Năm 2019, startup tại quốc gia hình chữ S mang về 861 triệu USD đầu tư cùng 123 thương vụ, theo một báo cáo mới của công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Báo cáo này cũng khẳng định vốn đầu tư vào startup Việt Nam tăng tới 92% so với cùng kì năm 2018.
Dù vậy, với những ảnh dưởng của COVID-19, Do Ventures nhận thấy trong nửa đầu năm 2020, đầu tư vào Việt Nam đã giảm 22%, từ 284 triệu USD trong năm 2019 xuống chỉ còn 222 triệu USD. Dù vậy, theo Do Ventures, nhiều sự quan tâm đang đổi dồn vào những ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ nhân sự, công nghệ bất động sản, trong khi đó các ngành truyền thống như bán lẻ vẫn “thống lĩnh” dung lượng đầu tư.
Do Ventures do bà Lê Hoàng Uyên Vy đồng sáng lập cùng ông Nguyễn Mạnh Dũng sáng lập. Bà Lê Hoàng Uyên Vy từng là cựu CEO sàn thương mại điện tử Adayroi, đồng thời là đối tác của ESP Capital. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng từng là giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm CyberAgent Capital ở Việt Nam và Thái Lan. Ông còn được biết đến với hình ảnh Shark Dzung trong Shark Tank Việt Nam.
Mới đây, trang Kr-ASIA đã thực hiện một bài phỏng vấn với bà Lê Hoàng Uyên Vy để có những chia sẻ về tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệm ở Việt Nam và những kế hoạch của Do Ventures.
PV: Nhiều công ty đầu tư mại hiểm đã thay đổi chiến lược đầu tư sau COVID-19. Bà có thể chia sẻ cách Do Ventures sẽ đầu tư với quỹ đầu tiên của mình, dựa trên các phân tích báo cáo? Dung lượng đầu tư Do Ventures có thể thực hiện là bao nhiêu?
Bà Uyên Vy: Hiện tại, cơ cấu nhân khẩu học ở Việt Nam rất hấp dẫn với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh và người dùng am hiểu công nghiệp. Thị trường tiêu dùng ở đây cũng đã chín muồi và sẵn sàng để được phục vụ bởi các công ty công nghệ với các sản phẩm sáng tạo.
Đáng chú ý, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 64 triệu người trong năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam đang đạt đến điểm uốn tăng trưởng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, tương tự những gì Indonesia đã trải qua 7 năm trước.
Ở Do Ventures, chúng ta phát triển chiến lược đầu tư đầy đủ bằng cách đầu tư vào các startup ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ vòng seed đến Series B. Trong quá trình này, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ dẫn dắt vòng đầu tư seed và sau đó tiếp nối đầu tư cho đến vòng Series B. Cùng thời điểm, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư khác đồng đầu tư để mang thêm giá trị cho startup. Liên quan đến dung lượng, chúng tôi có thể đầu tư từ 500.000 USD đến 5 triệu USD cho mỗi công ty.
PV: Startup trong lĩnh vực nào được Do Ventures hướng đến? Đặc điểm hay tính chất nào bà cho là quan trọng đối với người sáng lập hay đội ngũ của startup?
Bà Uyên Vy: Chúng tôi đặt mục tiêu đầu tư vào 2 nhóm công ty: nhóm đầu tiên gồm các nền tảng kết nối doanh nghiệp đến người mua (B2C) có thể tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả cho người dùng trẻ. Trong khi đó, nhóm thứ hai bao gồm các nền tảng kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) có tiềm năng mở rộng ra toàn cầu.
Chúng tôi hiểu rằng người sáng lập đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của startup. Vì thế, chúng tôi dành nhiều sự quan tâm đối với các phẩm chất của họ. Nói chung, chúng tôi tìm kiếm những người tiên phong có thể tạo ra những sân chơi mới và tạo ra hành vi khách hàng mới.
Cụ thể, chúng tôi cần những tính cách sau: kiên trì, đồng cảm và chính trực. Trong khoảng thời gian nhiều sự bất định, những người sáng lập nên duy trì sự gan dạ và quyết tâm để tiếp tục và đạt được kết quả cao nhất có thể. Đồng thời, chúng tôi tin rằng để thành công, những người sáng lập cần có khả năng tiếp thu nhiều góc nhìn để phát triển sự hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như sự đồng cảm với khách hàng.
Quan trọng nhất, nhà sáng lập nên thể hiện một thái độ đạo đức tốt và luôn trung thực. Nếu các nhà sáng lập luôn tìm hiểu thị trường và khách hàng, kiên trì vượt qua thời kỳ khó khăn, đón nhận thử thách và duy trì các nguyên tắc đạo đức vững vàng, sẽ có cơ hội tốt để các công ty khởi nghiệp này phát triển.
PV: So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Việt Nam phục hồi khá nhanh từ những tác động của COVID-19. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tình hình đầu tư trong nửa sau và cả năm 2020? Xu hướng này liệu sẽ được duy trì hay chúng ta sẽ thấy sự tái tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến trước COVID-19 như thanh toán điện tử, công nghệ tài chính và logistics?
Bà Uyên Vy: Liên quan đến môi trường khởi nghiệp, chúng tôi nghĩ rằng startup sẽ sớm phát triển trở lại. Theo khảo sát của chúng tôi với 50 quỹ trong khu vực, Việt Nam là điểm đến hàng đầu để đầu tư trong 12 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư tại Việt Nam cũng khá lạc quan. Các quỹ được khảo sát kì vọng sẽ đầu tư từ 117 đến 200 thương vụ trong 12 tháng tiếp theo. Gần 80% số nhà đầu tư nói rằng họ đang lên kế hoạch thực hiện từ 1 đến 5 thương vụ.
COVID-19 tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi người dùng và thúc đẩy số hoá ở doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi kì vọng sẽ thấy nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính trong thời gian tới.
PV: Mục tiêu cho quỹ đầu tiên của Do Ventures là gì?
Bà Uyên Vy: Hôm 1/10, chúng tôi tuyên bố khoản đầu tú đầu tiên vào F99, một nền tảng phân phối trái cây trực tuyến tại Việt Nam. Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thực hiện thêm một số khoản đầu tư. Nhìn chung, Do Ventures có mục tiêu hậu thuẫn từ 20 đến 30 startup.
PV: Bà sẽ đóng góp những gì cho các công ty trong danh mục đầu tư?
Bà Uyên Vy: Vì Do Ventures tập trung các các công ty giai đoạn đầu, bên cạnh nguồn lực tài chính, chúng tôi sẽ hỗ trợ startup với những kinh nghiệm thực chiến.
Chúng tôi muốn hỗ trợ startup khả năng đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, khả năng hỗ trợ vận hành chuyên sâu ở nhiều mảng. Cụ thể, chúng tôi sẽ giúp các công ty mình đầu tư thiết lập hệ thống báo cáo tự động cho phép các nhà sáng lập quan sát tình hình kinh doanh theo thời gian thực. Từ đó, họ sẽ hiểu sâu hơn về tình hình vận hành chung của công ty.
Từ các dữ liệu thu thập được, chúng tôi sẽ tinh chỉnh vận hành theo chiều sâu theo đúng nhu cầu của startup, bao gồm phát triển sản phẩm, tối ưu chuỗi cung ứng, thiết kế tổ chức, cải thiện bán hàng và marketing, tuyển dụng nhân tại và mở rộng ra nước ngoài.