụ huynh đã tỏ ra giận dữ với nhà đài và tránh để cho các khán giả nhí - đối tượng chính mà nhà sản xuất nhắm đến - xem bộ phim.

remake-phim-kinh-dien-08

Tác phẩm cũng tiếp tục bị lên án vì đưa vào nhiều cảnh bạo lực cùng các tình tiết lạ khiến nội dung bị thay đổi. Không chỉ có vậy, một bộ phận khán giả cho rằng, phim đã làm mất đi tính thần thoại nguyên bản nên khó có thể cuốn hút được bằng phiên bản “tượng đài” 1986. Đạo diễn Trương Kỷ Trung từng tỏ ra tức giận và mệt mỏi bởi những lời chê bai gay gắt này.

4. Tân tiếu ngạo giang hồ (2013)

remake-phim-kinh-dien-05

Tân tiếu ngạo giang hồ bản 2013 là một trong những tác phẩm remake cộp mác Vu Chính bị khán giả “ném đá” không thương tiếc. Dù quy tụ những ngôi sao nổi tiếng như Hoắc Kiến Hoa hay Trần Kiều Ân nhưng phim vẫn bị mỉa mai vì nhiều tình tiết thêm thắt khác xa với phiên bản gốc. Việc Vu Chính biến Đông Phương Bất Bại thành nữ 100% cũng như yêu Lệnh Hồ Xung tha thiết khiến người hâm mộ nguyên tác chỉ biết kêu trời.

remake-phim-kinh-dien-06

Ngoài ra, dù đã nhận cả “rổ đá” từ trước khi khởi quay song Vu Chính vẫn cương quyết lựa chọn Viên San San đảm nhận vai Nhậm Doanh Doanh. Với diễn xuất trăm cảnh như một của mình, “Thánh Cô” họ Viên đã thành công trong việc… đẩy khán giả qua hâm mộ “Đông Phương Bất Bại” Trần Kiều Ân.

Tuy bị khán giả Trung Quốc chê bai triệt để song đối với một số người xem khách quan tại Việt Nam, Tân tiếu ngạo giang hồ vẫn được coi là một bộ phim xem được ở thời điểm chính thức công chiếu, vì nó mang đến nhiều bất ngờ.

5. Tân thần điêu đại hiệp (2014)

remake-phim-kinh-dien-03

Từ trước đến nay, Cô Cô là một trong những nhân vật nữ chính bất hủ của loạt tiểu thuyết kiếm hiệp do nhà văn Kim Dung chấp bút. Khán giả đã khắc ghi vào tâm trí hình ảnh Tiểu Long Nữ lạnh lùng, thoát tục trong bộ trang phục trắng do Lý Nhược Đồng cùng Lưu Diệc Phi thể hiện. Cho đến Tân thần điêu đại hiệp bản 2014, Vu Chính đã phá nát hình tượng đẹp đẽ của Cô Cô khi ra mắt phiên bản Tiểu Long Nữ “đùi gà”, tính cách kiểu “cô hàng xóm nhà bên”.

remake-phim-kinh-dien-11

Đây là một đòn đả kích mạnh mẽ đối với cộng đồng yêu thích phim cổ trang cùng fan ruột của nhà văn Kim Dung. Bản thân Trần Nghiên Hy - nữ diễn viên được lựa chọn đóng vai Tiểu Long Nữ 2014 - cũng trở thành mục tiêu bị người xem chỉ trích thậm tệ. Không chỉ có vậy, Vu Chính tiếp tục chế nội dung quá đà, sai lệch với nguyên tác dưới mác “tạo cảm giác mới mẻ” khiến khán giả vô cùng ngán ngẩm. Điều duy nhất thành công ở phiên bản này là… tác thành cho Trần Nghiên Hy và Trần Hiểu (Dương Quá 2014) thành đôi ở ngoài đời!

6. Tân dòng sông ly biệt (2016-2017)

remake-phim-kinh-dien-09

Mới đây, thông tin về việc dự án Tân dòng sông ly biệt chuẩn bị khởi quay vào năm sau khiến cộng đồng mạng Trung Quốc một lần nữa dậy sóng. Mặc dù theo tư liệu kêu gọi đầu tư của nhà sản xuất, phim quy tụ những gương mặt được đánh giá cao như Triệu Lệ Dĩnh, Vương Khải, Trương Nhuệ, song không ít người vẫn kêu gọi tẩy chay dự án này.

remake-phim-kinh-dien-12

Lý do chính là vì phiên bản remake Tân dòng sông ly biệt năm 2001 đã quá thành công. Nhiều khán giả bình luận, Triệu Lệ Dĩnh khó lòng thể hiện được vai Lục Y Bình hoàn hảo như Triệu Vy. Bên cạnh đó, “lời nguyền thất bại” của các dự án remake những năm gần đây rất có thể sẽ ứng nghiệm với Tân dòng sông ly biệt bản 2016. Nó có thể là bước thụt lùi trong sự nghiệp của dàn sao đang đi lên này.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất