Âm Nhạc

Tháng Tư, 'mùa' Trịnh

Chia sẻ

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn được vang lên bất cứ lúc nào, ở đâu. Nhưng tôi vẫn muốn gọi tháng Tư là “mùa” nhạc Trịnh, bởi các show diễn, các hoạt động tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa này diễn ra rất sôi động.

Tôi tự nhận mình là người “ngoại đạo” với nhạc Trịnh, bởi không phải fan hâm mộ của ông. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nhạc Trịnh, và thường là những lúc mình “tâm trạng”. Ví như hôm nay, một ngày Hà Nội mưa phùn lép nhép, cái ranh giới giữa “nóng” và “lạnh” thật mỏng manh, kiểu như mặc áo khoác thì nóng mà diện áo phông cộc tay thì lạnh. Cái kiểu thời tiết này nó dễ làm cho lòng người chùng xuống. Đặc biệt là khi ai đó lại đang có “tâm trạng” thì rất dễ được đồng cảm. Và, những lúc như thế này tôi lại bật máy tính nghe nhạc Trịnh, để giải toả cảm xúc, và cũng thật tình cờ, lại đúng vào “mùa” nhạc Trịnh khi ¼ năm nay, người hâm mộ đều tưởng nhớ 15 năm ngày ông bỏ trần thế mà đi.

Nữ ca sĩ Khánh Ly bên bức tượng Trịnh Công Sơn.

Nữ ca sĩ Khánh Ly bên bức tượng Trịnh Công Sơn.

Lần đầu tôi nghe nhạc Trịnh, chắc cách đây khoảng 25 năm, khi ấy mới có hình thức hát karaoke. Là người thích hát nên tôi rất mê “món” này. Cái thời hát bằng cái micro dây dài thoòng nối với cái âm-ly cứ “a lô” là nó vang vang, vọng vọng. Đĩa chính là cái băng cối cho vào đầu mà cứ hát hết lại lôi ra lấy cái tay quay bằng nhựa tua lại từ đầu để hát. Kể cũng vui!.

https://www.youtube.com/watch?v=p0eYNHrv0tg

Ngày đó, lần đầu biết đến nhạc Trịnh là ca khúc Quỳnh hương. “Ta mang cho em một đoá quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm…”. Giai điệu nhẹ nhàng mà vui tươi, nhưng mà lời ca thì rất lãng mạn. Sau đó tôi nghe hàng loạt những ca khúc như Biển nhớ, Hạ trắng, Một cõi đi về…và thấy rất hay, rất thích. Sau đó thì nghe Hồng Nhung hát và mới biết trước đó, Khánh Ly là “tượng đài” âm nhạc Trịnh Công Sơn. Khoảng thời gian đó băng đĩa khá nhiều, Khánh Ly có hàng chục cuốn, nhưng tôi chỉ mua vài cuốn mà có những bài mình thích. Thế là đủ. Còn thì nghe Hồng Nhung, vì hồi đó Hồng Nhung gắn với danh từ “Bống” và nổi lên bằng những ca khúc nhạc Trịnh. Có lẽ lần đầu nghe nhạc Trịnh từ giọng hát Hồng Nhung, vì thế mình thích Hồng Nhung hát nhạc Trịnh hơn. Nghe Hồng Nhung hát Ru tình, Ru em từng ngón xuân nồng, Biển nhớ, Hạ trắng… thấy man mác buồn nhưng không bi lụy và ảm đạm. Sau này, Hồng Nhung hát một loại bài về “Bống” mà nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác cho riêng cô, viết về chính con người cô. Tôi thích!

Dù không phải fan của Trịnh Công Sơn, nhưng tôi khá quan tâm đến ông và tìm hiểu về những ca khúc và cả những ca sĩ hát nhạc của ông. Tôi nghe Khánh Ly cũng thấy cảm xúc lắm, nó buồn mênh mang và thấy ảm đạm. Nhưng tôi vẫn thích cách hát của Hồng Nhung, có gì đó khát khao và “lửa” hơn. Với cả Hồng Nhung hay tâm sự trên sân khấu, về mối quan hệ của cô và nhạc sĩ, vì thế nó càng thêm hấp dẫn. Tôi thấy ngoài Khánh Ly, Hồng Nhung ra, có rất nhiều người hát nhạc Trịnh hay. Tôi nghĩ nhạc Trịnh bản thân nó đã hay rồi, nên ai hát cũng sẽ dễ đi vào lòng người chứ không chỉ riêng Khánh Ly, Hồng Nhung cho dù nhiều fan “cực đoan” thì chỉ thích hoặc Khánh Ly, hoặc Hồng Nhung. Riêng tôi, ngay cả Tuấn Ngọc hát Trịnh tôi cũng thích. Hoặc ở Hà Nội thế hệ sau Hồng Nhung có Lô Thuỷ hát cũng rất hay. Lô Thuỷ có màu giọng giống Khánh Ly nhưng cô hát kiểu “trẻ” hơn, không sâu sắc bằng Khánh Ly nhưng cũng tạo được cảm xúc mới. Hay như anh bạn thân của tôi, ca sỹ Tấn Minh cũng làm tôi ngạc nhiên khi anh hát Trịnh.

hongnhung

Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, khi tôi làm MC cho đêm nhạc Men’s show dịp Quốc tế phụ nữ, Tấn Minh đã làm tôi “choáng ngợp” khi hát Ru em từng ngón xuân nồng. Giọng hát semi pop bỗng trở nên nồng nàn, đắm đuối, bay bổng và ngập tràn cảm xúc khi Tấn Minh thả hồn mình trong không gian nhạc Trịnh. Thế là tôi nghĩ, Tấn Minh mà hát nguyên một đĩa nhạc Trịnh Công Sơn chắc chắn là cũng sẽ “phê” lắm. Hay như gần đây, trong chương trình Giọng hát Việt nhí, tôi cực kỳ ấn tượng với “tiểu ni cô” Huyền Trân khi hát nhạc Trịnh với tinh thần hồn nhiên, trong trẻo và vô cùng đáng yêu. Đấy cũng là một điều lạ lẫm mà nhạc Trịnh đem lại. Bởi trong suy nghĩ nhiều người, nhạc Trịnh là suy tư, là chiêm nghiệm… thế nên chỉ những nghệ sĩ đủ trải nghiệm sống mới có thể chuyển tải được. Tuy nhiên, Huyền Trân đã chứng minh được điều ngược lại.

Nhạc Trịnh, thật ra không phải chỉ dành cho những ca sĩ chuyên nghiệp. Ở Hà Nội, có một cô gái hát nhạc Trịnh rất hay, nổi tiếng trong giới hâm mộ Trịnh Công Sơn, đó là Giang Trang. Chỉ là một doanh nhân mê hát, cụ thể là mê Trịnh, nhưng Giang Trang đã có khoảng thời gian dài “đắm đuối” với nhạc Trịnh. Từng làm nhiều minishow nhạc Trịnh và từng ra CD nhạc Trịnh. Và Giang Trang hát nhạc Trịnh cũng rất hay, theo cảm nhận của tôi. Cái sự “hay” của Giang Trang bởi cô cảm nhận nhạc Trịnh và hát nó theo cách của riêng mình, đấy là cái mà nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp không thể làm được khi hát Trịnh. Vì thế mà trong giới hâm mộ nhạc Trịnh ở Hà Nội, không ai là không biết Giang Trang.

vancao

Cố nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn.

Tháng Tư, lại một “mùa” nhạc Trịnh nữa đến. Rất nhiều đêm nhạc Trịnh, không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn mà còn ở khắp nơi, được tổ chức. Và sẽ có không khỉ Khánh Ly, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc, Quang Dũng hay Quang Minh, Lô Thuỷ, Tấn Minh, Giang Trang… mà sẽ có rất nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên khác hát Trịnh. Có thể là một sân khấu sang trọng đâu đó ở những thành phố lớn, hay chỉ đơn giản là một quán bar vài chục người ở một nơi nào đó xa xôi, nhưng nhạc Trịnh dù là ở chỗ nào vẫn thế, vẫn đầy chiêm nghiệm, suy tư nhưng vẫn đẹp như những bài thơ, ngập tràn cảm xúc.

trinh_cong_son

Chia sẻ
Tin mới nhất